A. DẪN NHẬP.
Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng bất cứ cách nào Ngài muốn , theo sự khôn ngoan thượng trí của Ngài. Nhưng trong công cuộc cứu độ này Ngài không muốn hành động một mình mà muốn có sự cộng tác của con người. Chính vì vậy mà Ngài đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Đức Maria trong việc làm Mẹ Đấng Cứu thế. Ngài tôn trọng tự do của con người. Ngài không áp đặt mà chỉ đề nghị. Ngài muốn sự đáp trả sáng suốt và tự nguyện của con người. Sau khi Đức Maria đã thưa Xin Vâng, Ngôi Hai Thiên Chúa lập tức đầu thai trong lòng Trinh nữ Maria và Maria đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa.
Chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria để trở nên dụng cụ cho Thiên Chúa. Ngày xưa Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, ngày nay Chúa vẫn còn muốn nhập thể nơi chúng ta, vì vậy chúng ta phải trở nên dụng cụ ngoan ngoãn để Chúa nhập thể nơi ta, để ban ân sủng cho ta và ta sẽ đem ban phát cho nhiều người khác.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : 2 Sm 7,1.8b-11-16.
Sau khi chiến thắng được mọi quân thù, chiếm lĩnh được thành Giêrusalem, yên vị trong hoàng cung rồi, vua Đavít nhờ tiên tri Nathan thỉnh ý Chúa về việc xây cho Chúa một ngôi nhà để làm nơi cho Khám Giao ước trú ngụ.
Thiên Chúa đã nhờ Nathan thông báo cho Đavít biết là Ngài không cần ở trong những ngôi nhà vật chất cho dù sang trọng và vững chắc bao nhiêu đi nữa. Đáp lại tấm lòng thơm thảo của vua, Thiên Chúa muốn xây cho ông một ngôi nhà nghĩa là sẽ làm cho triều đại ông bền vững và vinh quang muôn đời.
+ Bài đọc 2 : Rm 16,25-27.
Đây là đoạn thư cuối cùng gửi cho tín hữu Roma, trong đó thánh Phaolô dâng lời ca tụng Thiên Chúa về ơn cứu độ và nhất là đã mạc khải mầu nhiệm này, đã được giấu kín từ đời đời mà nay đã nhờ Đức Giêsu mà tỏ bầy cho muôn dân.
Thánh Phaolô còn ca tụng Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí đã sắp đặt để muôn dân được hưởng ơn cứu độ :”Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Kitô”.
+ Bài Tin mừng : Lc 1,26-38.
Thiên Chúa có thể hành động bằng mọi cách để đạt tới mục đích. Trong việc Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã muốn cho con người cộng tác : Ngài đã chọn Đức Maria để đầu thai Con Một Thiên Chúa. Tuy Thiên Chúa là Đấng vô cùng thượng trí, có thể làm mọi sự theo ý của mình, nhưng thay vì đặt Đức Maria trước một quyết định độc đoán, Chúa đã gợi cho Mẹ biết trước điều Ngài đang chờ đợi nơi Mẹ.
Qua cuộc đối thoại diễn ra giữa Đức Maria và sứ thần thiên quốc, chúng ta được biết Đức Maria đã hoàn toàn hiến thân để thi hành thánh ý Chúa. Mặc dù đã trông thấy trước những khó khăn trong việc thực hiện này, nhưng Đức Maria đã dấn thân và tự nguyện chấp nhận đề nghị này trong tiếng “Xin Vâng”. Qua tiếng Xin Vâng này, Ngôi thai đã nhập thể trong lòng Đức Maria và chờ ngày giáng sinh.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Xin vâng theo thánh ý Chúa.
I. ĐỨC MARIA ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHỌN.
1. Con người Đức Maria.
Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và vĩ đại, nhiều khi đã dùng những phương tiện nhỏ bé, yếu đuối, hèn mọn mà làm những việc vĩ đại. Công cuộc cứu chuộc loài người là một công cuộc hết sức lớn lao mà Thiên Chúa đã dùng một phương tiện nhỏ bé thấp hèn để thực hiện, đó là Trinh Nữ Maria.
Đây là một Trinh nữ khiêm tốn, bình dân, sống trong một làng nghèo nàn xứ Gallilêa gọi là Nazareth với khoảng 20 nóc nhà và 150 nhân danh. Xét theo tiêu chuẩn thông thường của người đời, nghĩa là xét theo tài năng, thông minh, học vấn, sắc đẹp, địa vị xã hội… chắc hẳn Maria không có gì đặc biệt hơn những thiếu nữ khác cùng trang lứa với mình. Trên đời chắc còn những thiếu nữ đặc biệt hơn Maria nhiều. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, Maria là người “đầy ơn phúc”, được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế để cộng tác với Ngài trong công cuộc lớn lao vô tiền khoáng hậu này.
Thiên Chúa chọn Maria không vì lý do nào khác ngoài ý muốn riêng và theo sự tự do của Ngài (x.Rm 9,12) và cũng “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Và Ngài đã thành công trong việc chọn Maria, trong khi có những người khác được Ngài chọn đã làm “hỏng việc” của Ngài, hay đã làm Ngài không hài lòng, chẳng hạn trường hợp vua Saul (x. 1Sm 9,17 ; 13, 13,40), hay tông đồ Giuđa (Mt 26,47-50)
2. Đức Maria được hỏi ý kiến.
Thánh Augustinô viết :”Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần ta. Nhưng khi cứu độ ta, Ngài không thể thiếu ta”. Thiên Chúa chủ động về phía Ngài, nhưng khi cứu độ, Ngài cần đến sự cộng tác của ta. Trong công cuộc cứu độ này, Thiên Chúa muốn Maria cộng tác. Đó là lời mời gọi mà sứ thần đã trao gửi nơi Maria theo chương trình của Thiên Chúa, Mẹ phải tạo điều kiện cho Ngài làm người trong thân phận của Con Ngài.
Ngài không áp đặt điều gì : Ngài chỉ đề nghị. Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Maria về việc làm Mẹ Chúa Cứu thế mà vẫn còn đồng trinh : “Maria sẽ thụ thai một con trai và đặt tên là Giêsu”. Đứa con đó “sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu vua Đavít, tôi tớ Người. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. Maria thấy mình tầm thường mà được Thiên Chúa ban cho vinh dự ấy, làm Mẹ Con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh. Làm Mẹ mà vẫn còn đồng trinh ! Điều ấy làm cho Maria thắc mắc. Nhưng sứ thần đã trấn an Maria :”Không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được”. Tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, Maria đã khiêm tốn thưa với sứ thần :”Này tôi là tôi tá Chúa, xin vâng như lời thiên thần truyền”. Maria đã đáp trả bằng lời mời gọi của Thiên Chúa một cách quyết đáp và khiêm tốn. Sau tiếng “Xin Vâng” này, Maria đã trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.
II. TIẾNG XIN VÂNG CỦA CHÚNG TA.
1. Xin Vâng nơi Mẹ và nơi ta.
Từ khi thưa “Xin Vâng” Đức Maria đã hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Nơi Đức Maria cũng như nơi chúng ta, một trong những yếu tố quan trọng nhất để Thiên Chúa có thể thành công nơi ta, đó là biết xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ ý riêng mình trước thánh ý Chúa, xóa bỏ dự định hay kế hoạch của mình trước dự định hay kế hoạch của Thiên Chúa. Đó chính là tinh thần tự hủy mà Đức Giêsu là gương mẫu hoàn hảo nhất, và kế đó là Đức Maria.
Theo gương Đức Maria, khi được Thiên Chúa chọn, ta hãy toàn tâm toàn ý cho việc của Ngài. Nếu Thiên Chúa chọn ta là để ta thực hiện công việc của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo thánh ý Ngài chứ không phải ý ta. Nên nếu ta được chọn, ta hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài mà trong đó ta chỉ là công cụ của Ngài dùng mà thôi. Công cụ thì không hiện hữu cho mình mà cho công việc hay ý muốn của người xử dụng. Công cụ tốt là công cụ hoàn toàn làm đúng ý người xử dụng. Vậy, ta hãy toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của Ngài, đừng nghĩ gì đến công việc hay mục đích của ta. Nếu công việc hay mục đích của Ngài thành tựu thì công việc hay mục đích của ta cũng sẽ tự động thành tựu tốt đẹp, có khi gấp trăm lần ta tự lo cho công việc hay mục đích của mình.
Người được chọn thường gặp nhiều thử thách, đau khổ. Đó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai Ngài đặc biệt yêu thương và tuyển chọn để tinh luyện người ấy xứng đáng với ơn gọi. Hãy coi những thử thách mà Đức Giêsu và Đức Maria – là những người được Thiên Chúa đặc biệt ưu đãi – phải chịu trong cuộc đời các Ngài thì rõ.
Đây là kế hoạch của Ngài dành cho những người được Ngài chọn :”Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi ; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính ; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang”(Rm 8,30).. Cách thức “làm cho nên công chính “ của Ngài chính là thử thách, cho trải qua đau khổ :
”Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn”(Dt 2,10) ,
“Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ”(1Tm 3,10) ,
“Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội”(1Pr 1,7).
Bù lại, vinh quang của những người được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn cũng rất lớn lao :”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta”(Rm 8,18).
2. Chúa mời gọi ta cộng tác với Ngài.
Thiên Chúa không chỉ thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài nơi chúng ta và cho chúng ta, màø còn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài, tham gia vào việc thực hiện kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài, nơi chúng ta và nơi những người có liên hệ với chúng ta nữa. Đó chính là niềm vinh hạnh và cũng là trách nhiệm nặng nề nơi chúng ta. Vậy mỗi lần chúng ta làm bất cứ việc gì đó để kế hoạch yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn và cuộc sống của mình là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Cũng thế, mỗi lần chúng ta làm một việc gì đó giúp người khác hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa hoặc giúp người khác yêu thương phục vụ tha nhân là chúng ta cộng tác với Ngài trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài. Công việc ấy thật bề bộn và cấp bách ; vì một đàng chung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa đón nhận Tin Mừng, chưa đón nhận bí tích Thánh tẩy ; đàng khác, nơi những người đã biết và đón nhận Chúa cũng còn rất nhiều người chưa hiểu biết cho sâu sắc, chưa biết sống gắn bó mật thiết với Chúa. Đó là cánh đồng truyền giáo mênh mông đang chờ đợi chúng ta.
Ngày nay Chúa vẫn còn muốn đầu thai trong lòng Đức Maria và chúng ta. Dĩ nhiên Ngài không còn đầu thai nữa như xưa ở trong lòng trinh nữ Maria, nhưng Ngài vẫn còn muốn đầu thai cách mầu nhiệm trong bí tích bàn thờ này, để được đầu thai trong tâm hồn chúng ta qua việc rước lễ, để đầu thai nữa trong nếp sống hằng ngày của chúng ta, hầu ai thấy đời sống tốt đẹp của chúng ta, cũng nhận ra vinh quang của Chúa mà ca tụng Ngài. Mầu nhiệm đầu thai qua Bí tích Thánh Thể đã làm cho chúng ta trở nên cao qúi trong việc cộng tác với Ngài.
Nhưng còn một cách nữa Chúa vẫn dùng để đầu thai nơi ta giữa thời buổi này, chính là Lời Chúa khi đến với ta trong sức mạnh của Thánh Thần. Lời Chúa mà ta nghe và đọc trong Thánh kinh có thể trổ sinh trong lòng ta một cuộc sống mới, thánh thiện và tốt đẹp, Ta sẽ trở thành con cái Chúa một cách trung thực hơn và dần dần dòng dõi những người con Chúa trở thành một thực tại có thể cảm nghiệm được. Ngay đến những biến cố xẩy ra hằng ngày cũng có thể mang theo nhiều ân sủng, khiến ai đón nhận như thánh ý Chúa, sẽ làm cho nước Ngài được lan rộng ; và như vậy, Thiên Chúa lại nhập thể ở giữa chúng ta.
3. Hãy trở nên dụng cụ của Chúa.
Khi nói đến dụng cụ là nói đến một đồ vật để con người xử dụng theo ý mình. Dụng cụ chỉ biết phục tùng theo ý muốn người xử dụng. Không bao giờ dụng cụ có thể nói với người xử dụng tại sao lại dùng vào việc nọ việc kia, mà chỉ biết hoàn toàn vâng theo người xử dụng, có khi người xử dụng phế thải cả dụng cụ , thì chính dụng cụ ấy cũng không có quyền phản đối.
Chúng ta là dụng cụ của Chúa, một thứ dụng cụ bất toàn hoặc vô dụng, cũng như người đầy tớ nghèo hèn (x. Lc 17,7-10) không thể tự mình làm được việc gì như Chúa phán :”Sine me nihil potestis facere”, nhưng sẽ trở nên hữu dụng dưới bàn tay khôn khéo của Chúa.
Chúng ta cũng có thể tìm được hình ảnh này ngay trong văn chương bình dân của nước ta, trong ca dao tục ngữ, một hình ảnh rất quen thuộc đối với người dân quê :
Ai làm cho cải tôi ngồng,
Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê.
Chồng chê thì mặc chồng chê,
Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ.
(Ca dao)
Ở miền quê, ai mà không biết ăn dưa cải chua ? Đây là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người bình dân, một món ăn hợp với khẩu vị, nhất là khi ăn với thịt mỡ. Món dưa cải chua ngon là phải có màu vàng, dòn và thơm. Nhưng một khi dưa bị “khú” thì không ăn được nữa. Dưa khú có màu đen xám, không chua và nhạt , đôi khi có hương vị ung ủng. Người ta không ăn dưa khú, chỉ còn cách bỏ đi. Tuy thế, người dân quê lại biết biến “dưa khú” đó thành một món ăn khác, ăn vào vẫn ngon miệng, đó là nấu với cá trê. Vì thế, người ta mới mách bảo kinh nghiệm cho người khác trong việc nấu ăn :”dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ”.
Chúng ta hãy trở nên dụng cụ ngoan ngoãn của Chúa để lúc nào cũng chỉ biết “Xin Vâng”. Theo gương Mẹ Maria, trước khi nói lời Xin Vâng, Mẹ đã trải qua một hành trình đức tin. Xin Vâng không có nghĩa là thấy rõ con đường trước mặt mà Chúa muốn mình đi. Xin Vâng là mềm mại, buông mình cho Thiên Chúa dẫn đi, yên tâm không phải mình làm chủ tương lai, nhưng vì tương lai của mình nằm trong tay Chúa. Xin Vâng không phải vì mọi sự đều sáng sủa và trơn tru, nhưng Xin Vâng ngay giữa đêm tối gập ghềnh, là chấp nhận để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Truyện : thánh Gioan Vianney.
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Linh mục. Ngày kia, thừa lệnh Giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học, đã đến khảo sát Vianney, tội nghiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn :
– Vianney, anh dốt như lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì ?
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời :
– Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng có một cái hàm của một con lừa, để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được gì sao ?
(Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, tr 42)
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Ngài. Ngài chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta , Ngài quyền năng đến độ có thể biến đổi những con người hèn mọn thành những bậc siêu phàm. Điều quan trọng là chính sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Ngài. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Ngài, ngay cả bằng với sự dốt nát, ngu dại của mình.
Ngày xưa Thiên Chúa đã nhập thể nơi cung lòng Trinh nữ Maria, ngày nay Thiên Chúa vẫn còn muốn nhập thể nơi chúng ta, hãy trở nên dụng cụ ngoan ngoãn cho Chúa nhập thể. Ngài dùng Lời Thánh kinh và Bánh Thánh Thể để đi vào trong tâm hồn ta, biến ta nên con người sống như Chúa : và như vậy, Ngài đang muốn nhập thể để tiếp nối cuộc đời của Ngài ở nơi ta. Ngài dùng mọi biến cố xẩy đến hằng ngày, kêu gọi ta đón nhận như thánh ý Ngài gửi đến, để ta hợp tác thi hành trong tinh thần xã hội Kitô giáo, hầu ơn Ngài có thể tràn lan trong thế gian, khiến Chúa ở trong mọi sự và mầu nhiệm nhập thể được kiện toàn.
Điều cần hơn hết là chúng ta phải tin vững vàng rằng : Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Ngài muốn sống giữa trần gian. Ngài kêu gọi ta nhìn vào cuộc sống và muốn nhập thế với Ngài. Ta hãy sẵn sàng đem tinh thần Phúc âm vào thế giới để đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Lạy Chúa, này con đây, với tất cả những yếu hèn, khiếm khuyết của con, nhưng con tin rằng trong bàn tay nhào nặn của Chúa, tất cả đều có giá trị. Xin cho con luôn biết cởi mở đón nhận ơn Chúa, và phó thác cho chương trình của Chúa, như Mẹ Maria đã thưa lời “Xin Vâng”, đáp trả lại tình yêu của Chúa và phó thác hoàn toàn cho chương trình của Ngài. Amen.