Ai cũng đồng ý rằng, chân lý đức tin về Ba Ngôi là một chân lý lớn lao diệu vợi. Dù vậy, những tâm hồn có lòng yêu mến, có thiện chí, có sự kết hợp không ngừng với Thiên Chúa trong nỗ lực cầu nguyện, học hỏi và suy tư, vẫn cảm nghiệm một chân lý bền vững ngàn đời, đó là cảm nghiệm sâu lắng và nội tâm về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tình yêu mang bóng dáng “xã hội tính”, bởi đã không bao giờ khép kín nhưng trao ban, hiến dâng và cho đi.
Hôm nay mừng mầu Nhiệm Ba Ngôi, chúng ta suy niệm đặc tính “xã hội” này nơi Thiên Chúa và nơi chúng ta. Từ đó, ta cảm nhận mạnh mẽ tình yêu của Chúa, rồi học lấy tấm gương của ông Môisen để sống suốt đời trung thành với tình yêu của Chúa.
I. GIỐNG THIÊN CHÚA, LOÀI NGƯỜI LÀ LOÀI XÃ HỘI TÍNH.
Chính tình yêu nơi cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho Thiên Chúa, dù duy nhất, vẫn thể hiện “xã hội tính” nơi chính mình. Bởi tình yêu luôn cần có đối tượng, tình yêu phải được dàn trải ra, đó mới là tình yêu. Nếu không, chỉ là một thứ ích kỷ, chỉ quy về chính bản thân mình, yêu chính mình mà thôi.
Nơi cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu không ngừng trao ban cho nhau cách sung mãn: Cha hiệp nhất với Con, Thánh Thần là mạch sống bền chặt giữa Cha và Con. Ngay chính bản thân Thiên Chúa, dù là một, là duy nhất hoàn hảo tuyệt đối, vẫn là một bản thể biết san sẻ tình yêu, mang nơi mình tới Ba Ngôi vị. Cha trong Con, Con trong Cha. Tình yêu nơi Cha và Con làm phát sinh một Ngôi Vị tròn đầy, mang cùng bản tính như Cha và Con: Ngôi Thánh Thần. Chính vì thế, lời Tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi tuyên xưng: “Chúa là Thiên Chúa và chủ tể duy nhất, duy nhất không phải trong một Ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể”.
Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. Điều đó chứng tỏ nơi cung lòng Thiên Chúa có một đặc tính xã hội cách nào đó. Rồi khi sáng tạo loài người và thế giới, Thiên Chúa đã chia sẻ tình yêu nơi cung lòng Ba Ngôi ấy cho các thụ tạo mà Người dựng nên. Đặc biệt nơi loài người, chóp đỉnh của thụ tạo, Thiên Chúa Ba Ngôi đã đặt hình ảnh của mình trên và trong họ. Vì thế, khi nhân loại mang lấy chính hình ảnh Thiên Chúa, nhân loại cũng mang lấy đặc tính xã hội của Người.
Nhưng không phải chỉ khi tạo dựng, Thiên Chúa mới trao ban chính mình. Người vẫn không ngừng trao ban chính mình. Người đặt để nơi nhân loại chính dấu ấn của Người cách hoàn hảo. Vì thế, qua hết thời gian này đến thời gian khác, tình yêu của Ba Ngôi trở thành nguồn gốc “xã hội tính” nơi nhân loại.
Giống như việc người ta đọc thấy cuộc đời, cá tính, sự suy tư, vui buồn… của một nhà văn trong tác phẩm mà ông viết từ chính đôi tay và khối óc của ông. Cũng vậy, nhân loại và vũ trụ là tác phẩm của Thiên Chúa tình yêu. Vì thế, ta có thể hiểu hình ảnh Thiên Chúa nơi loài người là bản sao chép từ chính tình yêu của Thiên Chúa. Có rất nhiều những dấu ấn của Thiên Chúa trên nhân loại. Một trong những dấu ấn ấy là xã hội tính nơi mỗi người chúng ta.
