Chúa Nhật 27 Thường Niên B – St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16
Vào một buổi sáng, khi tôi đi tản bộ quanh công viên Devoe gần bên nhà thờ, tôi nhìn thấy một hình ảnh gia đình rất thân thương. Tôi dừng chân quan sát và ngắm nhìn gia đình người gốc Mễ Tây Cơ đang cùng nhau chơi bóng rổ. Gia đình vợ chồng này còn trẻ. Anh chị có 3 đứa con và đứa con gái lớn khoảng 10 tuổi. Hai bố mẹ và đứa con gái lớn chơi banh và 2 đứa con nhỏ chạy chơi chung quanh đó. Vào một lúc, gia đình đã dành thời giờ thư giãn cùng nhau. Ba người chơi banh, có khi vợ chồng giành banh để ném vào rổ và có khi nhường truyền banh cho nhau. Hình ảnh gia đình chơi bóng rổ thật đẹp. Tôi nghĩ có lẽ tâm hồn họ rất an lạc và thanh thản. Họ tranh banh, giành banh, ném banh, nhường banh, rồi cười nói cùng nhau với thái độ thật vui vẻ nhẹ nhàng. Trong giây phút hiện tại đó, gia đình họ đang sống trong hạnh phúc.
Vợ chồng truyền sinh sự sống. Không ai hiểu thấu được cội nguồn và mầu nhiệm của sự sống. Chính Thượng Đế làm chủ sự sống và thông ban sự sống cho mọi loài. Thiên Chúa tạo dựng mọi giống loại có cặp, có đôi. Riêng con người thì đặc biệt hơn: Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ: “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ” (Mc 10,6). Người nam, người nữ kết hợp với nhau để truyền sinh giống nòi theo kế hoạch và sự quan phòng của Đấng Sáng Tạo: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
Có nhiều triết thuyết và đạo giáo lý luận rằng mọi sự đều ngẫu nhiên mà có và không có một Đấng nào tác tạo. Họ phủ nhận quyền sáng tạo của Thượng Đế. Một số người muốn làm chủ đời mình, nên chối từ nguồn cội của sự sống. Người có trí tuệ và trí khôn ngoan không nên từ chối điều gì mà chưa tìm hiểu được tận căn gốc rễ. Người ta phủ nhận sự hiện diện của Thượng Đế vì họ không biết và có thể họ không muốn kiếm tìm. Họ nghĩ rằng cứ nói tự nhiên, thiên nhiên hay ngẫu nhiên là mọi sự có đó. Thực vậy, sự hiện hữu của mọi loài phải có gốc, có nguồn. Nhìn quả thì biết cây. Nhìn trật tự lạ lùng trong vũ trụ, chúng ta nhận ra có một Đấng Khôn Ngoan thượng trí vô cùng đã tác tạo mọi loài. Như cây có cội, suối có nguồn, muôn vật phải do Đấng Tạo Hoá an bài. Tự nhiên không thể ngẫu nhiên tác thành các giống nòi có cả trống lẫn mái. Chúng ta học biết rằng tất cả các loài có sự sống, từ thảo mộc, động vật tới loài người, bất cứ loài nào cũng có đực và cái hoặc nam và nữ. Đấng Tạo Hoá tách biệt loài nào theo giống đó để truyền sinh. Thế giới sự sống không thể có sự ngẫu nhiên mà thành.
Các loài động vật sinh sống và truyền giống theo bản năng đã được an bài. Mọi loài thích ứng môi trường tuỳ theo nhu cầu của cuộc sống để sinh tồn và bảo vệ giống nòi. Riêng con người, Thiên Chúa trao ban một sứ mệnh đặc biệt để cùng chia sẻ, đỡ nâng và cộng tác với nhau để được sinh tồn. Từ đầu hết, trong đời sống hôn nhân gia đình giữa nam và nữ: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Ý định của Thiên Chúa rất tốt lành nhưng loài người đã mắc phải nhiều lỗi lầm. Chúng ta không thể hiểu thấu huyền nhiệm của tình yêu trong sự liên kết hai người nam nữ này. Mỗi một bộ tộc, quốc gia và tôn giáo có những quy định khác nhau. Có những quốc gia, nền văn hoá và một vài tôn giáo chấp nhận luật đa thê. Hầu hết các pháp luật dân sự trên thế giới cho phép vợ chồng được ly dị và tái hôn.
Hôn nhân Công giáo dạy: Hôn nhân chỉ có một vợ, một chồng. Khi cặp hôn nhân nam nữ đã lãnh nhận Bí tích Hôn Phối hợp pháp và thành sự sẽ không được phép phân ly theo luật Chúa và luật Giáo Hội. Luật là để giúp con người sống trung tín, trọn tình trọn nghĩa, yêu thương nhau suốt đời, cùng xây dựng gia đình và sinh sản con cái sống trong hạnh phúc. Mục đích của hôn nhân rất tốt lành, thánh thiện và lý tưởng. Để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân, các cặp hôn nhân phải có thời gian tìm hiểu, sự đồng ý của cha mẹ qua các nghi thức xem mắt, dạm hỏi, đặt cơ trầu, lễ hỏi và lễ tân hôn hoặc thành hôn. Lẽ đạo cần có thời gian đủ để chuẩn bị, thường là 6 tháng để học hỏi giáo lý, điều tra hôn phối và rao báo công khai. Đôi tân hôn được chính thức cử hành hôn lễ trong thánh đường có sự hiện diện linh mục hoặc thầy Sáu đại diện Hội Thánh, hai người làm chứng, gia đình hai họ và cộng đoàn tín hữu. Các cặp hôn nhân được khuyến khích thi hành đầy đủ các sự chuẩn bị gần xa trong đời sống gia đình. Sự suy nghĩ chín chắn, chuẩn bị chu đáo và học hiểu đời sống chung sẽ giúp ích rất nhiều trong đời sống lứa đôi. Trong thực tế, có nhiều cặp hôn nhân đã sống trong đau khổ, ngục tù và đã ly thân rồi ly dị. Có rất nhiều nguyên nhân và ngoại cảnh can thiệp vào đời sống hôn nhân.
Con cái là hoa trái của tình yêu cha mẹ. Trong mọi gia đình bình thường, cha mẹ nào cũng thương yêu và quý mến con cái. Các trẻ sơ sinh nương nhờ tình cha nghĩa mẹ chăm sóc để được dưỡng nuôi và phát triển nên người. Tâm hồn các em trong trắng và đơn sơ. Chúa Giêsu mời gọi mọi người biết đón nhận Nước Chúa với tâm hồn trẻ thơ. Sống với các em như sống ở thiên đàng. Các em hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn. Tâm hồn các em đơn sơ, đói thì đòi ăn, khát thì đòi uống, đòi không được thì khóc, thấy gì đòi đó và không lọc lừa gian dối. Thánh Marcô ghi nhận lời Chúa: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Chúng ta hãy luôn nhớ rằng yêu thương và giáo dục con cái là ưu tiên số một trong đời sống gia đình.
Xin chia sẻ câu chuyện một gia đình trẻ gồm vợ chồng và 3 đứa con. Vợ chồng thật vất vả lo toan với công ăn việc làm hằng ngày. Điều tôi ngưỡng mộ là đời sống đạo, biết chăm nom và giáo dục con cái theo truyền thống tốt lành của đạo. Anh chị dành dụm tiền bạc để đầu tư cho các con học ở trường Công giáo. Nuôi dạy con trong đức tin và tham dự nền giáo dục căn bản của đạo từ khởi đầu trí khôn. Ngoài ra, gia đình anh chị còn đóng góp một phần rất lớn trong sinh hoạt của cộng đoàn tại địa phương. Anh chị và các con cái rất trung thành tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần. Sự hiện diện của gia đình anh chị là mẫu gương về sự gắn bó, hợp nhất, trung thành và xây dựng cộng đoàn Công giáo. Anh chị còn cống hiến khả năng âm nhạc để phục vụ cộng đoàn trong các giờ phụng vụ thánh lễ. Anh phụ trách Piano keyboard và chị là ca viên thường trực trong nhà thờ. Không những thế, anh chị còn tập hát cho ca đoàn trẻ nhỏ gồm các con cháu gần xa. Các em nhỏ được học và hát tiếng Việt rất chuẩn và tâm tình. Điều quan trọng, chính các em trẻ này được hun đúc đức tin, sự phục vụ và sống niềm tin của mình bên cha cạnh mẹ.
Tác giả của thư gửi tín hữu Dothái xác tín quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa trên mọi loài thụ tạo. Thiên Chúa điều khiển và hướng dẫn lịch sử con người về cùng đích là đạt tới vinh quang: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10). Chúa Giêsu Kitô là trưởng tử và là trung gian của tất cả vạn vật, qua Ngài, muôn vật được tạo thành và nhờ Ngài loài người lãnh nhận ơn cứu độ.
Lạy Chúa, Chúa sáng tạo muôn loài và Chúa muốn chia sẻ niềm vinh quang và nguồn hạnh phúc cho con người. Chúng con tin nhận Chúa là Chúa tể vũ trụ đã an bài mọi sự cách lạ lùng. Càng kiếm tìm nguồn cội, chúng con càng khám phá mầu nhiệm sáng tạo thật huyền diệu và cao siêu. Chúng con kính thờ, ngợi khen và cảm tạ danh Chúa đến muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng