Thật tội nghiệp cho Phêrô, chỉ vì thương Thầy, không muốn Thầy phải chịu đau khổ mà lại… bị mắng! Nặng nề hơn, lại bị coi là Satan “không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Thế nào là việc Thiên Chúa, thế nào là việc loài người? Chính tôi cũng còn mơ hồ…
Còn nhớ có lần được chứng kiến một vị cha sở ra công xây dựng nhà thờ, tôi rất lấy làm kính ngưỡng. Dạo đó, việc xây dựng nhà thờ đâu phải dễ dàng gì! Mức sống người dân còn thấp. Cha phải đi chạy chọt xin chỗ này chỗ nọ… Rồi cha kêu gọi “thắt lưng buộc bụng”… Mọi khoản đóng góp có được đều dành cho việc xây dựng nhà thờ. Không có phần thưởng Giáo lý, không còn bồi dưỡng lễ sinh hay ca đoàn, không cờ quạt, không rước xách… Thậm chí cha còn kêu gọi “quy ra thóc” những quà mừng bổn mạng hay kỷ niệm linh mục của cha để cha mua… xi măng.
Tôi thầm phục quyết tâm cao của cha và thường gọi đó là “lòng nhiệt thành Nhà Chúa”. Nhưng cũng vì tấm lòng “nhiệt thành Nhà Chúa” ấy mà trong quá trình xây dựng, không ít người… lặng lẽ rút lui! Rồi cũng đến ngày công trình hoàn thành, Đức Cha về dâng lễ khánh thành đặt tấm đá ghi tên cha trang trọng ngay trước tiền đường. Hằng ngày, cha đi ra đi vô đọc Kinh Nhật Tụng đều dừng chân trước tấm đá ấy. Nhưng nhà thờ thì chỉ còn có mấy ông bà cụ nghễnh ngãng là năng lui tới. Lớp Giáo lý thưa thớt, hội đoàn rời rạc, thanh niên vắng bóng, thiếu nhi Thánh Thể chẳng còn, lễ sinh chỉ giúp lễ Chúa Nhật. Các ông bà “cựu hội đồng giáo xứ” ngồi lại hay nhắc về thời hoàng kim khi còn ngôi nhà thờ cũ xập xệ với nhiều tiếc nuối… Thì ra, coi vậy mà không phải vậy!
Tôi cũng từng nghe một Cha giảng trong tuần tĩnh tâm dành cho các bậc cha mẹ: “Satan tinh quái lắm! Nó không cám dỗ bằng cách rủ rê đi karaoke hay vũ trường đâu. Nếu chỉ như thế, nó không phải là Satan. Nó khôn khéo dụ khị chúng ta đi đọc kinh, tham gia hội đoàn, tổ chức lễ lạc… Rồi từ từ nó thổi phồng cái “tôi” của mỗi chúng ta lên, gieo vào đầu ta ý nghĩ không có ta thì mọi chuyện không suôn sẻ, xúi ta bỏ bê việc nhà để lo việc thiên hạ… Cuối cùng, ta chỉ lo chăm chắm làm cho sáng danh ta chứ không phải sáng Danh Chúa.”
Tôi sống giữa một xóm đạo khá nề nếp, bên phải là nhà bà hội trưởng các Bà Mẹ Công Giáo, bên trái là nhà ông phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ. Tuy nhiên, chén bát trong chạn còn va nhau huống hồ…
Một hôm tôi nghe có tiếng nói lớn phát ra từ nhà bên phải:
– Bà có đi cũng vừa vừa phải phải… Bà có biết cha con tôi 3 hôm nay phải ăn mì tôm không?
– Ơ hay, cái ông này, sắp tới bổn mạng giáo xứ, các bà mẹ phải tập trung tập mấy cái hoạt cảnh cho đêm diễn nguyện chứ có phải thường xuyên vậy đâu!
– Ừ, thì không thường xuyên. Vậy mà, tuần trước có người bạn đến chơi, tôi lấy bình trà ra chế để mời khách thì thấy bình vẫn còn xác trà mấy ngày lên mốc, rồi mấy cái tách cũng đóng bợn trà vàng ố. Thậm chí, bàn ghế bụi bặm trông mà xấu hổ với khách…
– Thế ông cưới tôi về để phục dịch ông đấy hả? May là tôi chỉ đi công tác nhà thờ chứ ông gặp trúng con mẹ đỏng đảnh nó cũng đi suốt ngày mà lại tốn thêm tiền son phấn giày dép cho nó nữa đấy!
– Thì… công tác gì bà cũng phải dành thời gian cho gia đình với chứ!
– Ông không nhớ hôm lễ bổn mạng các gia trưởng, Cha xứ nói gì à? Ngài nói: “Một người phục vụ thì những người khác trong gia đình phải hy sinh”. Ông xem, ông có làm được chút gì cho giáo xứ không? Ngay cả đọc Sách Thánh cũng không tới phần ông. Vậy thì, phải hy sinh một chút chớ. Ăn mì tôm có 3 bữa đã than thì làm sao vác thánh giá mỗi ngày? Đến đoạn trích dẫn Lời Chúa, lời cha xứ, thì ông chồng đành làm thinh…
Một hôm khác, tôi lại nghe từ nhà bên trái:
– Chiều nay, ông bớt chút thì giờ đi họp phụ huynh cho thằng Út cái. Nó bỏ học cả tuần nay đi chơi game, nhà trường mới gửi giấy mời kìa.
– Trời đất, bà ở nhà làm gì mà nó bỏ học đi chơi game cả tuần nay không biết? Đúng là, “con hư tại mẹ!”
– Ông có thấy cả trăm thứ việc “không tên” đang chờ tôi đây không. Còn ông, cứ rảnh một chút là nhà thờ, họp hành xong lại… lai rai chút đỉnh. “Một tiếng cha ngăm hơn trăm lời mẹ dặn”, mà ông thì có phút nào quan tâm tới nó đâu?
– Bà có thấy nhà thờ mình đang sơn lại không? Tôi mà hở ra một cái là tụi nó làm bầy hầy ngay, lại tốn thêm công thêm của. Rồi cũng phải “giao lưu” với tụi thợ một chút để nó làm đàng hoàng cho mình. Bà coi, trong giáo xứ này có ai đảm đương được những việc ấy?
– Tôi thấy thà như anh B. bên kia, chẳng vai vế gì mà dạy dỗ con cái đàng hoàng…
– Bà khéo so sánh quá há? Chúa ban cho ông B. có một nén thì ổng an phận chừng đó, còn Chúa ban cho tôi 5 nén mà bà không cho tôi làm lời ra, mai mốt ra trước toà phán xét bà phải trả lẽ à!… Nghe đến đó, chị vợ nín khe!
Qua Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên, tôi đã lờ mờ hiểu ra rằng: Nếu chỉ hệ tại ở những kết quả tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài thì “việc của Thiên Chúa” chẳng khác gì “việc của loài người”.
Việc của Chúa đòi tôi phải từ bỏ bản thân như lời tiên tri Isaia: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (Is 50,5-6).
Việc của Chúa đòi tôi phải từ bỏ mạng sống: “Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình” ( Mc 8,35).
Việc của Chúa đòi tôi phải thực hiện bằng Đức Tin chứ không phải bằng hư danh: “Nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin như thế có thể cứu được nó ư?” (Gc 2,14).
Việc của Chúa không nguy nga, hùng vĩ như tôi hằng tưởng tượng: Việc của Chúa là lặng lẽ quét dọn vệ sinh như Thánh Martino Porres đảm trách. Việc của Chúa là âm thầm phục vụ người cùi như cố Giám mục Jean Cassaigne đảm nhận. Việc của Chúa là vẽ nên Đường Hy Vọng bằng từng Chấm Hy Vọng như Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã sống và diễn tả.
Cứ làm mọi việc bằng đức tin và lòng yêu mến, còn muốn biết kết quả thì hãy lắng nghe Mẹ Têrêsa Calcutta:
Kết quả của THINH LẶNG là CẦU NGUYỆN.
Kết quả của CẦU NGUYỆN là ÐỨC TIN.
Kết quả của ĐỨC TIN là TÌNH YÊU.
Kết quả của TÌNH YÊU là PHỤC VỤ.
Kết quả của PHỤC VỤ là BÌNH AN.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con có thể phân biệt đâu là việc của Thiên Chúa và đâu là việc của loài người. Nhờ đó, chúng con biết dành trọn tâm lực cho những việc đem lại cho chúng con sự sống đời đời cho dù phải chịu nhiều thiệt thòi, chê bai, ruồng bỏ… Amen.
Pio X Lê Hồng Bảo