Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cho thấy những gì Chúa Kitô và các môn đệ của Ngài đã trải qua. Các môn đệ trở về sau khi thực hiện sứ vụ của mình và “tụ họp chung quanh Chúa Giêsu, và kể lại cho Ngài biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6:30). Toàn bộ sứ mệnh của các Tông Đồ được tóm gọn trong hai khía cạnh: “nói” và “làm”. Đây chính là nét đặc trưng của chính cuộc đời Chúa Giêsu: giảng dạy và thực hiện những hành động thương xót. Người ta thấy các tông đồ, qua sự dấn thân của mình, muốn trở thành những người cộng tác với Chúa Giêsu trong cùng một sứ vụ, đó là: “…đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối…trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6: 12-13).
- Lòng thương xót Chúa Giêsu dành cho bầy chiên không người chăn dắt
Chúa Giêsu thấy những “kẻ lui người tới quá đông” (Mc 6:31) nam nữ, người lớn, trẻ con “như bầy chiên không người chăn dắt” Mc 6:34). Thánh Máccô cho thấy cách Chúa Giêsu nhìn nhận và cư xử với đám đông này: “Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương” (Mc 6:34). Chúa Giêsu chính là người chăn chiên đầy lòng thương xót, Đấng quan tâm chăm sóc cả đàn chiên. Nhưng sự quan tâm của Ngài đến cả đàn, mà Ngài nhận là trách nhiệm riêng mình, không làm Ngài quên chú ý đến từng con. Lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho toàn thể nhân loại cũng như từng người đều đầy đủ và trọn vẹn như nhau, không bỏ sót bất cứ người nào; trong 100 người nếu có một người lạc lối, Ngài vẫn đi tìm cho bằng được: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18:12-14).
Chúa Giêsu hôm nay tự giới thiệu mình là mục tử của chúng ta, là Thầy của chúng ta. Ngài nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời Ngài và Mình Máu Ngài. Ngài mời gọi chúng ta gia nhập nhóm môn đệ của Ngài. Ngài đưa chúng ta vào cánh đồng thu hoạch lớn lao là thế giới chung quanh chúng ta. Trong thế giới tục hóa của chúng ta ngày nay vốn thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân, chú tâm vào những lợi ích bản thân, nhiều khi đến mức ích kỷ chỉ còn biết đến mình, thì tâm tình, thái độ của Chúa Giêsu chạnh lòng thương mọi người là điều chúng ta phải chú ý. Lời mời gọi của Chúa Giêsu mọi người hãy biết chạnh lòng thương là một lời mời gọi phiêu lưu: để cho chính mình được sống trong sự ngạc nhiên trước muôn loài, muôn vật, muôn người, nơi Thiên Chúa đang dần dần thực hiện những kế hoạch nhiệm mầu, ẩn kín, đầy thương xót của Ngài. Khi đó, mỗi người sẽ dễ dàng được dẫn đưa đến thái độ ngợi khen Thiên Chúa và kính trọng người khác bằng nhận thức sâu sắc về cuộc đời, về con người, về sự sống. Giới răn trọng đại của Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel được chính Chúa Giêsu nhắc lại: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”? (Mc 12:29-31) Vì thế, việc “kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy” nằm trong dự án cứu độ của Thiên Chúa.
Đó không phải là một việc dễ dàng. Người đầu tiên chấp nhận rủi ro trong lịch sử Cứu độ là Thiên Chúa: trong suốt nhiều thế kỷ, Ngài không ngừng thể hiện lòng nhân từ đối với dân Ngài. Trong bài đọc đầu tiên hôm nay từ tiên tri Giêrêmia, chúng ta thấy một Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ cho dân của Ngài bằng cách tập hợp họ như đàn chiên trên đồng cỏ dưới sự lãnh đạo của các mục tử mà chính Ngài sẽ đặt làm đầu dân của Ngài: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa” (Gr 23:3-4). Lòng nhân từ này thúc đẩy Thiên Chúa gầy dựng một mầm công chính để làm cho công lý nảy mầm trong cõi lòng các dân tộc: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23:5). Trong suốt lịch sử Ơn Cứu Độ, lòng nhân từ này của Thiên Chúa dành cho dân Ngài sẽ không bao giờ chấm dứt, và điều đó sẽ được hoàn thành nơi Chúa Kitô, Đấng sẽ mạc khải trọn vẹn lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho mọi người qua toàn thể con người và cuộc đời của Ngài.
Việc dám sống lòng thương xót theo mẫu mực của Chúa Giêsu sẽ thúc đẩy mỗi người chúng ta tham gia vào hoạt động rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đó là cốt lõi của sứ mạng dành cho người môn đệ được mời gọi “chạnh lòng thương” như Thầy của mình.
- Lòng thương xót Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài.
Điều nổi bật hơn nữa trong đoạn Tin Mừng hôm nay là sự quan tâm của Chúa Giêsu, tỏ lòng nhân từ đối với các môn đệ; Ngài dành cho bạn bè của Ngài một chút thời gian thư thả và nghỉ ngơi. Con người không được tạo ra chỉ để làm việc. Lao động được tạo ra là để con người dự phần vào công cuộc sáng tạo vả Cứu Độ của Thiên Chúa. Dù cần thiết cho cuộc sống hàng ngày nhưng bản thân lao động không phải là mục đích cuối cùng. Sống lòng nhân hậu và xót thương trong lao động, nghĩa là trong mọi công việc, mới là mục đích cuối cùng, là nhận thức được tầm quan trọng của mỗi con người trước mắt Thiên Chúa. Lòng nhân từ của Thiên Chúa giúp con người đạt được sự hòa hợp tốt đẹp với mọi người, nam cũng như nữ, để cuộc sống của họ, trong bất cứ hoạt động nào, cá nhân hoặc xã hội, trở thành những khoảng thời gian thanh thản, bình an. Trong thực tế, điều đó trước hết đòi hỏi chúng ta biết sống cô tịch, tránh xa đám đông, vốn là những giây phút thiết yếu đối với con người mọi thời đại. Điều này đặc biệt cần thiết đối với con người hiện đại, vốn thường xuyên bị đe dọa bởi sự hối hả và nhộn nhịp của các thành phố, thậm chí bởi những cơn stress, đau tim, đột quỵ. “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31). Lời mời gọi này của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài cũng mời gọi chúng ta đến với trái tim Thiên Chúa bằng cách rút lui vào sâu thẳm con người chúng ta để lắng nghe Chúa nói với chúng ta, trong chúng ta. Thánh sử Máccô nêu bật ước muốn của Chúa Giêsu muốn đi đến một nơi hoang vắng với các môn đệ của Ngài: “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6:32).
Tuy nhiên, trong thực tế, lòng nhân từ của Chúa Giêsu không đành bỏ rơi đám đông đang đi tìm Ngài: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài” (Mc 6:33). Đám đông đang đói khát Lời Chúa như một chỗ dựa để lớn lên trong cuộc sống. “Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34).
Chúng ta sẽ làm gì nếu ở vị trí của Chúa Giêsu? Ngài đã để cho mình chạnh lòng thương trước sự hiện diện của đám đông đến mức Ngài thấy họ “như đàn chiên không có người chăn”. Việc dám sống thương xót theo gương Chúa Kitô giúp chúng ta nhận ra điều thiết yếu cho cuộc sống. Trước tiên, để có khả năng trở nên chạnh lòng thương như Chúa Kitô thì việc đầu tiên là biết đón nhận Lời Chúa trong thanh vắng, cô tịch để mình dần dần “mặc lấy Chúa Kitô” (Gl 3:27) biến đổi “nên đồng hình đồng dạng” (Rm 8:29) với Ngài. Chỉ như thế, sau đó chúng ta mới có thể rao truyền con người, cuộc đời của Chúa Giêsu và yêu thương theo gương của Ngài, tức là làm những gì cần thiết để phục vụ những người chung quanh một cách thiết thực như Ngài. Tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác, kể cả những người chưa nhận biết Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô, theo cách Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa có vị trí nào trong lòng chúng ta. Cách chúng ta yêu thương người khác, đặc biệt là những người thiếu thốn, cho thấy cách chúng ta yêu Chúa. Thánh Gioan nói rõ: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4:20).
- Chúa Giêsu loan Tin Mừng bình an
Chúa Giêsu Kitô, đã phá đổ bức tường cao nhất từng tồn tại giữa con người – bức tường giữa người Do Thái và dân Ngoại, giữa những người nhận biết Thiên Chúa và những người chưa nhận biết Thiên Chúa: “Ngài đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Ngài đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2:14). Đây không chỉ là thần học, hoặc chỉ là học thuyết. Nếu bạn đang có xung đột với bất cứ ai – dù là ở nhà, hay nơi làm việc, trong khu xóm, trong giáo xứ hay ngoài xã hội, thì đây chính là con đường dẫn đến hòa bình. Chúa Giêsu Kitô là nguồn gốc của hòa bình: “Thật vậy, chính Ngài là bình an của chúng ta” (Ep 2:14). Hòa bình thực sự không chỉ là chấm dứt thù địch, không có xung đột; nhưng là trở nên một: “Khi thiết lập hoà bình, Ngài đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Ngài” (Ep 2:15). Có phải là hòa bình khi hai đội quân hạ vũ khí và ngừng chiến đấu với nhau không? Đúng, chúng ta vẫn cho là như vậy. Vì chắc chắn đó là điều đáng mong muốn hơn là xung đột vũ trang. Nhưng đó không thực sự là hòa bình theo định nghĩa của Thiên Chúa. Có phải là hòa bình khi một người chồng và người vợ đồng ý không ly hôn, vẫn ở chung một mái nhà, vì lợi ích của con cái, nhưng ngôi nhà vẫn tiếp tục lạnh lẽo và chia rẽ, không có sự hòa hợp hay niềm vui? Đúng, đó có thể là hòa bình theo ý muốn con người, nhưng không phải bình an theo ý định của Thiên Chúa. Có phải là hòa bình khi hai người bạn vốn đã không nói chuyện với nhau suốt một thời gian dài, nay cuối cùng quyết định nói chuyện lịch sự với nhau, nhưng quan điểm của ai người ấy giữ, vẫn bất đồng quan điểm, không đồng hành với nhau nữa? Đây không phải bình an từ Thiên Chúa.
Khi một giáo xứ vẫn cử hành các nghi lễ và chương trình của mình, nhưng lại tràn ngập sự chia rẽ, xung đột, lạnh lùng và oán giận âm ỉ, thì đó có phải là một giáo xứ bình an không? Rõ ràng là không. Bình an là sự hợp nhất, tâm đồng ý hợp. Đó là chia sẻ niềm vui chung, là trở nên một. Chúng ta thường khi “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, tức là chấp nhận sự im lặng bề ngoài, còn trong lòng thì vẫn âm thầm xây lên “bức tường ngăn cách vốn là sự thù ghét” (Ep 2:14). Nếu chúng ta chỉ đồng ý không chiến đấu, thì đó không phải là hòa bình. Và chắc chắn, sớm hay muộn, sẽ xảy ra một đợt bùng phát mới, với tất cả sự thù địch trước đó lại trỗi dậy trên bề mặt một lần nữa. Đây là lý do tại sao điều mà chúng ta gọi là hòa bình giữa các quốc gia không bao giờ kéo dài – bởi vì đó không thực sự là hòa bình, không hề là sự hợp nhất. Đó chỉ là sự mệt mỏi với chiến tranh và đồng ý dừng lại một thời gian cho đến khi tất cả chúng ta có thể phục hồi và tái vũ trang. Sau đó, xung đột lại bùng phát trở lại, bởi vì không có gì được giải quyết. Đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Có những bức tường như thế giữa chúng ta, trong những ngôi nhà. Có sự thách thức, ngờ vực, thù địch, căm ghét giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, và giữa hàng xóm, đồng nghiệp. Những bức tường thù địch này xuất hiện, và chúng ta phải đối mặt. Chúng ta cảm thấy sự thù địch, tức giận, sự oán giận và cay đắng sâu sắc, và chúng ta nói, “Vô ích thôi; không thể làm gì được đâu.”
Để làm được gì cho sự nên một này, chúng ta chỉ có thể cậy dựa vào Thiên Chúa, qua Chúa Kitô: “Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Chúa Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Ngài. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm… Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2: 4-10).
Phêrô Phạm Văn Trung