Suy niệm Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ nơi hoang địa. Một trong những chước cám dỗ thu hút con người nhất, có lẽ là cám dỗ về sự giàu sang, quyền lực, và được nổi tiếng. Chúa đã đối diện với những cám dỗ ấy. Nhưng Người đã chối từ tất cả. Chúa chiến thắng cám dỗ. Chúa ý thức rằng, sứ mệnh thiên sai của Người là mang ơn cứu độ cho thế giới chứ không phải để hưởng vinh hoa, sự hào nhoáng của thế giới.
Cả ba lần cám dỗ đều thất bại. Tên cám dỗ buộc phải rút lui trước sức kháng cự quyết liệt của Chúa Giêsu. Cũng từ đó, bài học của sự chiến thắng cám dỗ của Chúa Giêsu được nêu cao cho mỗi người chúng ta. Hơn ai hết, bước theo Chúa, người tín hữu hãy tỉnh táo trước những ma lực của vật chất, của vinh hoa trần thế.
Chúa Giêsu là thế, luôn luôn lắng nghe và tuân ý Thiên Chúa, luôn ham thích lối sống nghèo hèn, luôn đề cao các giá trị siêu nhiên, các giá trị thuộc về đời sống tinh thần, làm thăng hoa cuộc sống con người.
Còn phía bên kia, thái độ của các tông đồ, những người cận kề bên Chúa, thì khác. Những ngày tháng mà các tông đồ bước theo Chúa, dù chưa nhiều, nhưng cũng không phải quá ít. Bởi các tông đồ cũng đã được sống bên cạnh Chúa, sống với Chúa, nhận sự giáo huấn từ nơi Chúa…, vậy mà các ngài đã không thể làm được điều mà Chúa đã làm, càng không thể nhận ra ý muốn của Chúa. Các ngài vẫn là những người mù trước sự mong đợi của Thầy mình. Lòng các tông đồ vẫn đầy tham vọng, vẫn đầy u mê, hoàn toàn đi ngược đường lối của Thầy.
Nếu đọc bài Tin Mừng hôm nay, nếu khó tính một chút, người ta dễ buông nặng lời với các môn đệ của Chúa Giêsu: “cá mè một lứa”. Vì nếu hai người con của ông Giêbêđê: Giacôbê và Gioan, muốn đồng trị với Thầy, muốn làm bá chủ thiên hạ, muốn rằng Thầy ở bậc trên, thì ở bậc dưới chỉ là hai anh em chứ không phải bất cứ ai khác: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”, thì các tông đồ khác cũng không vừa.
Các tông đồ khác đâu chịu ngồi im lặng trước đề nghị của Giacôbê và Gioan, nhưng đã tỏ rất rõ thái độ của mình, đó là sự bất bình: “Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan”.
Chắc chắn thái độ bất bình của mười tông đồ còn lại không phải vì hai anh em Giacôbê và Gioan xin những điều không hợp lý. Các ngài cũng không bất bình vì mình hiểu Chúa nhiều và giận hay ngạc nhiên về sự chậm hiểu của hai anh em… Nhưng tất cả các ngài cũng cùng một thái độ duy nhất: ham hố và tham vọng. Nỗi bất bình ấy có khi còn đáng tội hơn hai tông đồ kia. Vì ngấm ngầm bên trong tâm hồn mình, mức độ của tham vọng nơi mười môn đệ, không ai có thể biết để mà đo lường: lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, 10% hay lên đến cả 100%?
Từ trang Tin Mừng, đi từ thái độ của Chúa Giêsu đến thái độ của các tông đồ, chúng ta rút ra được bài học nào? Chắc chắn là bài học của sự khiêm nhường và phục vụ.
Nếu không có đức khiêm nhường, dẫu hình thức bên ngoài, trước mắt mọi người, là những việc đạo đức nhất, tốt lành nhất, người ta vẫn có thể có những suy nghĩ, nặng hơn, những tính toán, vụ lợi cho bản thân mình.
Ngay trong công việc mà người ta mặc cho nó lớp áo của tình yêu, của phục vụ, vẫn có thể là một lối che dấu sự đề cao bản thân, che dấu một thái độ chòi đạp anh chị em để dành lấy quyền hành nào đó.
Càng đáng trách hơn, vì có ai biết được, bao nhiêu người lấy danh nghĩa làm việc của Thiên Chúa, của Hội Thánh; làm việc để tôn vinh Chúa và vinh danh Hội Thánh, thì ngay trong việc xem ra rất đạo đức, rất thánh thiện ấy, lại hàm chứa một mưu toan nào đó, như ăn cắp của chung làm của riêng, tìm bỗng lộc, tìm hư danh, tìm sự ca ngợi của người đời…
Làm việc của Thiên Chúa của Hội Thánh, nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Hội Thánh, nhưng trong lòng hoàn toàn không thuộc về Chúa như thế, chẳng những là một việc rất xấu, rất tệ, lương tâm chẳng bình an, đương sự còn phải chịu trách nhiệm về những gì chính mình tự chuốc lấy.
Bạn ạ, để có thể đến trước mặt Chúa bằng một sự giàu có về nhân đức về công nghiệp, về sự bình an của tâm hồn, có ba điều ta phải thực hiện:
1. Học lấy gương của Chúa Giêsu, Đấng đã lướt thắng cám dỗ, không phải một nhưng là nhiều lần. Học lấy gương của Chúa, để cùng với Chúa, ta biết phụng thờ Thiên Chúa trong một tình yêu chân thật, một tình yêu mà nhờ đó ta dám sống, dám chết, dám từ bỏ tất cả để được một mình Chúa. Học lấy gương Chúa Kitô, ta biết tập sống lối sống thanh bần, không ham hố quyền lực, ham hố danh vọng.
2. Lắng nghe lời của Chúa Giêsu, và hãy để cho lời ấy thấm đẫm vào trong cuộc đời riêng mình. Hãy ghi khắc những lời dạy của Chúa: “Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em”, vì Chính Chúa đã không “đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Nhờ đó, ta luôn được đánh thức tâm hồn, để không lặp lại chính thái độ cầu cao, vụ lợi của các tông đồ xưa, trong khi bước theo Chúa Giêsu.
3. Ý thức chính mình, để luôn luôn cảnh giác với những cám dỗ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ý thức chính mình như thế, để từng ngày sống của mình, bạn sẽ càng hiểu hơn rằng, ta làm được gì, có được gì, thì cũng chỉ bởi ơn Chúa mà thôi. Có một ý thức thường xuyên như thế, ta sẽ không tự tưởng tượng mình là trên, là nhất mà quên hết anh chị đồng loại. Đối với người bình thường ý thức đã vậy, nhưng nếu trên thực tế, ta đang giữ vai trò nào đó, như người thuộc hàng lãnh đạo, nhất là các mục tử, niềm ý thức ấy càng đòi hỏi lớn hơn.
Học lấy gương của Chúa Giêsu, lắng nghe lời của Chúa Giêsu, và ý thức chính mình là những việc cần làm ngay trong đời sống mỗi Kitô hữu hôm nay, để bạn và tôi luôn luôn phụng sự Chúa, phục vụ và yêu thương con người, không phải vì quyền cao chức trọng, không vì lợi lộc vật chất cho riêng bản thân, nhưng chỉ nhằm một mục đích duy nhất: mưu cầu ơn cứu độ cho bản thân và anh chị em quanh mình.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG