XIN LỖI…

Từ xưa đến nay, chúng ta chỉ quen nghe hay hiểu lời xin lỗi trong phạm vi hẹp: giữa người này với người kia, cùng lắm là giữa nhóm người này với nhóm người kia.

Thực ra, lời xin lỗi mang tầm mức lớn hơn nhiều. Hai tiếng “xin lỗi” tưởng như rất đơn giản, nhưng trong thời buổi này, nó không chỉ là lời của một người biết nhận lỗi và xin cho được tha thứ nữa, mà còn là lời để xóa những căng thẳng trong Giáo Hội và giữa Giáo Hội với xã hội, giữa Giáo Hội với các tôn giáo, các đảng phái, các dân tộc trên cả hành tinh này.

Giai đoạn cuối thế kỷ XX, đang khi chuẩn bị tâm hồn bước vào ngàn năm thứ Ba, người Công giáo tự hào, không phải vì họ không có lỗi, nhưng tự hào vì mình có một vị Giáo hoàng, thánh Gioan Phaolô II đã làm cho lời xin lỗi trở thành chìa khóa mở cánh cửa cho sự hòa giải.

Phóng viên Luigi Accattoli trong lúc viết cuốn “Khi Đức Giáo Hoàng ngõ lời xin lỗi”, cho thấy Đức Thánh Cha là hiện thân của sự hòa giải. Dường như ngài là nhà lãnh đạo biết xoa diệu lòng người bằng lời xin lỗi, ngay cả khi đó không phải là lỗi của chính mình.

Ngay khi còn ở Ba Lan, Đức Thánh Cha, mà ngày ấy còn là Tổng Giám mục Karol Wojtyla đang coi sóc giáo phận Kracovi, trước khi Công Đồng Vatican II kết thúc, đã thay mặt Hội Đồng Giám mục Ba Lan gởi một lá thư có nội dung xin lỗi đến Hội Đồng Giám mục Đức, qua Hội đồng Giám mục Đức, Hội đồng Giám mục Ba lan cũng ngỏ lời xin lỗi người dân Đức. Lời lẽ trong thư hết sức dịu ngọt: “Chúng tôi tha thứ và xin được tha thứ”.

Lời xin lỗi đầu tiên này vào năm 1965. Nhưng nếu đặt lại vấn đề, người Đức phải xin lỗi người Ba Lan mới đúng, vì trong Thế chiến Thứ Hai, chính Đức Quốc xã đã tàn sát người Ba Lan. Nhưng Hội Đồng Giám mục Ba Lan, trong đó có Đức Tổng Giám mục Karol Wojtyla, người mà hiện nay đã là thánh Giáo hoàng, lên tiếng trước để xóa bỏ sự thù hận mà chiến tranh gây ra, để hai dân tộc Đức – Ba lan có thể hiệp thông cùng nhau.

Và năm 2000, khi mà ý nghĩa của năm Toàn xá là mời gọi hãy ăn năn sám hối, khi mà Giáo Hội và thế giới bước vào Ngàn năm mới, thì vị Giáo hoàng ôn hòa của người Công giáo càng không ngừng nói lời “xin lỗi”.

Bởi xin lỗi là cách nói lên lòng sám hối. Có sám hối mới có thể thấy mình có lỗi, thấy mình cần được tha thứ, và xin người khác tha thứ. Làm được điều đó cũng có nghĩa là nói lên lòng ao ước được hiệp nhất với anh em xung quanh mình.

Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật của tuần lễ cầu cho ơn hiệp nhất. Đồng thời với việc kết thúc tuần lễ Hiệp nhất, Giáo Hội kính nhớ Tông đồ Phaolô trở lại, chúng ta hãy trở lại với Chúa và với tình yêu của nhau, trở lại với chính tình yêu, sự cảm thông của mình dành cho người khác để có thể sống bên nhau hòa thuận, đồng tâm, và sẻ chia…

Hãy bắt chước vị Cha chung, thánh Gioan Phaolô II, chân thành nhìn nhận những lỗi lầm của mình để có thể nêu cao tình hiệp thông, tương trợ, đoàn kết và nên một…

Trong những ngày của tuần Hiệp nhất, tôi nghĩ, rất thích hợp để suy nghĩ về tương quan giữa lời xin lỗi, lòng sám hối và ơn hiệp nhất. Bởi vì sẽ không có hiệp nhất nếu không có sám hối, không có lòng chân thành cầu mong nhận được sự tha thứ nơi anh chị em.

Bài đọc một của Chúa nhật hôm nay nêu cao gương sám hối cụ thể. Ngày ấy, Ninivê, thành phố của sa đọa, của đàn điếm, của tội lỗi,  khi được tiên tri Giona cảnh báo: “Chỉ còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hũy”, dù lời rao giảng có tính đe dọa, thì cả thành đã ăn năn sám hối.

Đọc tiếp sách tiên tri Giona, ta còn bắt gặp hình ảnh cảm động khác của lòng sám hối làm lay động, rất đáng khâm phục trở thành tấm gương sáng cho ta. Đó là: Lời kêu gọi lòng sám hối của tiên tri Giona đến tai nhà vua.

Dù là vua, là hàng lãnh đạo bậc nhất trong thành, là người có quyền, có thế lực, vua Ninivê dường như không còn nghĩ mình là vua nữa. Niềm tin của ông thật lớn. Lòng sám hối của ông thật sâu sắc. Bất chấp ngại ngùng, bất chấp người ta nghĩ gì về mình, nhà vua rời ngai vàng, cởi bỏ hoàng bào, mặc áo vải gai, ngồi trên đống tro ỏ lòng hối hận vì tội lỗi, qua đó xin ơn tha thứ cho chính mình và cho toàn dân. Chưa hết, nhà vua còn ra sắc chỉ buộc dân Ninivê ăn chay đền tội, và cầu nguyện xin ơn tha thứ.

Ngày xưa lòng hối hận của cả thành Ninivê, từ vua đến dân, là những tấm lòng thống hối chất chứa đầy niềm tin và yêu mến. Bởi chỉ có đức tin và tình yêu, mới có thể dẫn con người, vốn không phải dễ chối từ những cái xấu ngay lập tức, dẫu biết đó là sự xấu thật, đến chỗ dứt khoát từ bỏ quá khứ, từ bỏ những đam mê trần thế của mình nhanh như thế.

Nhưng hình ảnh sám hối đáng chúng ta khắc sâu vào lòng của dân Ninivê chỉ là phản ảnh của Lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Thực thi Lời Chúa, bạn và tôi mau chóng sám hối những lỗi lầm của mình. Hành động sám hối không có chỗ cho sự chung chung. Ninivê đã sám hối. Vua Ninivê đã cởi bỏ y phục của một ông hoàng và khoác vào người chiếc áo thống hối của kẻ nhận ra mình tội lỗi. Ông từ bỏ ngai vàng để đổi lấy đống tro dơ bẩn.  Hoặc như thánh Gioan Phaolô II, đã bày tỏ sự sám hối của toàn Giáo Hội bằng thái độ hạ mình ngỏ lời xin lỗi thế giới.

Cũng thế, một trong những hành động để tỏ lòng sám hối cách cụ thể của chúng ta đó là lời xin lỗiXin lỗi Chúa và xin lỗi anh em. Dám nói ra lời xin lỗi cách thật lòng, là dấu chỉ của sự sám hối thật lòng.

Trong đời sống mỗi ngày, ta vẫn thường chứng kiến bao nhiêu rạn nứt, và dẫn đến chia rẻ: vợ chồng ly dị nhau; hai người bạn đang chơi thân, nhưng vì một lý do nào đó trở thành thù địch của nhau; anh em ruột không nhìn nhau nữa, biết bao nhiêu cảnh chém giết, thưa kiện nhau chỉ vì một lời nói gây tự ái, vì của cải, vì đất đai…

Những lúc căng thẳng đó, rất cần lời xin lỗi và lòng tha thứ. Đó là những việc cụ thể mà ta có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Chỉ có một tâm hồn sám hối mới có thể hiệp nhất và hòa thuận.

Vậy, cảm nhận và vâng nghe lời Chúa Giêsu, chúng ta hãy sám hối để được ơn tha thứ. Đối với mỗi người, thực hiện lòng sám hối bằng thái độ nhận lỗi là cách thức  hay để ta sống hiệp nhất với anh chị em của mình.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts