TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH ĐÒI HỎI MỘT THÁI ĐỘ XÁC TÍN

Chúa Giêsu nói với Tôma: “Đừng cứng lòng nữa” (Ga 20;27). Còn chúng ta thường gọi tất cả những ai muốn sống theo câu phương châm “có thấy mới tin” là “cứng lòng tin” vì họ tìm kiếm những dấu hiệu hữu hình để xác định niềm tin của họ. Có bao giờ chúng ta muốn xem xét lại sự cứng lòng tin này của Tôma không?

  1. Một nguyên cớ khiến Tôma chưa tin

Khi đọc câu chuyện về Tôma sau sự phục sinh của Chúa, chúng ta hiểu gì về Tôma? Chúng ta có bao giờ nhận ra rằng Tôma không hoàn toàn nghi ngờ Chúa Phục sinh không? 

Thực ra, các tác giả Tin Mừng không đề cập nhiều về Tôma ngoại trừ việc Tôma được Chúa Giêsu chọn vào số mười hai Tông đồ. Chỉ có Tin Mừng Gioan mới đề cập đến Tôma chi tiết hơn. Lần đầu tiên Tin Mừng theo Gioan nhắc đến Tôma là ở chương 11. Chúa Giêsu được hai chị em cô Mácta và Maria cho người đến báo: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11:3). Chúa Giêsu biết rõ những gì đang và sẽ xảy ra: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11:4). Ngài không vội thực hiện cuộc hành trình đến với họ: “Sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Ngài còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở” dù Ngài “quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11:5-6). Tuy nhiên Chúa Giêsu có ý định đi đến Bêtania: “Rồi sau đó, Ngài nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!” (Ga 11:7). Một số ông nghĩ rằng trong hoàn cảnh này việc đi đến Giuđê thực sự nguy hiểm, vì lúc đó các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm cơ hội để giết Chúa Giêsu: “Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (Ga 11:8). Chính Tôma,  khi nhận ra Chúa Giêsu quyết tâm đến Bêtania, ông nói với những người khác: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16). Như thế, chúng ta có thể thấy Tôma dũng cảm. Ông sẵn sàng sát cánh bên Chúa Giêsu cho đến chết. Ông kêu gọi những người khác cùng đi với Thầy mình trở lại miền Giuđê, nơi không chỉ có làng Bêtania mà còn thành Giêrusalem nữa, nơi người Do thái đang “tìm cách bắt Ngài” (Ga 10:39), vì “Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số” (Ga 11:18).

Vài chương sau, Gioan ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa ăn tối cuối cùng. Chúa Giêsu đang chuẩn bị các môn đệ vượt Qua qua đau khổ để đến vinh quang – nhưng một cách kín đáo: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (Ga 13:33). Ngôn ngữ của Chúa Giêsu có vẻ như đánh đố. Người ta có thể cảm thấy các môn đệ cố sức hiểu hàm ý những gì Chúa Giêsu đang nói. Dĩ  nhiên Tôma cũng vậy, nhưng cuối cùng chỉ một mình ông lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14:5). Ngay trước lúc đó ít phút, chính Phêrô cũng đặt một câu hỏi tương tự: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” (Ga 13:36). Những người khác hẳn cũng bối rối như hai ông. Họ không hiểu nhưng họ không hỏi. Họ không dám lên tiếng. Riêng Tôma thì khác, ông không chịu im lặng. Ông không hiểu và ông muốn hiểu! Ông không thể theo Chúa Giêsu nếu ông không biết ở đâu và bằng cách nào. Tôma thẳng thắn và thực tế một cách khác biệt. Đơn giản là như vậy. 

Hai câu chuyện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn phản ứng của Tôma sau khi Chúa sống lại. Đấng Phục Sinh hiện ra giữa các môn đệ đang tụ tập trong sợ hãi sau những cánh cửa khóa kín, và làm họ tràn ngập niềm vui: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20:22). Ngài ban cho họ Thần Khí của Ngài và giao cho họ sứ mệnh tiếp tục công cuộc cứu độ: “Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20: 22-23). Chúa Giêsu làm cho những người bạn thân nhất của Ngài biết đến sự hiện diện và quyền năng của Ngài và ban cho họ chính Thánh Thần, ân huệ thần linh. Ít nhất đó là những gì Thánh sử Gioan cho chúng ta biết.  

Nhưng Tôma không có mặt: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Chúa Giêsu đến” (Ga 20:24). Có lẽ lúc ấy ông đang ở bên ngoài. Trong hoàn cảnh đó không ai dám bước chân ra khỏi cửa: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái” (Ga 20:19). Nhưng Tôma thì khác. Ông dám bước ra, không hề sợ hãi, có thể là liều lĩnh nữa.

Tôma quay lại và họ nói với ông rằng họ đã nhìn thấy Chúa – nhưng đối với Tôma, có điều gì đó không đúng! Có thể ông đang nghĩ nếu anh em đã thấy lại Thầy tại sao anh em vẫn chôn chân trong căn phòng này? Nếu anh em đã gặp lại Thầy yêu dấu, tại sao tôi không thể đọc được niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt anh em? Anh em còn chờ đợi điều gì? Chờ Tôma này trở lại sao? Chắc chắn là không, nếu thực sự xác tín, anh em sẽ hân hoan ra mặt và háo hức đến mức tôi có thể nhìn thấy sự thay đổi trong mắt anh em chứ! 

Vì vậy, Tôma nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25). Tôma như muốn trách khéo các tông đồ: “Tôi không thấy anh em đáng tin”. Tôma – đơn sơ, thực tế, thẳng thắn – người không hiểu nhưng muốn hiểu, người khao khát bước theo Chúa Giêsu nhưng cần biết đường đi. Có lẽ Tôma khi đó chưa có ý niệm gì nhiều về việc Chúa sống lại. Không có gì để nói ông tin hay nghi ngờ việc Chúa sống lại cho bằng ông nghi ngờ lời nói của bạn bè! Tôma nhận thấy rất khó có khả năng Chúa đã sống lại vì chung quanh ông có một nhóm nhân chứng mà ông thấy không đáng tin cậy. Tôma nghi ngờ lời nói và chứng tá của cộng đoàn các môn đệ của Chúa lúc đó. Tôma không thể đọc được sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trên khuôn mặt của những người bạn đồng liêu của mình.

Tôma sẽ đọc gì trên khuôn mặt của chúng ta? Chúng ta đọc được gì trên khuôn mặt của nhau khi chúng ta hát “Hallêluia, Chúa nay thực đã phục sinh”? Chúng ta cần trở nên một cộng đoàn đáng tin cậy, một cộng đoàn đã nhìn thấy Chúa và được biến đổi. Có một câu nói cổ xưa trong Giáo hội phương Đông: “Nếu bạn muốn biết Chúa Giêsu có thực sự sống lại hay không, hãy nhìn những khuôn mặt chung quanh bạn trong đêm Vọng Phục Sinh.”

  1. Từ nghi ngờ đến tuyên tín

Chúa Giêsu sống lại đã gọi Tôma là “cứng lòng”; chúng ta cũng có thể là kẻ cứng lòng như Tôma.  Nhưng hiển nhiên Chúa Giêsu không mặc kệ sự cứng lòng của Tôma, và có lẽ của các tông đồ khác, dù họ chưa bộc lộ rõ ràng ra bên ngoài giống như tính cách Tôma thường có. Chúa Giêsu đã dùng quyền năng Thiên chúa của mình làm cho kẻ chết sống lại: con gái ông Giairô trưởng hội đường (Mc 5:22), con trai bà góa thành Naim (Mt 7:11), nhất là Ladarô chết chôn bốn ngày bước ra khỏi huyệt mộ (Ga 11:4-44). Nhưng việc một người chết thực sự, được tẫn liệm và mai táng trong huyệt mộ niêm phong kỹ càng, đến ngày thứ ba tự sống lại, là chuyện không bao có thể xảy ra từ xưa đến nay, và mãi mãi cho đến tận cùng của thời gian, trừ một mình Ngài. Chắc chắn Chúa Giêsu biết rất rõ việc đó. Ngài đã loan báo trước cho các môn đệ không ít lần: “Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (lần 1, Mt 16,21-23), (lần 2, Mt 17,22–23), (lần 3, Mt 20,17–19), nhưng các ông làm sao hiểu nổi chuyện có một không hai như thế: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩaNhưng các ông sợ không dám hỏi lại Ngài về lời ấy” (Lc 9:44-45). Cho nên yêu cầu các môn đệ của Ngài tin vào sự phục sinh của Ngài mà không cho họ thấy những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn mà Ngài đã chịu trước khi chịu chết xem ra là một đòi hỏi quá khó. Tôma chỉ yêu cầu điều mà ông, và có thể coi là thay mặt cho các tông đồ khác, cảm thấy đó là việc “đương nhiên” phải có. Chính vì thế Chúa Giêsu không bác bỏ yêu cầu “phải lẽ” này: “Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-29). Hôm nay, Chúa Giêsu cũng cho Tôma, cũng là cho các môn đệ khác, thấy các dấu chứng đó: “Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20:27). Lại một lần nữa không ai trong số những người khác đáp lại Chúa Kitô phục sinh. Trước Đấng Phục Sinh tỏ tường, Tôma tràn đầy đức tin. Ông tuyên xưng bằng một đức tin trọn vẹn và vững chắc: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Tôma biết lời ông tuyên xưng có nghĩa gì. Ông biết rằng nếu Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì mọi điều Ngài nói về chính Ngài, mọi điều Ngài rao giảng là đúng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Sự cứng lòng tin Tôma bây giờ lại hóa thành chứng tá vượt trội về Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Thánh Gioan khẳng định, trong bài đọc thứ hai hôm nay, rằng: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật… Ai tin vào Con Thiên Chúa, người đó có lời chứng ấy nơi mình. Ai không tin Thiên Chúa, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Ngài. Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Ngài. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.” (1 Ga 5:5-6; 10-12).

Câu chuyện này thực sự là chuyện của mỗi người chúng ta: để sống một cuộc đời xứng đáng với Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng Cứu Độ của chúng ta, chúng ta không tránh khỏi chiến đấu với sự nghi ngờ, bị nỗi sợ hãi đè nặng và liên tục thấy mình thiếu rất nhiều điều Ngài đang mong đợi nơi chúng ta. Những gì Tôma đã làm có thể là điều chúng ta cũng cần phải làm theo – để vượt qua chính sự nhát đảm của mình, để tin và sống niềm tin ấy như Chúa Giêsu Phục sinh nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). 

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts