THỜI GIAN CUỐI CÙNG

Khi xưa cũng như ngày nay, dựa trên các thảm họa thiên nhiên như bão tố, lũ lụt, động đất, cháy rừng… các thảm kịch tang thương: hạn hán, mất mùa, đói kém, dịch bệnh… các cuộc chiến tranh gây chết chóc kinh hoàng…, nhiều người lo lắng và đoán non đoán già về những việc sắp xảy ra trong tương lai. Thậm chí có người kết luận rằng đây là những dấu hiệu về tận thế, vì Chúa Giêsu đã nói: “Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13: 7-8). Ngay cả họ cho rằng Chúa Giêsu sắp trở lại! Thật đáng tiếc, đây chỉ là những suy đoán chủ quan cá nhân. Không ai biết giờ nào Chúa Kitô sẽ trở lại! Chính Chúa nói với các môn đệ: “Nếu có ai bảo anh em: Này, Đấng Kitô ở đây! Kìa, Đấng Kitô ở đó!, anh em đừng có tin” (Mc 13: 21). Vậy thì, điều khiến chúng ta lo lắng thực sự là gì? Phải chăng đó là liệu chúng ta có được cứu độ hay không, và chúng ta cần phải làm gì để được cứu độ? Đó mới là điều chính yếu.

  1. Nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong trần thế.

Chúa Kitô tiên báo: “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng” (Mc 13:24). Đây là kiểu nói “khải huyền” theo truyền thống, với những hình ảnh phóng đại được khuôn đúc sẵn, rất thông dụng trong Cựu Ước. Thực ra, những chuyện này không phải là điểm chính yếu trong diễn từ này của Chúa Giêsu về ngày tận thế. Trọng tâm sứ điệp của Chúa Kitô là chính Ngài, con người của Ngài, cuộc sống tạm thời của Ngài trong thế gian, mầu nhiệm vượt qua của Ngài, và sự trở lại của Ngài vào thời sau hết: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Ngài sẽ sai các thiên sứ đi, và Ngài sẽ tập họp những kẻ được Ngài tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13; 26-27).

Chúng ta không cần phải tự hỏi tất cả những điều này sẽ xảy ra khi nào và như thế nào. Tuy nhiên chúng ta cần nhận thức lại rằng đời sống đức tin của chúng ta trên trần gian này chính là đi tìm gặp Đấng đang tìm đến với chúng ta, trong một cuộc gặp gỡ ngày càng rõ ràng hơn. Mỗi ngày trôi qua chúng ta lại đến gần với Chúa Giêsu Kitô hơn. Chúng ta không cần chờ đợi một thời điểm, một địa điểm hoặc một hoàn cảnh cụ thể nào đó trong tương lai thì mới có thể gặp được Ngài. Chúng ta có thể gặp Chúa Giêsu Kitô mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, vì Ngài là Đấng Phục Sinh không lệ thuộc vào bất cứ qui luật vật lý nào của trời đất. Chính vì thế Chúa Kitô Phục sinh có thể đem lại cho con người chúng ta niềm hy vọng vô hạn, vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian vốn trói buộc thân phận phàm nhân hữu hạn của chúng ta.

Điều này không có nghĩa là chúng ta quay lưng lại với cuộc sống hiện tại, nhưng ngược lại: chúng ta suy gẫm những biến chuyển thất thường trong trời đất, vũ trụ, trong các mối tương quan cá nhân của chúng ta, trong cuộc sống hiện tại hàng ngày, để học cách nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta và phó thác mọi việc vào quyền năng yêu thương của Ngài. Ngay cả khi thời tiết thay đổi, mặt trời tối dần, và cả khi cuộc sống trở nên tối tăm hoặc chúng ta cảm thấy như đang bước vào một đêm không trăng sáng, chúng ta không nên tin vào những cách suy đoán đầy huyễn hoặc làm tổn hại đến cuộc sống và chất lượng mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với những người khác. Chúng ta không cần nghe những bài phát biểu vô ích về dự báo các ngôi sao dường như sắp từ trên trời rơi xuống, nhưng chỉ cần có cái nhìn đức tin, hy vọng và bác ái, vốn là đặc điểm của đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Viễn cảnh về ngày tận thế không làm chúng ta xao lãng cuộc sống hiện tại, nhưng mời gọi chúng ta xem xét tương lai của mình bằng niềm hy vọng; niềm trông cậy này cho phép chúng ta học hỏi, hiểu biết, nhận ra những gì đang có, những gì đang xảy ra, công việc và ý muốn của Thiên Chúa là gì. Niềm hy vọng của chúng ta chính là khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng sẽ cho “thiên hạ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13:26).

