UY QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV B  THƯỜNG NIÊN

Dnl 18:15-20; 1Cr 7:32-35; Mc 1:21-28

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Trong câu chuyện của Macco nói về Con Thiên Chúa, có việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên (Mc 1:16-20) và việc người đối đầu với ma quỉ (Mc 1:21-28). Những lời các tiên tri kêu gọi (Is:1-13; Gr 1:14-19) là do Thiên Chúa bắt buộc, là mẫu mực Chúa Giesu gọi các môn đệ. Chúa Giesu không phải là ngôn sứ độc nhất, người có nhiều cộng tác viên, là những người bạn đồng hành với Chúa” (Mc 3:14). Người đi vào cuộc sống của bốn vị đó, kêu gọi họ cam kết làm việc với Người. Người chỉ vắn gọn gọi họ:“Hãy theo ta” (Mc 1:17), thì ngay lập tức họ bỏ mọi sự và theo Người.

 

UY QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

Câu chuyên xẩy ra ở nhà nguyện Capernaum coi như câu chuyện mở đầu công tác mục vụ đầu tiên của Chúa Giesu, gồm chữa lành bệnh và đuổi ma quỉ. Câu chuyện phản ảnh tâm tư của dân Do Thái là khi Vương Quốc Thiên Chúa đến thì sự dữ sẽ tiêu tan. Sự dữ là ma quỉ giăng mắc tứ phía như mang nhện, là những tâm hồn đen tối. Lời Chúa Giesu có sức mạnh lôi cuốn đến độ con người vất bỏ mọi sự để đi theo Người (Mc1:16-20), ngay cả thế lực của ma quỉ cũng bị Người khuất phục (Mc1:25-26). Chúa Giesu biểu con người  phải thay đổi tâm hồn, nhìn cuộc sống của mình với một cái nhìn mới, quan niệm mới, và hãy tin tưởng vào Tin Mừng. Việc này không đơn giản chỉ là câu chuyện ở quá khứ mà nó còn tiếp tục kêu gọi, có tính ngôn sứ và sức mạnh đối với chúngtangàynay.

 

AI CÓ QUYỀN NÓI LỜI CHÚA

Bài đọc1 (Dnl 18:15-20) và bài phúc âm hôm nay (Mc 1:21-28) cho thấy ai có quyền nói Lời Chúa. Các tiên tri giảng dạy với thẩm quyền bởi vì chính Chúa đã đặt những lời của Chúa vào miệng họ. Lời họ nói là lời của Chúa. Trong bài đọc 1, Maisen nói với mọi người là Thiên Chúa sẽ gửi đến một thiên sứ thuộc hệ tộc Israel. Thiên Chúa truyền dạy mọi người phải lắng nghe vị thiên sứ này mà về sau chúng ta nhận ra đó là đức Kito.

Chúa Giesu đã làm cho mọi người ở trong nhà nguyện Capernaum phải kinh ngạc vì lời giảng và quyền uy của Người. Đức Giesu giảng giải với thẩm quyền, bởi vì Người là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta là những nhân chứng của Lời Hằng Sống này tức Chúa Giesu. Chúng ta không có quyền gì trên lời chúng ta nói mà đơn thuần chỉ là tuyên xưng Lời của Chúa mà thôi. Mỗi thành viên của Giáo Hội, nhờ phép rửa và thêm sức, có nhiệm vụ ngôn sứ, là tiếng vang Lời Chúa bằng lời nói và việc làmVậy chúng ta phải dấn thân, xuất hiện, hòa đồng và sinh hoạt với cộng đồng và tuyên xưng Lời Chúa!!

 

TIÊN TRI THẬT VÀ GIẢ

Các tiên tri thật thì đối nghịch với những gì ù lỳ và hiện tại. Các ngài nhận ra và thấy vô lý khi các vua chúa, các tư tế và những tiên tri giả cứ ba hoa tô sơn vẽ phấn vấn đề. Các ngài chia sẻ tiếng than van của những người nghèo khó bị ức hiếp, của những bà góa, trẻ mồ côi, những kẻ bị tước đoạt cả của cải lẫn tiếng nói rồi các ngài góp lại thành những tiếng kêu than van đau khổ của những kẻ thiếu may mắn. Các ngài lột trần cả hệ thống sống, những hệ thống mà chính các ngài đã phải sống. Các ngài đã cảm nghiệm sâu xa những sai lầm của hệ thống đó, và các ngài đã làm tất cả mọi sự để có thể thay đổi tận gốc rễ, từ trong ra ngoài.

Các tiên tri thật thì dùng quyền lực để nói sự thật với những kẻ quyền thế mà các ngài biết rất rõ vì đã thường xuyên và trực tiếp sống trong lòng quyền lực của họ. Các ngài không sợ chết hay sợ mất quyền lợi. Bởi vì các ngài thường được tuyển dụng để làm việc cho chính những kẻ mà các ngài phản bác!

 

ĐỪNG SỢ! HÃY NÓI ĐI

Phải chăng chúng ta có thể nói “tiên tri” để thay đổi Giáo Hội? Hồng Y Avery Dulles, sj khi còn là linh mục đã cho chúng ta tư tưởng này. Ngài nói rằng những người cải cách phải nói lời tiên tri, nghĩa là phải có viễn kiến nhìn xa trông rộng. Điều này rất đúng vì đã biểu hiện được bản tính thật của tiên tri, nghĩa là đã hiểu đúng làm đúng ý nghĩa của nó. HY Dulles nói rằng thánh Thomas Aquinas đã phân biệt rõ ràng giữa tiên tri tác dụng trong Cựu Ước và tiên tri tác động trong Giáo Hội. Các tiên tri xưa được sai đến với hai mục đích: “thiết lập niềm tin và chỉnh đốn thái độ.”. Ngày nay thì “niềm tin đã được thiết lập, bởi vì mọi điều hứa trong cựu ước đã được hoàn thành nơi chúa Kito, nhưng tiên tri có mục đích chỉnh đốn thái độ thì không ngừng và sẽ chẳng bao giờ ngừng.”

Ngày nay chúng ta dùng thẩm quyền để nói Lời Chúa  thế nào? Để làm lợi cho vương quốc nước trời thế nào? Chúng ta sống lời nói, cử chỉ, sứ điệp và cuộc sống ngôn sứ của chúng ta thế nào, trong Giáo Hội, trong gia đình, nơi cộng đồng, xã hội và trên thế giới? Điều căn bản là phải can đảm, đừng sợ mất lòng, đừng sợ mất quyền lợi, mất danh phận.

    Lời tiên tri của chúng ta có Chúa ở trong hướng dẫn. Cứ yên tâm, đừng sợ!

 

Fleming Island, Florida

Jan. 20,  2021

Chia sẻ Bài này:

Related posts