Khi những hạt thóc giống được gieo xuống ruộng đồng, hạt nào bị chôn vùi trong bùn đất, bị phân huỷ đi, thì vài hôm sau sẽ nảy mầm, sẽ mọc thành cây, sẽ triển nở sum suê và đơm bông kết hạt dồi dào. Trong khi đó, những hạt rơi trên bờ ruộng, rơi trên đất cứng, vì không chịu phân huỷ như những hạt lúa dưới bùn, nên chúng không thể mọc thành cây, không thể nảy chồi đâm nhánh, không thể đơm bông kết hạt… và rốt cuộc chỉ trở thành lương thực cho chim, cho kiến…
Tiến trình sinh trưởng này được Chúa Giê-su sử dụng để dạy chúng ta bài học quý báu sau đây.
Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Tiếp đó, Chúa Giê-su kêu mời mọi người chấp nhận hy sinh, chấp nhận hao mòn như hạt lúa gieo vào bùn đất để thu lợi gấp trăm. Ngài nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 24-25).
Lời dạy này của Chúa Giê-su có 2 ý chính:
-“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất”
Đây là trường hợp những người chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, mà không quan tâm phục vụ người khác. Họ như hạt lúa nằm trơ trọi trên bờ ruộng, chứ không chịu phân hủy trong bùn đất, rốt cục chỉ làm mồi cho chim, cho kiến… Và cũng như hạt lúa trơ trọi trên bờ không thể sinh hoa kết hạt được, cuộc đời họ rất cằn cỗi; Họ chẳng nhận được phúc lành của Thiên Chúa.
-“Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”
Đây là trường hợp những người chấp nhận hy sinh, quên mình, chịu hao mòn sức khỏe, tốn công tốn sức… để phục vụ Thiên Chúa và con người; những người này giống như những hạt lúa chấp nhận được gieo vào bùn đất, tuy có bị hao mòn, mất mát… nhưng sẽ nhận được nhiều thành quả tốt đẹp, được Thiên Chúa rộng ban muôn phúc lành.
Minh hoạ sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn bài học của Chúa Giê-su.
Tôi có hai cánh tay cùng thuộc về thân mình tôi nhưng mỗi cánh tay lại có một nếp sống khác, một chủ trương khác. Cánh tay trái của tôi theo chủ nghĩa vị kỷ, còn cánh tay phải theo chủ nghĩa vị tha.
Vì theo chủ nghĩa vị kỷ, luôn luôn quy về mình, nên tay trái của tôi rất ít tham gia vào công việc chung mà cứ để cho tay phải đảm đương mọi việc. Khi ăn cơm, tay trái dành cho tay phải cầm đũa. Khi viết bài, tay trái dành cho tay phải cầm bút. Khi phải quét nhà hay cầm búa đóng đinh… nó chẳng chịu tham gia mà nhường cho tay phải làm hết.
Thế là, tuy cả hai tay phải và trái đều thuộc về thân mình tôi, cùng được chăm sóc, nuôi dưỡng như nhau, nhưng vì tay trái theo thói ích kỷ, chẳng bao giờ muốn hy sinh phục vụ toàn thân, chẳng dấn thân chăm lo cho người khác, nên nó trở nên yếu đuối và thua kém trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, vì tay phải theo chủ nghĩa vị tha, luôn chấp nhận đảm đương mọi công việc nặng nề khó nhọc, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh phục vụ toàn thân và phục vụ nhiều người … nên nó mạnh mẽ hơn, khéo léo hơn, tài giỏi hơn, vượt xa tay trái về mọi mặt.
Hạt lúa Giê-su tự huỷ mình và được tôn vinh
Chúa Giê-su như một “Hạt Lúa” chấp nhận tự huỷ đi. Dù Ngài là Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha nhưng Ngài đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa Cha, trái lại Ngài đã hủy mình ra không, mang lấy thân phận giòn mỏng của kiếp người, chấp nhận chết ô nhục trên thập giá, chịu mai táng trong lòng đất… để phục vụ và cứu rỗi muôn dân. Nhờ đó, “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ … tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Phi-líp-phê 2, 9-11).
Lạy Chúa Giê-su,
Một ngọn nến phải chấp nhận tiêu hao thì mới có thể toả sáng. Một hoả tiển phải tiêu hao nhiều năng lượng mới có thể được phóng lên không gian…
Xin giúp chúng con biết khôn ngoan chấp nhận hy sinh mỗi ngày, sẵn sàng tiêu hao thời giờ, sức khoẻ, trí tuệ, nghị lực… để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, nhờ đó cuộc đời chúng con sẽ phát triển vạn lần tươi đẹp và được vươn đến gần Chúa hơn.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà