Mùa Vọng lại về. Điệp khúc, cũng chính là sứ điệp mùa Vọng lại vang lên: “Hãy tỉnh thức”. Gọi là điệp khúc vì nó quen thuộc. Quen thuộc như hơi thở của bản thân.
Hôm nay, Chúa nhật thứ I mùa Vọng, lại một lần nữa, chúng ta lắng nghe lời Chúa dạy: “Các con phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33).
Như hơi thở cần cho sự sống thế nào, điệp khúc và sứ điệp mùa Vọng: “Hãy tỉnh thức” cần thiết đến vô cùng như thế, để đưa ta vào nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi sống trong đời, biết mình là Kitô hữu nhưng không tỉnh thức, không cầu nguyện, đồng nghĩa với việc ta chỉ mang danh Kitô hữu mà không thực là Kitô hữu.
Tỉnh thức giúp ta cảnh giác thói hư tật xấu, cảnh giác tội lỗi, không để những cái xấu thế trần ảnh hưởng, hoặc làm mất đi sự thánh thiện trong tâm hồn.
Nói cách khác, tỉnh thức là biết ăn năn thống hối, biết dọn tâm hồn bằng một đời sống nhân đức để Chúa có thể chiếm ngự tâm hồn, và tâm hồn thuộc về Chúa.
Tôi muốn giới thiệu một khuôn mặt thánh nhân, tuy không mừng kính vào mùa Vọng, nhưng với tôi, đó là khuôn mặt đáng yêu giúp ta noi gương bắt chước sống tinh thần mùa Vọng suốt đời mình. Đó chính là thánh Phanxicô Assisi.
Bằng con đường riêng, thánh nhân sống lời mời gọi của Tin Mừng theo sát mặt chữ: Từ một thanh niên giàu sang, phung phí, thánh nhân trút bỏ mọi sự để nên nghèo khó. Nghèo đến nỗi hoàn toàn trần trụi, không còn gì.
Kể từ khi quyết trút bỏ, đời của chàng trai Phanxicô là cuộc hành trình dài (chứ không phải chỉ một vài năm tháng) đi đến tận cùng của sự nghèo khó, để tiến về đích điểm cao trọng không ai bằng, đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.
Từ khi Phanxicô bắt gặp chân lý đức tin, người ta phải ngỡ ngàng trước thái độ đổi đời quá ngoạn mục của một chàng trai giàu có, phóng túng.
Bắt gặp chân lý đức tin rồi, chàng trai – vị thánh ấy đã ôm chặt bên mình chân lý ấy, say trong chân lý ấy.
Đúng hơn, từ khi bắt gặp chân lý đức tin, Phanxicô luôn tỉnh thức, luôn hiến thân hoàn toàn để được gắn chặt đời mình vào cuộc đời và Lời Chúa Kitô. Gắn chặt đến nỗi, suốt một đời tỉnh thức, vị thánh chìm đắm trong chiêm niệm, tắm mình hoàn toàn trong ơn Chúa, kết hiệp hoàn toàn với thập giá Chúa Kitô.
Phanxicô đã trút bỏ hết sức, đã bước ra, để từ một chàng trai giàu có thành người nghèo khó; Từ một thanh niên phung phí, lêu lỏng trở nên khí cụ bình an đem nguồn bình an cho tâm linh con người; Từ một kẻ sống gần sự tội, trở thành chứng nhân và thành thánh nhân của Thiên Chúa; Từ một người chỉ biết hoạt động và ngụp lặn trong đời, trở thành nhà cầu nguyện tài ba. Nhờ đó, con người yếu kém của Phaxicô đã đổi đời, trở nên khuôn mặt khả ái phản chiếu lớn lao tình yêu của thiên Chúa…
Đặc biệt thời gian cuối đời, thánh nhân ẩn lên núi Alverne để nên một với Đấng-Chịu-Đóng-Đinh, đến độ năm dấu thánh thể hiện trên chi thể của thánh nhân, như một bằng chứng không thể tả cho cả một đời trút bỏ mà thánh nhân đã sống.
Thế nhưng trong hình hài đớn đau của nỗi đau thập giá Chúa Kitô khắc vào thân thể mình, và hầu như mù lòa, Phanxicô vẫn ca ngợi Thiên Chúa bằng tâm tình tạ ơn, đặc biệt qua Bài Ca Vạn Vật, một tuyệt tác của con người thần bí, nhìn thấy dấu vết của Thiên Chúa trong mọi tình huống của cuộc đời…
Chính tâm hồn thánh thiện, phản chiếu sâu đậm tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi thánh Phanxicô Assisi, chiếu rọi vào cuộc đời mỗi Kitô hữu, giúp họ trưởng thành trong sự tỉnh thức.
Cũng vậy, một khi thực sự sống sứ điệp và điệp khúc của mùa Vọng: “Hãy tỉnh thức”, chúng ta cũng sẽ trở nên đồng hình đồng dạng hoàn toàn với Chúa Kitô, Chúa chúng ta.
Tỉnh thức luôn luôn, tỉnh thức suốt đời mình, ta sẽ không còn dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Sẽ không còn tình trạng trì trệ, nặng nề, say sưa, thói nuông chiều thân xác… lôi kéo ta xa rời tình yêu của Chúa.
Như chính Lời Chúa mời gọi, như Hội Thánh hằng nhắc lại để dạy ta, như thánh Phanxicô và nhiều anh chị em khác trong HộI Thánh đã sống, ta quyết một lòng sống một đời trong sự “tỉnh thức”.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG