Trong cổ tích Việt Nam có một câu chuyện nói lên tình bạn tuyệt vời là câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ.
Hai người là bạn từ khi còn nhỏ. Lưu Bình thì giầu có, còn Dương Lễ thì nghèo, nhưng Lưu Bình đã tận tình giúp đỡ Dương Lễ bằng cách đưa Dương Lễ về sống chung và cùng dùi mài kinh sử, chờ ngày đi thi để làm quan. Vì biết thân phận của mình nên Dương Lễ rất chăm chỉ học hành, trong khi Lưu Bình ỷ lại sự giầu sang nên mê chơi hơn ham học. Kết quả là Dương Lễ thi đậu được làm quan, trong khi Lưu Bình vẫn chỉ là một thư sinh vô danh tiểu tốt.
Một ngày kia, khi tiền của đã cạn Lưu Bình tìm đến Dương Lễ hy vọng được giúp đỡ, bấy giờ Dương Lễ là một ông quan giầu sang và có thế lực. Tuy biết là Lưu Bình đến xin giúp đỡ, nhưng Dương Lễ không đích thân ra tiếp mà lại sai người hầu cận đem đồ ăn hẩm hiu bố thí cho Lưu Bình.
Lưu Bình buồn lắm và cảm thấy vô cùng nhục nhã vì thái độ khinh khi của Dương Lễ nên bỏ ra về. Trên đường lang thang Lưu Bình gặp một cô chủ quán rất tốt bụng là Châu Long. Cô này trở nên một người bạn rất tốt của Lưu Bình, cô đã khuyến khích Lưu Bình đi học lại và không những thế, cô còn cho Lưu Bình ăn ở để có thời giờ chăm lo đèn sách chờ ngày đi thi. Dĩ nhiên, kỳ thi lần đó, Lưu Bình đã đậu. Sau khi công thành danh toại, Lưu Bình trở về quán cũ vừa để cám ơn, vừa để ngỏ ý cầu hôn với Châu Long thì cô này không còn ở đấy nữa.
Một ngày kia khi Lưu Bình đi ngang qua vùng của Dương Lễ cai quản thì chàng nhất định ghé vào dinh của Dương Lễ với ý định trả thù mối nhục năm xưa. Nhưng khi Dương Lễ vui vẻ xuất hiện với người bên cạnh là Châu Long, mà được giới thiệu là một hầu thiếp của Dương Lễ, lúc bấy giờ Lưu Bình mới hiểu được lòng tốt của bạn mình. Từ đó hai người trở nên thân thiết hơn.
Câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ có những điểm phù hợp với tinh thần Kitô Giáo:
Thứ nhất, tình bạn cao quý giữa hai người. Lưu Bình tuy giầu nhưng không khi dể Dương Lễ lúc còn hàn vi. Và khi Dương Lễ được giầu sang, thế lực chàng đã không quên ơn Lưu Bình. Tình bạn giữa hai người vượt trên những tầm thường của đời sống.
Thứ hai, tình bạn phải có sự hy sinh. Lưu Bình hy sinh tiền bạc để giúp bạn. Sau này Dương Lễ hy sinh danh dự, chịu để Lưu Bình nghĩ xấu về mình, và hy sinh một người thiếp để thay mặt mình chăm sóc cho Lưu Bình.
Thứ ba, tình bạn phải tích cực, phải giúp nhau đi lên. Dương Lễ đã có thể cung cấp chu đáo cho Lưu Bình về mọi mặt, nhưng nếu làm như vậy Lưu Bình vẫn ỉ lại sự giúp đỡ đó mà không cố gắng vươn lên, không cố gắng để đạt được giá trị con người. Do đó, Dương Lễ phải dùng đến “xỉ nhục kế” để Lưu Bình vì tự ái mà chăm chỉ học hành và đã thành đạt.
Câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ giúp chúng ta hiểu được phần nào câu nói của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, là đoạn Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly, trước khi chịu khổ hình thập giá, nên có thể nói đó là lời trăn trối của một người sắp từ biệt. Chúng ta biết lời trăn trối thì rất quan trọng và Giáo Hội đã đưa đoạn Phúc Âm này vào chúa nhật hôm nay là vì cũng đã sắp đến lúc chúng ta mừng lễ Thăng Thiên, là khi Chúa Giêsu về trời, không còn ở với chúng ta trong thân xác có thể sờ thấy được–đó cũng là một sự từ giã.