  1. Chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa Kitô.

Trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng hôm nay là sự xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng sẽ “tập họp những kẻ được Ngài tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13: 27). Dù cuộc sống của chúng ta có mang màu sắc khải huyền nào, chúng ta cũng đừng lãng phí thời gian tìm cách giải thích lá số tử vi của mình, nhưng thay vào đó, hãy tự hỏi mình mỗi sáng, hôm nay tôi sẽ nói những lời nào đem lại sự bình tâm, sẽ thực hiện những cử chỉ ủi an nào. Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện những việc đó, trong cuộc sống hằng ngày, hơn là chạy theo thói hiếu kỳ nghe ngóng và tìm xem “các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mc 13:25) khi nào và bằng cách nào, vì “Ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:32). Mọi sự việc xảy ra đời này đều là dấu chỉ kêu mời chúng ta nhận ra Thiên Chúa đang đến: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13: 28-29).

Hẳn nhiên Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và sống lại để ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người, đó chính là ân huệ mà Ngài ban cho chúng ta, nhưng phần chúng ta vẫn cần phải đón nhận và sử dụng ân huệ này. Điều quan trọng là tin vào Thiên Chúa, vào lời của Ngài: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13: 31). Không phải vào ngày cuối cùng của cuộc đời, chúng ta mới lo lắng về điều đó, bởi vì ai biết được mình sẽ chết ngày nào, giờ nào: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc13: 33).

Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta về đức tin đích thực của chúng ta, về cuộc sống của chúng ta với Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị để gặp Ngài, nghĩa là gặp Ngài trong cõi lòng của chúng ta ngay từ hôm nay như thể là ngày cuối cùng.

Điều này không có nghĩa là không hoạch định gì cho tương lai, hoặc từ bỏ mọi thứ, nhưng đúng hơn là phải sẵn sàng ra trước mặt Ngài ngay bây giờ nếu Ngài muốn chúng ta như vậy. Liệu chúng ta đã sẵn sàng ngay bây giờ chưa? Chắc chắn thế gian này sẽ có lúc kết thúc, và trong ngày cuối cùng đó, chúng ta sẽ là loại người nào, như trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Đaniel tiên báo: “Nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12:2-3).

  1. Chúa sẽ đến

Chúa Giêsu khẳng định Ngài sẽ quang lâm: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13: 26). Vì thế, Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải canh thức khi Ngài trở lại, như một “người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (Mc13:34). Các môn đệ của Chúa được nhắc nhở phải cảnh giác và sẵn sàng, vì họ không thể xác định chính xác ngày giờ Ngài trở lại. Lời dạy này không chỉ liên quan đến việc chuẩn bị cho Chúa Kitô trở lại, mà còn nhấn mạnh đến thực tế Ngài đến bất ngờ: “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13: 35). Nhiệm vụ của các môn đệ của Chúa là nhiệm vụ của người giữ cửa, luôn cảnh giác và chuẩn bị.

Chúa Giêsu thông báo cho những người theo Ngài rằng sự trở lại của Ngài có thể xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong đêm tối “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” – hàm ý rằng cuộc sống đầy rẫy những điều không chắc chắn. Do đó, sự tỉnh thức rất quan trọng đối với các môn đệ, vì nó nuôi dưỡng một tâm thế phù hợp với cả nhiệm vụ hiện tại và trách nhiệm tính sổ với Ngài trong tương lai: “Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ” (Mt 25: 19). Việc tỉnh thức tâm linh, vốn là nhiệm vụ của mỗi tín hữu, thúc giục chúng ta phải luôn cảnh giác và trung thành trong hành trình hằng ngày với Chúa Kitô. Chúa sẽ trở lại bất ngờ, nhưng nếu chúng ta ghi nhớ lời Ngài và lòng trí chúng ta luôn gần gũi Ngài thì chúng ta không có gì phải quá lo lắng. Vì chính Ngài vẫn đang hiện diện với chúng ta trong các bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể, trong Hội Thánh, trong Lời Ngài…cho đến tận thế: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 29:20). Ngay cả trong giờ phút đen tối nhất của chúng ta, Chúa vẫn không bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn dõi theo và bảo vệ chúng ta ngày đêm. Bất kể mọi thứ trên thế giới có vẻ tồi tệ và đen tối thế nào, Chúa vẫn đang kiểm soát. “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13:26). “Trong đám mây” là một biểu tượng cho thấy Chúa ngự trên tất cả chúng ta và Ngài đang cai quản thế giới, cai quản cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu đảm bảo với các môn đệ của mình: “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mc 13:13) dù họ đang phải đối mặt với những gì có vẻ như là kết thúc đối với họ, “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mc 13:24-25). Vào ngày cuối cùng, Chúa “sẽ sai các thiên sứ đi, và Ngài sẽ tập họp những kẻ được Ngài tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13: 27). Chúng ta cần phải làm gì để được xếp vào hàng ngũ “những kẻ được Ngài tuyển chọn từ bốn phương”?

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts