Không biết có ai trông thấy ma, hay gặp ma bao giờ chưa? Hoặc có ai được trông thấy linh hồn người chết hay chưa? Khi nghe nói đến “ma” thì người Việt thường hình dung ra một thực thể ghê sợ, nhưng chữ “ghost” trong tiếng Anh mà tiếng Việt dịch là “ma”, có nghĩa là một thực thể vô hình ở thế giới bên kia mà nó có thể là linh hồn người chết và cũng có thể là thiên thần hay qủy.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ và các ông đã sợ hãi tưởng Người là ma nên Đức Giêsu phải trấn an các ông, “Hãy nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ sờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”
Sự phục sinh của Đức Giêsu là một biến cố duy nhất trong lịch sử loài người và vượt trên sự lý luận bình thường. Đức Giêsu sống lại không giống như sự sống lại của ông Lagiarô vì ông sống lại nhưng đã phải chết một lần nữa. Đức Giêsu phục sinh với một thân xác không giống như thân xác của chúng ta. Nhưng thân xác ấy không phải là “ma” vì thân xác ấy có thể trò chuyện, ăn uống như bình thường, nhưng lại không bị giới hạn bởi vật lý, có nghĩa Đức Giêsu có thể xuất hiện bất cứ ở đâu dù trong phòng đóng kín. Tuy nhiên, có một điều không giải thích được là tại sao các tông đồ không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh ngay tự lúc đầu, mãi cho đến khi Người lên tiếng cho biết thì các tông dồ mới biết đó là Đức Giêsu. Giáo Hội cũng chỉ công nhận rằng thân xác Đức Giêsu là “một mầu nhiệm phục sinh” mà không giải thích gì thêm.
Ngoài Chúa Giêsu, trong lịch sử Giáo Hội chúng ta còn có Đức Maria là người cũng được lên trời cả hồn lẫn xác và Mẹ Maria cũng đã hiện ra nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay có một linh mục, René Laurentin, người theo dõi tất cả những hiện tượng được gọi là “hiện ra” của Đức Mẹ. Nghe nói Đức Mẹ “hiện ra” ở bất cứ đâu, dù Giáo Hội công nhận hay chưa, Cha Laurentin đều đến tận nơi để điều tra, phỏng vấn, ghi nhận mọi dữ kiện. Và điều quan trọng người cho biết là trong tất cả những cuộc điều tra của người, những người được thị kiến đều diễn tả Đức Mẹ như một thiếu nữ trẻ hơn 16 tuổi! Chúng ta nên nhớ khi Đức Mẹ từ trần, ít nhất ngài phải khoảng 50 tuổi hay già hơn, nhưng khi “hiện ra”, ngay ở những nơi được Giáo Hội công nhận, như ở Fatima, Lộ Đức, v.v. thì ngài chưa tới 16 tuổi! Có lẽ đây là sự kiện cũng giống như trường hợp của Đức Giêsu phục sinh. Vì Người sống lại trong hình dáng của một thiếu niên khoảng 16, 17 tuổi, chưa có râu ria như một người đàn ông 30, 33 tuổi như khi Người đi rao giảng và chịu chết, nên các tông đồ không thể nào nhận ra được, cho đến khi Người lên tiếng.
Dĩ nhiên, đó cũng chỉ là một sự suy đoán, và điều đó không quan trọng. Điều quan trọng được Phúc Âm ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn mà ông Tôma muốn sờ đến để biết chắc Người đã sống lại.
Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích ấy? Nói cách khác các thương tích ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu có lẽ là một nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Người đã chịu đau khổ tới mức để có thể thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta. Điều này có ý nghĩa gì đặc biệt?
Để hiểu được điều đó, chúng ta phải nghe câu chuyện của Chân Phước Têrêsa Calcutta. Khi những người nghèo đến trung tâm cứu tế của nhà dòng Bác Ái Truyền Giáo của Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ để được cấp dưỡng thực phẩm, có một ông than phiền với Mẹ Têrêsa về thức ăn không được ngon mà nhà dòng cung cấp cho họ, Mẹ Têrêsa trả lời: “Chúng tôi cũng ăn cùng một loại thức ăn đó. Tại sao ông lại than phiền?”
Tương tự như vậy, khi chúng ta than phiền về sự đau khổ của mình thì qua các thương tích của Đức Giêsu, dường như Người muốn nói với chúng ta rằng, “Phải, Thầy biết thế nào là đau khổ. Hãy đến đây để chạm đến các thương tích của Thầy.”
Khi chúng ta than thân trách phận vì không được giầu sang, không được danh vọng, không có quyền thế như những người khác thì dường như Đức Giêsu lại để chúng ta chạm đến các thương tích của Người và nói, “Các thương tích này là hậu quả của giầu sang, danh vọng và thế lực người đời. Con có nhận thấy điều đó hay không?”
Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ dừng lại ở sự đau khổ, ở các thương tích trên thân thể Đức Giêsu thì tất cả những điều đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không nhìn đến sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Nói cách khác, sự đau khổ chỉ có giá trị nếu nó giúp chúng ta khôi phục lại phẩm giá đích thực của chúng ta và của người khác.
Thí dụ, một người bị sinh ra trong một gia đình nghèo, nếu họ coi cái nghèo là điều bất hạnh cần phải tránh bằng mọi giá thì họ sẽ họ làm bất cứ công việc gì dù mất cả phẩm giá con người để thoát ra cảnh nghèo. Nhưng thay vào đó, nếu họ chịu khó đi học, chịu khó làm việc cực nhọc để giữ được phẩm giá con người thì sự đau khổ vì nghèo của họ mới có giá trị.
Trong gia đình chúng ta cũng có những đau khổ vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì tính tình của người vợ, vì sự lười biếng của ông chồng, vì nếp sống bê bối của con cái, v.v. Nhưng những đau khổ đó chỉ có giá trị nếu chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề, thay đổi tình cảnh. Thí dụ, gia đình Thánh Mônica. Cuộc đời của Thánh Mônica rất đau khổ vì gia đình nhà chồng là người ngoại đạo; bà mẹ chồng thì rất khó tính, còn ông chồng thì vô cùng nóng nẩy và phóng túng, người con trai là Augustine lại đi theo tà thuyết Manikê và sống rất hoang đàng. Tuy nhiên Thánh Mônica không chỉ âm thầm chịu đựng đau khổ trong sự cầu nguyện mà ngài còn dùng lời lẽ, và chính đời sống của mình để hoán cải chồng con và đưa họ trở về với Chúa. Nhiều khi bà Mônica phải bôn ba chạy theo Augustine để ngăn cản con mình đừng phạm tội trong khi Augustine thì lại cố tìm cách xa lánh mẹ mình. Tỉ như Augustine lên Rôma sinh sống thì lại nói dối mẹ là đi Milan, và khi bà Mônica tìm đến Milan thì Augustine lại đi đến thành phố khác, và cứ như thế. Nhưng sự kiên trì của bà Mônica đã đem lại kết quả. Chồng bà trở lại Kitô Giáo một năm trước khi từ trần, và Augustine được rửa tội năm 33 tuổi, làm linh mục năm 36 tuổi và làm giám mục của Milan năm 41 tuổi! Giả như Thánh Mônica chỉ chấp nhận sự đau khổ mà không cố vươn lên, không dám mở miệng sửa đổi những sai lầm của chồng con, không tốn thời giờ và tiền của để theo đuổi người con trai hoang đàng của mình thì có lẽ ngày nay chúng ta không có những tấm gương sáng ngời của Thánh Mônica và Thánh Augustine.
Qua cuộc khổ nạn mà các thương tích vẫn còn lưu lại trên thân thể, có lẽ Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ—trong ý nghĩa tích cực—là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các thương tích ấy, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ không là một bất hạnh cần phải tránh bằng mọi giá, mà tội lỗi gây ra sự đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh bằng mọi giá.
Nếu người nghèo mà không bán rẻ thân mình cho thú vui trụy lạc, không ăn cắp của người khác, không lừa gạt người khác thì sự nghèo khổ đó mới có giá trị cứu độ. Nếu chúng ta đang sống trong một quốc gia đầy dẫy vật chất, ngập tràn những thú vui nhưng chúng ta không bị nô lệ cho vật chất, không làm mất phẩm giá của mình vì sự trụy lạc thì sự hy sinh đó mới có giá trị cứu độ.
Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghi-ta. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghi-ta, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, “chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?”
Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng Chín 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6,000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.
Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, “Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người.”
Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: “Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ.”
Với thân thể tật nguyền Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Khi nhìn đến Đức Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, đừng chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, đừng tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu là Người đã mở đường chứng minh điều đó.
Pt. Giuse Trần Văn Nhật
Người Tín Hữu