TỪ MÌNH SANG CHÚA

“Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trước một Thiên Chúa khiêm tốn, chúng ta được mời gọi khiêm nhu, đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Chúng ta cùng quan chiêm sự khiêm nhượng vĩ đại của Gioan Tiền Hô, người đã chuyển ‘từ mình sang Chúa’ mọi ảnh hưởng, mọi tiếng tăm để Chúa được nhận biết, cũng là người đã nói, “Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Gioan được Chúa Giêsu coi là người vĩ đại nhất trong tất cả con cái người nữ sinh ra trên trần gian; vậy mà, Tin Mừng cho thấy, Gioan coi mình thậm chí không xứng đáng khom lưng nới lỏng quai dép cho một Đấng cũng được sinh ra từ lòng một người mẹ; thì ra, Gioan đã khiêm tốn nhưng Đấng Gioan tiền hô lại khiêm tốn hơn. Và đây là sự khiêm tốn ở mức độ cực đại!

Vậy thì điều gì đã khiến Gioan Tẩy Giả trở nên vĩ đại? Có phải vì lời rao giảng đầy thuyết phục hay vì tính cách năng động và hấp dẫn của một con người vốn có thể có một ngoại hình hoàn hảo như Gioan? Chắc chắn không một lý do nào trong các lý do trên khiến Gioan được coi là vĩ đại. Điều khiến Gioan thực sự vĩ đại chính là sự khiêm nhường mà với sự khiêm nhường đó, Gioan chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu, Gioan đã hướng cái nhìn của mọi người ‘từ mình sang Chúa’. 

Gioan biết Chúa Giêsu là ai, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Đấng sẽ rửa trong Thánh Thần; mọi người nghe Gioan, nhưng Gioan lại hướng ánh mắt của những ai theo Gioan ‘từ mình sang Chúa’. Và chính hành động hướng người khác đến với Chúa có ‘tác dụng kép’ là nâng Gioan lên tầm vĩ đại mà sự tự cao tự đại không bao giờ có thể đạt được.

Điều gì có thể tuyệt vời hơn hành động chỉ cho người khác Đấng Cứu Độ của thế giới? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc giúp người khác khám phá mục đích cuộc sống của họ bằng cách nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc khuyến khích người khác sống một cuộc sống quên mình để tòng phục duy nhất một Thiên Chúa thương xót? Điều gì có thể tuyệt vời hơn việc nâng cao Đấng là Chân Lý vốn vượt trên những dối trá ích kỷ của bản chất hay sa ngã của con người?

Thiên Chúa đó cũng là một Thiên Chúa quyền phép vô song, khi với Người, “một ngày như thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” như thư Phêrô hôm nay nói; nhưng cũng là một Thiên Chúa đầy khiêm tốn, hạ mình xót thương dân Người, “Hãy an tâm, hãy an tâm”, vì “Người chăn dắt đoàn chiên như mục tử chăm sóc chiên mình; ẵm chiên con trên tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ” như ngôn sứ Isaia mô tả.   

Một nhà tu đức nói, “Sự kiêu ngạo rất tinh tế đến nỗi, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tự hào về sự khiêm tốn của mình, kết quả, chúng ta dành hết vinh quang của Chúa; thay vì Chúa lớn lên, Ngài phải nhỏ lại; thay vì bản thân nhỏ lại, chúng ta làm cho nó lớn lên; thay vì chuyển tất cả ‘từ mình sang Chúa’, chúng ta chuyển hết ‘từ Chúa sang mình’. Khi điều này xảy ra, điều tốt hoá thành xấu; những đức tính trở thành tệ nạn. Vậy mỗi khi làm được một điều gì, hãy làm như con sư tử dũng mãnh trong một đêm săn mồi thành công, nó biết nhìn lên để cám ơn ánh trăng”.

Anh Chị em,

Để cuộc sống có giá trị và ý nghĩa thực sự, hãy làm cho Chúa lớn lên đến mức cao nhất có thể, hãy chuyển tất cả ‘từ mình sang Chúa’; hãy hướng những người khác đến với Chúa, và làm cho Chúa Giêsu trở thành trọng tâm của cuộc đời mình cũng như cuộc đời những ai chúng ta gặp gỡ bằng cách hạ mình trước mặt Ngài. Chính trong hành động khiêm tốn này, sự vĩ đại thực sự của chúng ta sẽ được khám phá và chúng ta sẽ tìm thấy mục đích chính yếu của cuộc sống mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, khiêm nhượng sẽ giúp con bớt chất người, thêm chất Chúa; xin đừng để con giữ lại cho mình một điều gì, một hãy chuyển ‘từ mình sang Chúa’ tất cả những gì thế gian ban tặng; bởi lẽ, tất cả những gì con có, đều đến từ Chúa và nhất là, đều thuộc về Chúa”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts