TÌNH YÊU THỦY CHUNG CỦA THIÊN CHÚA

Theo báo Phụ nữ số ra ngày 18 tháng 8 năm 2024, chuyên mục Hôn Nhân- Gia Đình, bài viết nhan đề “Kết hôn nhanh – ly hôn vội, do đâu?” cho biết “Tỉ lệ ly hôn so với tổng số cuộc kết hôn chiếm trên 47%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp đôi kết hôn và 2.696 vụ ly hôn, tỉ lệ ly hôn chiếm trên 63%. Và số vụ ly hôn dự báo sẽ còn tăng cao trong 2 tháng cuối năm. Số vụ ly hôn ngày càng tăng không phải là chuyện mới mà được đề cập trong mấy năm gần đây. Theo báo cáo của ngành tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống” [1].

Khi chúng ta biết tỉ lệ ly hôn ngay ở Việt Nam ngày càng tăng như vậy thì liệu người ta có chấp nhận bài trình thuật Tin Mừng hôm nay cách dễ dàng không? Liệu chúng ta có xúc phạm những người đã ly dị – tái hôn kia bằng những lời lẽ này của Chúa Giêsu không: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9)? Chúng ta có cảm giác mình đang xét đoán người khác khi không biết hết những gì thực sự đang diễn ra trong mỗi mối quan hệ hôn nhân không? Bài báo trên giải thích lý do và mô tả thực trạng: “Mâu thuẫn về lối sống, vấn đề kinh tế, ngoại tình, bạo lực gia đình… được chỉ ra là những nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Các con số trên khiến nhiều người bàng hoàng, một số cá nhân tích cực luận bàn, mổ xẻ chuyện thực tế quanh mình, trong chính gia đình mình” [2]. 

  1. Hôn nhân phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người

Trong bài trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy những người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu liệu một người đàn ông có thể ly dị vợ mình vì bất cứ lý do gì không. Chúa Giêsu trả lời rõ ràng là không được ly dị: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9). Thực ra những người Pharisêu gài bẫy Chúa Giêsu để kiểm tra sự hiểu biết của Ngài về lề luật Môsê. Họ cảm thấy chướng tai gai mắt vì cho rằng Chúa Giêsu nhiều lần dám đi ngược lại lề luật Môsê. Chúa Giêsu cho họ hiểu rằng Ngài làm chủ lề luật, có thẩm quyền hoàn thiện luật Môsê hoặc bãi bỏ luật này nếu cần thiết. Tất nhiên, những người người Pharisêu, những luật sĩ, nghĩ rằng Chúa Giêsu liều lĩnh dám tự trao cho mình một quyền mà không ai khác dám làm: quyền của Thiên Chúa. Đấng duy nhất cao hơn luật Môsê là chính Thiên Chúa và Đấng Mêsia của Ngài. Vì vậy, qua khẳng định: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ” (Mc 10:6-8), Chúa Giêsu cho họ biết thực tại mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa: Con Thảo thần linh.

Với tư cách đó, Chúa Giêsu dạy người Pharisêu về kế hoạch hôn nhân của Thiên Chúa: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10:6-8). Điều này có nghĩa là theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa thì hôn nhân chỉ có thể tồn tại giữa một người nam và một người nữ và suốt đời. Lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9) nhấn mạnh tính bất khả phân ly của mối dây hôn nhân. Chúa Giêsu Kitô đã nâng hôn nhân lên một tầm cao hoàn toàn mới, đó là tầm mức bí tích: “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1601). Hôn nhân phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Nhờ đó, mối dây hôn nhân trở nên bất khả phân ly, cũng như tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chúng ta là thủy chung mãi mãi: “Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu này là tốt, là rất tốt” (GLHTCG, số 1602).

Tuy nhiên, giống như thời Môsê: “Các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông” (Mc 10:5), ngày nay con người vẫn lòng chai dạ đá. Sự cứng lòng này là hậu quả của một cách nhìn “theo chiều ngang” về thế giới, nghĩa là con người có quan điểm thực dụng và thuần túy phàm nhân hơn là nhìn sự vật trong bối cảnh siêu nhiên. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy chung quanh mình có những nỗ lực nhằm tạo ra những hình thức kết hợp LGBT+, rất xa so với những định thức mà Thiên Chúa mong muốn.

Tình yêu bất khả phân ly của các cặp vợ chồng Kitô giáo là chứng tá cho kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trong thế giới: “Lời nhấn mạnh rõ ràng về tính bất khả phân ly của dây hôn nhân làm cho nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đặt cho các đôi phối ngẫu một gánh không thể mang nổi và quá nặng nề , nặng nề hơn luật Môsê. Khi đến để tái lập trật tự ban đầu của công trình tạo dựng, đã bị xáo trộn vì tội lỗi, chính Ngài ban sức mạnh và ân sủng để con người sống đời hôn nhân theo chiều kích mới của Nước Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1615).

  1. Sự thành tín của Thiên Chúa là nền tảng của sự chung thủy của hôn nhân

Chúa Giêsu, vốn luôn mãi trung thành của Thiên Chúa, muốn truyền cho dân Ngài khi xưa, và chúng ta ngày nay, niềm hứng khởi để sống các mối tương quan của chúng ta, đặc biệt là trong hôn nhân, chung thủy sắt son với nhau như Ngài trung thành với Thiên Chúa Cha và chúng ta. Chúa Giêsu không bao giờ nói và làm điều gì ngược lại với sự trung tín này. Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa không bao giờ quay lưng lại với dân Ngài. Chính Chúa Giêsu đã trung thành đến cùng, Ngài không né tránh, sẵn sàng chấp nhận chết trên thập giá để đem lại ơn cứu độ cho dân Ngài như Thánh Ý của Chúa Cha.

Thách đố thực sự của đời sống Kitô hữu là duy trì sự hiệp nhất hôn nhân mà Thiên Chúa mong muốn. Sức mạnh của gia đình tùy thuộc vào sự hiệp nhất này. Liều thuốc chữa lành “lòng chai dạ đá” là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa. Giống như những người thời Chúa Giêsu, ngày nay chúng ta cũng đang bị “thử thách” cách nào đó để can đảm sống Lời dạy của Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta thực sự mong đợi điều gì từ lời dạy của Chúa Giêsu? Chúng ta thích Ngài nói với chúng ta những gì chúng ta muốn nghe để chúng ta có thể sống theo sở thích riêng, theo lương tâm méo mó lệch hướng của chúng ta hay chúng ta muốn Ngài dẫn chúng ta tới một con đường, dù đòi hỏi rất nhiều cố gắng hy sinh, nhưng chắc chắn mang lại bình an nội tâm, trong sự kết hợp với Cha của Ngài? “Khi bước theo Chúa Kitô bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá mình , các đôi phối ngẫu có thể “hiểu được”  ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống với ý nghĩa đó nhờ sự trợ giúp của Chúa Kitô. Ân sủng này của hôn nhân Kitô giáo là hoa trái của Thập Giá Chúa Kitô, nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (GLHTCG, số 1615).

Ước gì mỗi người chúng ta, khi đọc đoạn Tin Mừng này, hiểu lời dạy này như một lời kêu gọi trung thành và tự hỏi mình những câu hỏi đúng đắn trước khi đưa ra những lựa chọn trung thành với nhau, cậy dựa vào lòng trung tín vững chắc muôn đời của Thiên Chúa .

  1. Đặt những câu hỏi đúng đắn

Một số bạn có thể đang tự đặt ra cho mình những câu hỏi về cam kết hôn nhân. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân sẽ giúp đặt ra những câu hỏi đúng đắn trước khi cam kết chung thủy và tránh việc sau này rơi vào tình huống ngoại tình mà Chúa Giêsu bác bỏ: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11-12). Việc chuẩn bị này được tất cả các giáo xứ tổ chức và hướng dẫn, cho phép mỗi người tham dự hiểu biết hơn về giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và cùng nhau học hỏi những cách giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong đời vợ chồng và gia đình sau này như: sự đồng thuận của vợ chồng trong công ăn việc làm, chi tiêu mua sắm hợp lý với quỹ tài chính của gia đình, giáo dục dạy dỗ con cái về tri thức, lối sống, các mối tương quan họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, đời sống đạo đức, tôn giáo và tâm linh…trước khi phải đương đầu với chúng trong đời thực. “Những người trẻ phải được giáo dục cách thích hợp và đúng lúc, tốt nhất là trong khung cảnh gia đình mình, về phẩm giá, nhiệm vụ và công việc của tình yêu phu phụ, để sau khi đã được dạy dỗ bảo toàn đức khiết tịnh, lúc đến tuổi thích hợp, họ có thể từ thời kỳ đính hôn trong trắng bước vào đời sống hôn nhân” (GLHTCG, số 1632).

Bạn không nên ngại đặt những câu hỏi nhiều khi khá khó khăn này; bằng cách học cách giải quyết chúng, bạn có thể biết được ý kiến ​​​​của vợ/chồng tương lai về vấn đề này. Cuộc sống chung đòi hỏi phải có điểm chung ngay từ đầu nếu chúng ta muốn chung thủy với nhau. Tránh những bất đồng, rạn nứt, tranh cãi tích tụ hàng ngày, có nguy cơ dẫn đến cảm xúc mệt mỏi, chán nản và những suy nghĩ đi tìm sự “thanh thản nhẹ nhõm” một mình ngoài gia đình.

  1. Hãy chung thủy

Tự bản chất của nó, tình yêu phu phụ đòi hỏi đôi phối ngẫu phải chung thủy một cách bất khả xâm phạm. Đây là hệ quả của việc chính đôi phối ngẫu đã tự hiến cho nhau. Tình yêu phải là vĩnh viễn; tình yêu không thể có tính chất “cho tới khi có một quyết định mới”. Sự nên một thân mật, nghĩa là việc hai người trao hiến cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi hỏi đôi phối ngẫu phải hoàn toàn chung thuỷ và đòi buộc nơi họ sự duy nhất bất khả phân ly” (GLHTCG, số 1646).

Tuy nhiên, ngay cả khi “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mc 10:7), chúng ta vẫn thấy rõ rằng thói quen, sự mệt mỏi, yếu đuối và thiếu hiểu biết bộc lộ ra trong mối quan hệ hôn nhân nhanh hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta nhận ra rằng rất thường khi những điều nhỏ nhặt tích lũy lâu ngày sẽ bộc phát gây ra hiểu lầm dẫn đến gia đình tan vỡ vì không còn đồng thuận về những điều bình thường tưởng như không quan trọng chút nào trong cuộc sống hàng ngày.

Chính thiện chí và ý ngay lành giúp tìm ra rất nhiều biện pháp khắc phục cho phép vợ chồng bắt đầu lại. Không ít cặp vợ chồng đã trải qua những cơn khủng hoảng lớn nhỏ… Trò chuyện thường xuyên, tâm sự với nhau, nhờ người khác giúp đỡ chỉ bảo, cùng nhau cầu nguyện. “cùng sống đức tin chung với nhau và cùng lãnh nhận bí tích Thánh Thể chung với nhau” (GLHTCG, số 1644). … là những cách để củng cồ sự chung thủy trong mối quan hệ của bạn và tránh bị cám dỗ đi tìm sự “đổi mới” nơi người khác, dẫn đến những tình huống phức tạp, dần dần trở nên nghiêm trọng hơn buộc phải chia tay. “Ràng buộc suốt đời mình với một người khác có thể được coi là rất khó, thậm chí là điều không thể thực hiện được. Do đó, điều hết sức quan trọng là phải loan báo Tin Mừng này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn và không rút lại, đôi phối ngẫu được dự phần vào tình yêu đó của Thiên Chúa, một tình yêu hương dẫn và nâng đỡ họ, và nhờ sự chung thủy với nhau, họ có thể là chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1648).

Theo gương Chúa Giêsu, bằng cách lắng nghe lời giảng dạy của Ngài, khẩn cầu Ngài trợ lực, người ta có thể nhận ra rằng sự chung thủy trong bí tích hôn nhân vẫn là điều có thể, ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng như vô cùng khó khăn về mặt con người. Khó nhưng không phải là không thể, nếu cậy dựa vào tình yêu Thiên Chúa. “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Ngài đã làm một việc thích đáng, là cho Chúa Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10-11).

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] [2] https://www.phunuonline.com.vn/ket-hon-nhanh-ly-hon-voi-do-dau-a1526002.html#:~:text

Chia sẻ Bài này:

Related posts