TRÁNH NHƯNG KHÔNG TRỐN SỰ KHỔ ĐAU

Ông Gióp than thở: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?…Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7,1-3). Vấn nạn đau khổ là vấn nạn muôn thuở của kiếp người. Không riêng gì các trang của sách Gióp, kho tàng văn chương của nhân loại từ cổ chí kim vẫn đầy dẫy các hình thái khổ đau của con người được trình bày, mô tả và mạn bàn. Nói đến chuyện đau khổ, bàn đến chuyện đau khổ qua các trang sách, các thước phim hay dòng nhạc trử tình ai oán thì như rất dễ thu hút lòng người. Có nhiều nguyên cớ tuy nhiên cần chân nhận lý do chung này: người ta thấy có chút đồng cảm nào đó, vì chính họ cũng khổ đau. Đồng bệnh thì tương liên, chuyện đời là vậy.

Bài Tin Mừng Hội thánh cho trích đọc trong Chúa Nhật V TN B này tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu là chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật về tinh thần lẫn thể xác. Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì “chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Khó có thể chối cãi sự thật này đó là Chúa Giêsu tìm mọi cách xoa dịu khổ đau của con người. Thế nhưng tại sao khi người ta kéo nhau đến cùng Người thì Người lại đi nơi khác? Phải chăng Chúa Giêsu muốn “nhổ cỏ tận gốc”, tức là tìm cách diệt trừ căn nguyên của sự đau khổ?

Vì sao có đau khổ? Một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Anh em Phật tử thì chủ trương rằng đau khổ có căn nguyên nơi cái “dục” của con người. Vì ước muốn mà không được toại nguyện nên phải chịu đau khổ. Chính vì thế con đường thoát khỏi khổ đau được đề ra đó là “diệt dục”. Nếu nhìn cuộc đời con người với vòng đời “sinh – lão – bệnh – tử” là bể khổ thì làm sao giải thích được việc một người được sinh ra là khổ, cho dù “thoặt sinh ra thì đà khóc choé”? Người ta có thể muốn trẻ mãi không già, muốn mạnh khoẻ, không bệnh tật, muốn trường sinh bất tử, nhưng không một ai trên trần gian có thể tự mình “muốn” được hay không đựơc hoài thai trong dạ mẹ cũng như tự mình muốn được hay không được chào đời làm người.

Lão tử thì quan niệm đau khổ có ra là vì con người sống không hợp với Đạo, vói lẽ trời, với sự vận hành của giới tự nhiên. Khi con người không làm chủ ước vọng của mình, để cho tham muốn của mình đi thái quá cũng gây ra khổ đau. Chính vì thế để diệt khổ đau không gì hơn là tiết chế tham muốn của mình một cách nào đó theo kiểu cách của thi nhân Nguyễn Công Trứ:

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc.

Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.

Và sống thuận theo lẽ trời tự nhiên như Nguyễn Bỉnh Khiêm:

          Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.

          Xưân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Các triết gia, các nhà đạo đức học phân biệt đau đớn với đau khổ. Các loài vật vì không có lý trí và ý chí tự do nên chỉ có đau đớn mà không có đau khổ. Đau khổ là một phạm trù thuộc lý trí. Biết được chuyện chẳng may, chẳng lành mà không tránh được thì mới có khổ đau. Người ta thường dí dỏm rằng người điên không hề có khổ đau. Một giải thích ngắn gọn đó là vì họ không biết. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh…thì người ta đều chân nhận rằng chính tội lỗi con người là nguyên nhân lớn gây ra đau khổ cho đồng loại. Và Kitô giáo ủng hộ lập trường này, mặc dù vẫn quan niệm đau khổ là một huyền nhiệm.

Để có cái nhìn tương đối khách quan về đau khổ, thiết tưởng chúng ta cần xem xét bản chất đau khổ là gì? Đau khổ là tâm trạng khó chịu khi gặp phải sự dữ hay khi thiếu một điều thiện hảo nào đó. Rất khó và dường như không thể xem xét đau khổ như là hiện tượng độc lập, tự thân nó. Đã nói đến đau khổ là nói đến một ai đó đau khổ. Như thế sự đau khổ luôn gắn liền với nhận thức và ước muốn của con người. Con người cảm thấy đau khổ khi các hiện tượng khách quan lẫn chủ quan như cưỡng lại ý muốn của mình.

Đến thế gian, Chúa Kitô không giải thích cặn kẻ về khổ đau cũng như các nguyên nhân của nó. Tuy nhiên qua các hành vi, lời nói và chính cuộc sống của Người, Người dẫn chúng ta đi trên con đường kinh qua đau khổ để sống yêu thương. Dù rằng vẫn cố gắng đến quên ăn, quên ngủ để làm dịu cơn khổ đau của nhân loại, nhưng Người đã biết rõ cuộc đời con người khó có thể thoát được mọi nổi khổ đau, cả về thể lý lẫn tinh thần. Người đã tự nguyện chọn con đường đối diện với với đau khổ bằng một tình yêu vị tha bao la. Không phải diệt dục là hết khổ đau, vì chính hành vi diệt dục cũng là một cách muốn, cho dù các bậc minh triết trong Phật giáo diệt dục bằng sự “tri kiến”. Không phải cứ thuận theo lẽ tự nhiên là khổ đau biến mất vì sự vận hành của giới tự nhiên lắm khi quá nghiệt ngã. Biết dừng cái ham muốn của mình trong sự trung dung, vừa đủ thì hết khổ chăng? Cũng thật cam go vì biết thế nào là đủ, là vừa.

Trong niềm tin, với lời mạc khải, đặc biệt là qua con đường Chúa Kitô đã đi, chúng ta có thể quả quyết rằng chính khi hướng cái dục là lòng muốn đến tha nhân với các mục tiêu tốt đẹp kiểu “hãy thực hiện cho tha nhân những gì ta muốn tha nhân làm cho mình” thì sẽ có cơ may vượt qua đau khổ (x.Lc 6,31). Thánh Âugustinô đã từng chỉ dạy: Hãy yêu đi thì bạn sẽ vơi hết khổ đau. Nếu có đau khổ thì cái đau khổ ấy cũng đã được yêu rồi”.

Cần phải diệt trừ tội lỗi là một nguyên nhân lớn gây ra đau khổ, đồng thời cần phải tránh các khổ đau cho bản thân cũng như cho tha nhân và tích cực xoa dịu khổ đau cho đồng loại hết khả năng có thể, vì đó là điều chính đáng và phải đạo. Tuy nhiên, nếu gặp phải sự đau khổ không như ý hay chẳng đặng đừng thì hãy can đảm đón nhận nó để sống yêu thương. Tình yêu vị tha mà kinh qua đau khổ là tình yêu thật đáng giá và đượm đầy tính vô cầu. Như thế không phải là tìm cách diệt dục hay hạn chế sự dục mà là hướng cái dục của chúng ta theo thánh ý Cha trên trời, Đấng tốt lành và nhân hậu. Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó (Mt 6,34). Là Kitô hữu, chúng ta tránh, nhưng không trốn sự đau khổ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:

Related posts