Mỗi lần mừng lễ các thánh Tử đạo Việt Nam, ta lại nghe vang lên lời của sách Macabê quyển II kể về câu chuyện tử đạo anh hùng của tám mẹ con. Trong đó, hình ảnh người mẹ toát lên một vẻ đẹp kiêu hùng, kỳ diệu, rực rở và tỏa chiếu.
Chỉ trong một khoảnh khắc thời gian, bà đã phải chứng kiến một nỗi đau xé ruột, xé gan, một nỗi đau tơi bời, một nỗi đau dễ làm tâm thần hóa điên dại: Bảy đứa con bà đứt ruột sinh ra bị người ta hành hạ dã man và giết chết trước mặt bà. Bà chỉ là người bị sát hại sau khi đã chứng kiến toàn bộ bảy cái chết của con mình.
Người đàn bà không tầm thường ấy, không chỉ tạt bia muôn thuở hình tượng hiển hách, oai phong của mình, mà còn làm rung lòng, làm khắc sâu hồn người những lời khẳng khái, quyết liệt, nung đốt từng trái tim: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người, do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2Macb 7, 22-23).
“Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2Macb 7, 27-29).
Càng đáng kính phục hơn, đáng ghi tâm hơn, bởi những lời ấy được thốt ra trong hoàn cảnh đầy thách thức, bi kịch, thương đau, một hoàn cảnh bị sự dữ vây quanh, sẵn sàng làm đổ gục ngay cả tinh thần những người vững vàng nhất.
Vì thế, Thánh kinh không tiếc lời khen ngợi lòng mến, sự vững vàng, thái độ chiến thắng không một chút nao núng của bà: “Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi” (2Macb 7, 20-21).
Không thời nào mà đạo Chúa không có khó khăn, không đương đầu cùng thử thách. Chính trong những hoàn cảnh xem ra bi đát nhất, lại hiện lên rõ rệt những dấu hiệu lạc quan nhất. Một trong những dấu hiệu lạc quan ấy là đức tin của người theo Chúa luôn luôn kiên định, luôn luôn vững bền.
Riêng Hội Thánh tại Việt Nam, lòng quả cảm cho một đức tin tinh tuyền nơi các Kitô hữu cũng chẳng kém gì mẫu gương cao cả của tám mẹ con trong sánh Macabê. Hướng về Đấng mà mình hằng mến yêu, tôn thờ, người tín hữu, qua mọi thời, không có bất cứ một sức cản nào có thể ngăn cản họ ôm lấy đức tin, sống chết cho đức tin, đau khổ hay hạnh phúc vì đức tin.
Kể từ buổi bình minh của đức tin Công giáo tại Việt Nam, không có bất cứ đường lối tàn độc nào mà thế gian không thực hiện, nhằm tiêu diệt người tín hữu. Đêm ngày người ta luôn luôn tìm cách triệt tiêu đức tin Công giáo.
Bằng đủ mọi kiểu, đủ mọi cách, và biết bao nhiêu hình thức quỹ quyệt nhất, dã man nhất, mất tính người nhất, người ta đưa ra để đe dọa, sát hại, trấn áp các Kirtô hữu. Nhưng vô cùng lạ lùng, vô cùng kỳ diệu, thế gian càng ra sức triệt tiêu đức tin, nó càng khiếp sợ, càng run rẫy, càng bị ám ảnh trước tất cả mọi thái độ bình an, thanh thoát, cao thượng của từng chiến sĩ Chúa Kitô.
Tưởng chừng sức mạnh của sự thâm độc, của bạo quyền sẽ thắng, có ai ngờ, những con người, chỉ với sức mạnh tinh thần vì đức tin và cho đức tin mà lại cứ chiến thắng hiển vang, cứ hiên ngang, cứ ngẩng đầu cao, cứ thẳng đứng như đang ôm cả trời cao đất rộng.
Mặc cho vô vàng những áp bức: dụ dỗ, sách nhiễu, mạt sát, bạc đãi, tra tấn, phân sáp, phanh thây, bá đao, xiết cổ, chém đầu, thiêu sống, chôn sống, khủng bố tinh thần, hành hạ thể xác, voi dày, ngựa xé, bắt bớ và hành hung những người thân, vu khống, lăng mạ, sỉ nhục, ép cung, tạo dư luận, giam trong củi, giam trong nơi dơ bẩn, bỏ đói…, vẫn không thể lay chuyển nổi sức mạnh của đức tin, của lòng mến, ngàn đời như một.
Sức mạnh quật cường, vững như núi đá ấy đã từng được thánh Phaolô ca ngợi: “Cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).
Những trang Thánh Kinh và lịch sử của Hội Thánh, đã để lại cho chúng ta những bằng chứng sống và chết cho đức tin. Đi theo đường lối của cha ông, chúng ta sẽ sống một đời sống trung kiên, ngoan cường để khẳng định đến cùng chọn lựa của mình, một chọn lựa tự nguyện theo Chúa Kitô, như Chúa Kitô mà dâng hiến mình cho Thiên Chúa.
Sự dâng hiến mình, đòi ta phải sống tinh thần tử đạo. Đó là nỗ lực không ngừng để trau dồi lòng đạo đức, tăng thêm sự thánh thiện, luôn thực thi bác ái yêu thương.
Chúng ta không tìm an thân cho mình, nhưng luôn ra sức xây dựng trần thế bằng tất cả những sáng kiến, những đóng góp nhằm nâng cao giá trị cuộc sống.
Chúng ta không ngại nguy hiểm để lao mình góp phần làm lành mạnh hóa môi trường sống, cứu giúp những hoàn cảnh, hay những con người xấu số…
Với bản thân, phải luôn tự ngăn ngừa những kiểu tự do phóng túng. Bởi càng tự do, ta càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những vật gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp dễ làm ta đánh mất mình, đánh mất cả sự sống trường cửu của mình.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng lễ phong thánh cho các thánh Tử đạo Việt Nam, đã đòi từng người Việt Nam Công giáo hôm nay phải dấn thân cho tinh thần tử đạo cách triệt để:
“Hỡi giáo đoàn Việt Nam, tôi nói lại với anh chị em rằng: máu các vị Tử đạo là nguồn ân sủng cho anh chị em trước tiên, để anh chị em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh chị em, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn lưu truyền qua nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người Việt Nam trung thành với quê hương đất nước, đồng thời vẫn mãi mãi là tín hữu của Chúa Kitô”.
Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
Từng người hãy luôn tâm niệm: Sống đức tin là tử đạo không đổ máu, không hy sinh mạng sống, nhưng đòi phải chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi dồn ép, mọi khó khăn, lắm lúc phải hy sinh cả tương lai cuộc đời trần thế của mình.
Ước gì chúng ta không để mất đức tin được đổi bằng giá máu của biết bao nhiêu vị Tử đạo.
Ước gì chúng ta không ngừng làm chứng tá đức tin ấy cho từng con người trên quê hương thân yêu này.