Chỉ còn một tuần nữa là đến Tuần Thánh. Vì thế, lời Chúa hôm nay hướng chúng ta dần dần tới cái chết đau thương và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Cụ thể, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh : hạt lúa gieo xuống đất để ám chỉ về cái chết của Ngài. Nhưng hạt lúa gieo xuống đất để làm gì và cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa thế nào ?
Một hạt lúa gieo xuống đất là nó chấp nhận chết đi để mưu ích cho con người, nghĩa là nó trở thành một cây lúa xanh tươi, để rồi sau này sẽ nhân thừa lên và sinh ra trăm ngàn ức triệu hạt lúa khác, một cách vô định hay bất tận. Cho nên, Chúa Giêsu không nói ngoa khi tuyên bố : “Nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Như vậy, nếu không chấp nhận chết đi, thì hạt lúa sẽ chấm dứt sức sống một cách ích kỷ nơi chính mình. Trái lại, nếu nó chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ giữ được sự sống ấy bằng cách chuyển sự sống nó sang cây lúa và sang các bông hạt sau này, nghĩa là sự sống từ bỏ kia sẽ không mất đi nhưng sẽ tồn tại mãi mãi.
Chúa Giêsu là một hạt lúa đầu tiên như thế. Ngài đã làm chết đi nơi mình những gì “là Chúa” và “của Chúa” để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đích thực. Ngài đã từ bỏ mọi cách thức ưu đãi, giàu sang, danh vọng và quyền uy để chọn một cuộc sống tầm thường, âm thầm, đạm bạc suốt ba mươi năm trời, không ai để ý tới, không có một ưu đãi nào dành cho con nhà giàu, nhà sang. Rồi khi hoạt động công khai, Ngài cũng chọn một đời hoạt động bấp bênh. Ngài đi theo con đường của một người không có thế lực, không có bất cứ phương tiện nào sẵn sàng. Ngài vào đời với hai bàn tay trắng, không một lời giới thiệu, gửi gắm của người có uy quyền. Và suốt ba năm, Ngài đã trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của một người tay trắng đó : bị công kích, bị khước từ, bị mạ lỵ, bị chụp mũ, bị nếm mùi : “Bụt nhà không thiêng”.
Cuối cùng, cách thế để đi tới chiến thắng vinh quang cũng lại là cách thế đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian. Con người, ai ai cũng vậy, rất sợ đánh đập, rất sợ tòa án, rất sợ và ghê sợ tử hình. Nhưng Chúa đã đi vào, đã gánh chịu, đã đón nhận tất cả để chứng tỏ Ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình. Từ bỏ đến cấp độ kinh hoàng nhất. Tất cả chỉ vì Ngài muốn mình phải chết đi như một hạt lúa để trổ sinh vô số bông lúa và hạt lúa khác. Nếu ông Te-tu-li-a-nô đã nói : “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu”, thì máu của Chúa Giêsu còn giá trị hơn biết bao nhiêu.
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu chấp nhận chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Ki-tô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài có vẻ như thất bại hoàn toàn khi bị treo lên thập giá, nhưng đó lại chính là lúc Ngài ném được thủ lãnh thế gian ra ngoài và trở thành Đấng phán xét và ban sự sống. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.
Hơn nữa, hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thụ nạn để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi các tín hữu. Tóm lại, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không chết luôn mà đã phục sinh để tồn tại mãi và ban sự sống đời đời cho con người.
Là Ki-tô hữu, chúng ta chỉ có thể lập công phúc, được cứu rỗi, được sống muôn đời và hữu ích cho người khác…khi biết từ bỏ sự sống tạm bợ, tức là từ bỏ tất cả những gì mà người đời gọi là “sống”. Có người từ bỏ được tiền của, danh vọng nhưng lại không bỏ được ý riêng mình; có người bỏ được ý riêng của người khác chứ không chịu bỏ ý riêng mình; có người từ bỏ nhiều mà không từ bỏ tất cả; có người bỏ được những cái to lớn nhưng lại không bỏ được những cái nhỏ mọn hay những cái cần phải bỏ; có người bỏ được lúc này nhưng lại không bỏ được lúc khác…
Từ bỏ là một nhân đức của anh hùng. Là một nhân đức được thử luyện mỗi ngày cả ngàn lần, nhưng cũng có cả hơn ngàn lý do để chối bỏ. Vì thế, chúng ta cần đặt lại giá trị của hy sinh từ bỏ mà chúng ta đã bỏ quên hoặc coi thường. Chúng ta hãy suy nghĩ xem : hiện giờ chúng ta có thấy mình cần từ bỏ gì không : một thói quen không tốt, một tật xấu, một tội lỗi hay bất cứ thứ gì không đúng với Tin Mừng, không hợp với tinh thần Ki-tô, không đúng với cung cách một người con của Chúa.