Chúng ta đã kinh nghiệm nhiều về xã hội tính nơi chính mình, khi nhận ra mình không thể sống một mình, không thể có sự phát triển đúng nghĩa, không thể có khả năng nhận thức, khả năng tạo nhân cách, hoặc hiểu biết đầy đủ…, nếu chỉ sống một mình. Nói ngắn gọn, loài người sẽ không là người nếu không có tương quan.
Khám phá về xã hội tính nơi chính mình và nguồn gốc xã hội tính ấy phát xuất từ Thiên Chúa, ta đi tới một khám phá quan trọng hơn: Loài người không thể sống như chính họ là người, nếu Thiên Chúa không trao ban chính mình cho họ, nếu Người không đặt để hình ảnh của Người nơi tâm hồn của họ. Chính vì được hưởng nhờ chính Thiên Chúa, chúng ta đã và vẫn sống như chúng ta là người.
II. MẪU GƯƠNG TRUNG THÀNH CỦA ÔNG MÔISEN
Tấm gương của ông Môsê hoàn toàn để Chúa thu phục khi hiểu ra mình đang đối diện với Đấng Chí Thánh, Thần trên các thần, là bài học lớn để ta cũng biết noi gương ông, suốt đời đáp trả tình yêu diệu vợi của Thiên Chúa.
Thánh Kinh kể, một ngày, khi ông Môisen đang chăn đàn vật tại núi Khorep, bỗng ông nhận thấy một quang cảnh hết sức lạ thường: bụi gai rực lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Tò mò, ông chạy đến xem cho tường. Từ giữa bụi gai, có tiếng gọi đúng tên ông: “Môisen! Môisen!” Tiếng gọi ấy ra lệnh cho ông phải bỏ dép ra và không được đến gần, vì nơi ông đang đứng là nơi thánh. Tiếng nói ấy tự xưng là Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông sợ hãi che mặt, không dám diện kiến cùng sự uy nghi của Đức Chúa chí thánh của ông.
Ông càng sợ hãi hơn khi Đức Chúa ngỏ lời sai ông đi giải thoát dân của Người ra khỏi cảnh lầm than nô lệ cho người Ai-cập. Dù biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, nhưng tin tưởng vào lời Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3, 12), ông đã đáp trả bằng cả một đời trung thành, yêu mến, tùng phục, tôn thờ Đức Chúa của ông. Có thể nói, ông đã sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận vì lòng yêu mến Thiên Chúa và vì tình yêu của Người dành cho ông.
Tuy nhiên, sứ mạng ấy không dễ chút nào. Biết bao lần Môisen như chẳng còn sức đâu mà chịu đựng lòng dân. Sự bội phản, thái độ thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, những lời kêu trách xúc phạm đến Chúa… của dân, làm cho ông mệt mỏi, đuối sức.
Đó là chưa kể 40 năm ròng rã sống trong sa mạc, không chịu nỗi sự khắc nghiệt của đời sống sa mạc, dân chúng trút lên ông những lời, những thái độ, hành động, suy nghĩ… thù hằn của họ.
Chính vì thế, dù là một nhà giải phóng dân tộc lừng danh, Môisen cũng đã từng quặn thắt tâm hồn, kêu than cùng Chúa và muốn chết đi: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12 tt).
Học lấy mẫu gương của ông Môisen, nhận ra sự uy nghi cao cả của Chúa, ta hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình, và quyết tâm sống một đời trung thành với ơn Chúa ban. Ta hãy khiêm nhường đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy ra cho mình mà phó thác trong bàn tay quan phòng dìu dắt của Chúa.
Chắc chắn cuộc đời sẽ không thiếu những nhức nhối, những thương đau, những oan khuất. Dù ta từ chối hay chấp nhận, cuộc đời vẫn cứ thế. Nhưng nếu trong đức tin và niềm phó thác, trước những nghịch cảnh, ta sẽ bình an hơn, bớt khổ sở hơn. Chúng ta hãy nhớ rằng, loài người đã được Chúa yêu thương. Nhưng những ai tin tưởng, khiêm tốn, vâng phục, sẽ là người thực sự hấp thụ tình yêu ấy.
Bởi vậy, chúng ta hãy tập sống như thánh Phaolô dạy: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5, 18).