Trong đoạn phúc âm này, Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn, và không như tình bạn bình thường của người đời mà họ có thể kết thân với nhau vì cùng một sở thích, cùng học một trường, hay cùng một địa vị, v.v., tình bạn của Chúa Giêsu có đặc điểm là cho nhau biết điều quan trọng. “Thầy gọi anh [chị] em là bạn, vì Thầy đã từng cho anh [chị] em biết tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy” (Gioan 15:15b).
Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng của hai người bạn là tâm sự với nhau. Thực tế đời sống cho thấy việc tỏ lộ tâm sự phải trải qua nhiều giai đoạn, từ quen sơ cho đến quen thân, và càng thân thiết bao nhiêu thì người ta càng dễ tỏ lộ những bí ẩn thầm kín của mình bấy nhiêu. Và chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã tiết lộ tất cả những gì quan trọng về Chúa Cha, bởi vì tình yêu của Người đối với chúng ta đã hết mức. “Như Cha Thầy yêu Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu thương anh [chị] em như vậy” (Gioan 15:9).
Đặc tính thứ hai của tình bạn là sự hy sinh, và tình yêu của Chúa Giêsu dành cho loài người thì cao quý hơn tất cả vì Chúa Giêsu đã bỏ thân phận cao sang của Chúa, xuống thế làm người, để cứu chúng ta. “Không ai có tình yêu cao quý hơn điều này, là hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Gioan 15:14).
Đặc tính thứ ba của tình bạn là phải tích cực. Điều này có nghĩa một khi đã là bạn thì chúng ta phải giúp nhau có được các giá trị thực sự của một con người, tỉ như Dương Lễ đã giúp Lưu Bình thi đậu làm quan chứ không để Lưu Bình lười biếng sống ăn bám vào người khác. Về đặc tính này Chúa Giêsu giúp chúng ta như thế nào?
Trước hết, sự nhập thể của Chúa Giêsu giúp chúng ta thấy rằng giá trị thực sự của một con người thì không hệ tại ở địa vị, chức tước. Thay vì giáng trần trong một gia đình giầu sang, vương giả, có quyền thế, Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong một gia đình tầm thường, nghèo nàn ở Nagiarét, và lớn lên như một người thợ mộc bình thường. Chúa Giêsu muốn dậy chúng ta rằng tiêu chuẩn của Thiên Chúa thì khác với tiêu chuẩn của con người.
Thứ hai là khổ hình thập giá của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận chân giá trị của sự đau khổ. Khi chấp nhận sự đau khổ thập giá, Chúa Giêsu cho thấy tội lỗi gây ra sự đau khổ mới là điều xấu, chứ sự đau khổ, tự nó không phải là một điều xấu cần phải tránh. Do đó, nếu chúng ta nghèo thì cũng đừng vì nghèo mà phạm tội. Hay nếu chúng ta bệnh tật thì cũng đừng vì sự đau khổ đó mà trở nên bi quan yếm thế, hủy hoại thân thể của mình hay cay đắng với sự lành mạnh của người khác.
Thứ ba, mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự phục sinh vinh hiển của thân xác chúng ta mới là mục đích của đời sống. Và đó là kết quả của một đời sống biết rõ đâu là giá trị thực sự của một con người.
Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói rất nhiều về tình yêu, và có lẽ không phải tình cờ khi Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn, vì chữ “bạn” trong tiếng Hy Lạp hay tiếng Latinh đều có dính dáng đến chữ “yêu”: chữ “bạn” trong tiếng Hy Lạp là “philos”, và “phileo” là “tôi yêu”. Tiếng Latinh “amicus” là “bạn” và “amo” là “tôi yêu”. Chúng ta được là bạn của Chúa Giêsu có nghĩa chúng ta được trở nên người yêu, hay người thân thiết của Chúa Giêsu. Và cũng vì lý do đó, chúng ta được làm con Thiên Chúa–bởi vì Chúa Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa và chúng ta được là bạn của Chúa Giêsu cho nên chúng ta cũng là con cái của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa tất cả những người theo Chúa Kitô đều trong một gia đình mà Chúa Giêsu là Anh Cả. Và đã trong một gia đình thì bổn phận của chúng ta là giúp đỡ nhau để khôi phục lại phẩm giá con người giống như Anh Cả Giêsu. Và đó cũng là một mệnh lệnh của Anh Cả Giêsu, “Anh [chị] em hãy thương yêu nhau” (Gioan 15:17). Chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào?
Hơn bao giờ hết, chữ “yêu” ngày nay đã bị xã hội biến chất đến độ không còn ý nghĩa đích thực của nó. Nghe đến chữ “yêu” hầu như người ta chỉ nghĩ đến tình yêu “eros”, tình yêu nhục dục. Nhưng theo Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI, tình yêu nhục dục chỉ là một hình thức của tình yêu con người, mà nó không thể nào thỏa mãn con người, bởi vì loài người chúng ta, ngoài thân xác còn có linh hồn. Muốn thỏa mãn con người chúng ta còn phải để ý đến sự thỏa mãn linh hồn (xem tông thư Deus Caritas Est).
Làm thế nào để thỏa mãn linh hồn chúng ta? Đức Giáo Hoàng Bênêđích cho biết, ngoài tình yêu “eros” chúng ta còn có tình yêu “agape”. Chữ Hy Lạp “agape” diễn tả một tình yêu mà nó bao gồm ý định muốn tìm hiểu người khác, vượt trên sự ích kỷ. Tình yêu “agape” là tình yêu lưu tâm và săn sóc đến người khác. Nó không còn tìm kiếm cho mình, nhưng tìm kiếm ích lợi cho người mình yêu: nó trở nên sự từ bỏ chính mình và ngay cả sẵn sàng hy sinh. Có thể nói tình yêu “agape” được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu.
Dựa trên tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa tình bạn của người đời và tình bạn của những người theo Chúa Kitô.
Qua câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ, có thể nói ba đặc tính của tình bạn: cao quý, hy sinh và tích cực có thể tìm thấy trong các mối tương giao bằng hữu tốt đẹp. Chúng ta thấy có những người là bạn thân với nhau từ khi còn trung học và họ đã giúp đỡ nhau thành công sau này trong thương trường và xã hội–Lưu Bình Dương Lễ tân thời không phải là không có trong xã hội ngày nay. Chúng ta cũng thấy nhiều vợ chồng rất thương yêu nhau, tận tụy hy sinh cho nhau, và vì “thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” cho nên họ rất thành công về tài chánh, có nhiều cửa tiệm buôn bán, nhiều trương mục ở ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ giúp nhau được thành công, giầu sang, hạnh phúc thì đó chưa phải là tình bạn theo tinh thần của Chúa Kitô.
Chúng ta cần nhận định rõ là Thiên Chúa không cấm chúng ta làm giầu, không cấm chúng ta được hạnh phúc, nhưng sự giầu sang sung sướng đó phải giúp chúng ta tiến lên về mặt tinh thần, phải giúp chúng ta tìm lại được phẩm giá đích thực của mình. Điều đó có nghĩa, nếu bạn bè hay vợ chồng đã giúp nhau trở nên giầu có, đã quá đầy đủ vật chất và bắt đầu sinh ra những tật xấu, tỉ như đam mê cờ bạc hay sắc dục, thì bổn phận của một người bạn là phải lên tiếng ngăn cản, chứ chúng ta không thể im lặng.
Một ngạn ngữ tây phương nói rằng, “Bạn là người biết rất rõ về ta mà vẫn quý mến ta.” Câu này thật đúng với Chúa Giêsu. Tuy biết là các môn đệ sẽ bỏ chạy, sẽ phản bội mình trong giây phút Người cần đến họ nhất, nhưng Chúa Giêsu vẫn coi họ là bạn. Tương tự như vậy, Chúa Giêsu biết rõ chúng ta là những người tội lỗi nhưng Người vẫn yêu thương chúng ta, vẫn mong muốn được tâm sự với chúng ta qua sự cầu nguyện, và muốn thấy tình yêu của chúng ta đối với Người được thể hiện bằng hành động đối với tha nhân.
Được làm bạn với Chúa Giêsu là một vinh dự. Để được vinh dự đó chúng ta phải tin rằng mỗi người chúng ta có một giá trị mà giá trị ấy không lệ thuộc vào địa vị, giầu sang hay danh vọng. Giá trị ấy là một đời sống tự do không nô lệ cho bất cứ gì khác để đạt được phẩm giá đích thật của con người mà Chúa Giêsu đã cứu chuộc, và đó cũng là ý nghĩa của lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: “Thầy không còn gọi anh [chị] em là nô lệ, vì nô lệ không biết việc chủ mình làm. Thầy gọi anh [chị] em là bạn hữu” (Gioan 15:15).
Pt. Giuse Trần Văn Nhật
Người Tín Hữu