“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta!”.
“Ở Nga, các Kitô hữu ‘chịu’ thử thách bằng ‘gian khổ’; ở Mỹ, bạn ‘được’ thử thách bằng ‘tự do’. Thử thách bằng tự do khó hơn nhiều! Không ai gây áp lực cho bạn về tôn giáo; bạn thoải mái và không quá tập trung vào Chúa Kitô, vào lời dạy của Ngài và cách sống Ngài muốn bạn sống. Dần dần, tôn giáo đích thực của bạn biến chất!” – Pavel Poloz.
Kính thưa Anh Chị em,
Không chỉ tự do có thể khiến ‘tôn giáo đích thực’ biến chất nhưng sự giả hình, sự cứng nhắc, cũng có thể làm tôn giáo biến chất. Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, với những người đạo đức giả, Chúa Giêsu cho biết, Isaia rất chí lý khi nói, “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta!”.
Sống theo lề luật, Israel được kỳ vọng sẽ sống tốt hơn những hàng xóm ‘ngoại đạo’ – bài đọc một. Đến thời Chúa Giêsu, lề luật trở nên cứng nhắc, không còn là kim chỉ nam giúp mọi người yêu thương và phục vụ Chúa. Giữ luật trở thành mục đích cho chính nó. Trọng tâm luật không còn là xây dựng mối tương quan với Chúa và đồng loại, mà là kiểm tra hành vi bên ngoài của mình. Lời thú tội của chúng ta đôi khi cũng vậy. Nhiều “tội” chúng ta xưng được diễn đạt như là những ‘thất bại cá nhân’ đang khi chúng ta rất ít đề cập đến cách ‘tôi đối xử’ với người khác hoặc ‘tôi gây thương tổn’ cho người khác.
Trong thời đại hôm nay, chúng ta có thể nói, “Ông ấy là người Công Giáo tốt; không bỏ lễ Chúa Nhật”. Không cần biết ông ấy làm gì, nghĩ gì, cảm thấy gì trong nhà thờ; hay ông ấy liên hệ với những người chung quanh thế nào trong Thánh Lễ và đặc biệt, sau Thánh Lễ. Điều quan trọng, cách nào đó – duy nhất quan trọng – là ông ấy có mặt ngày Chúa Nhật. Và quan niệm ‘tôn giáo đích thực’ của chúng ta chỉ ‘cao ngang tầm’ ấy!
Chúa Giêsu còn nói đến sự giả hình khi tiết lộ nguồn gốc của sự ô uế đích thực. Nó không phải là thức ăn đồ uống nào từ bên ngoài; ô uế thực sự nằm ở trong tim. Một người không trở nên ‘ô uế’ khi ăn thịt heo hay tiếp xúc với máu, càng không phải vì không rửa tay trước khi ăn. Nhưng tất cả xung đột này liên quan trực tiếp đến mối quan hệ yêu thương của chúng ta với Chúa, với tha nhân. Theo thánh Giacôbê, ‘tôn giáo đích thực’ thật cụ thể, đó là “Lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Chúa, là thăm viếng cô nhi lâm cảnh gian truân, và giữ mình khỏi mọi vết nhơ thế gian” – bài đọc hai.
Anh Chị em,
“Lòng chúng thì xa Ta!”. Theo Đức Phanxicô, “Không phải những thứ bên ngoài làm chúng ta nên thánh hoặc không thánh, mà là trái tim vốn thể hiện ý định, sự lựa chọn và ý chí làm mọi sự vì tình yêu Chúa. Hành vi là kết quả của những gì chúng ta quyết định trong tim, chứ không ngược lại. Thay đổi hành vi, nhưng không thay đổi trái tim, chúng ta không phải là Kitô hữu đích thực. Ranh giới giữa thiện và ác không nằm ngoài, nó nằm trong chúng ta!”. Tôn giáo không liên quan nhiều đến việc giữ luật. Nó liên quan nhiều đến việc được giải thoát khỏi những ảnh hưởng làm hư hỏng môi trường và nhạy cảm với nhu cầu của những kẻ yếu và thiệt thòi nhất. Đó mới là ‘tôn giáo đích thực!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để tôn giáo của con ‘biến chất’ khi con không tập trung vào Chúa, lời dạy của Ngài; và nhất là ‘cách sống’ Chúa muốn con sống!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)