Xin vâng để Chúa đến với chúng ta

Chúng ta hân hoan chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Con Thiên Chúa đến làm người và ở giữa chúng ta. Và phụng vụ Lời Chúa trong ngày Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng loan báo cho chúng ta về mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, và mời gọi chúng ta hãy đón rước Người.

Thật vậy, từ lúc một thiếu nữ tên là Maria nói tiếng “xin vâng”, lịch sử nhân loại đã thay đổi hoàn toàn vì Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại. Thế giới từ nay sẽ không như trước nữa. Người đến để xây dựng vương quốc tình yêu, để đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại, và “triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. Đây là triều đại của Đấng Cứu Thế đã được ngôn sứ Nathan loan báo cho vua Ðavít từ một ngàn năm trước, mà chúng ta nghe trong bài đọc I hôm nay: Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời”. Tuy nhiên, Thiên Chúa không áp đặt triều đại hay vương quốc của Người trên chúng ta, Người để cho chúng ta được tự do lựa chọn, như cách thức Người đã mời gọi Đức Maria cộng tác vào kết hoạch cứu độ của Người vậy.

Khi nghe sứ thần Gabriel loan báo rằng Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đáp lời sứ thần: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. Câu trả lời thể hiện sự đơn sơ tuyệt vời và niềm tin tưởng tuyệt đối của Mẹ vào Thiên Chúa. Nhờ tiếng “xin vâng”của thiếu nữ làng Nadarét, Thiên Chúa đã làm người và ở giữa con người. Người là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”

Những ai có dịp ngắm bức tranh “Truyền Tin” của Fra Angelico, tu sĩ Ða Minh người Ý vào đầu thế kỷ thứ 15, sẽ thấy hình ảnh Ðức Mẹ, tay chắp trước ngực, chăm chú lắng nghe thông điệp của sứ thần Gabriel với thái độ tin tưởng và khiêm nhu. Tin Mừng kể rằng Ðức Maria “rất bối rối”, nhưng họa sĩ Fra Angelico lại muốn cho mọi người thấy nét mặt bình an của Mẹ khi đón nhận vai trò duy nhất của mình trong lịch sử cứu độ, vai trò làm Mẹ Thiên Chúa. Khi diễn tả nét bình an nơi Mẹ Maria, phải chăng bởi Fra Angelico thấy được rằng Mẹ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và sẵn sàng đáp lại tình yêu của Người.

Chúng ta đang ở gần sát lễ Giáng Sinh, và Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi tiếng “xin vâng” đầy tin tưởng và yêu mến của chúng ta để có thể đến trong cuộc đời mỗi người, và trong thế giới chúng ta đang sống. Trong sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh, Chúa nói với mỗi người chúng ta: Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh 3,20). Đúng vậy, Thiên Chúa không ép buộc chúng ta mở cửa tâm hồn mình, Người chỉ biết chờ đợi cho đến khi chúng ta sẵn sàng mở cửa cho Người bước vào.

Chúng ta có thể nghĩ rằng: tôi có là gì đâu, chỉ là một người bé nhỏ tầm thường, một người không ai biết đến, thì việc tôi có trả lời với Chúa hay không đâu có quan trọng. Hoặc chúng ta cho rằng: chắc Chúa chỉ cần những người nổi tiếng, những con người đầy tài năng để cộng tác với Người, để thay đổi thế giới… Nhưng chúng ta đừng quên rằng, Mẹ Maria cũng chỉ là một thiếu nữ vô danh của làng Nadarét. Và Thiên Chúa thích dùng tất cả những gì là bé nhỏ tầm thường để cộng tác vào trong lịch sử cứu độ của Người.

Nếu ngày xưa, nhờ tiếng “xin vâng” đầy tin tưởng và yêu mến của Mẹ Maria mà Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, thì hôm nay đây, Người vẫn cần đến lời thưa “xin vâng” của mỗi chúng ta để có thể đến với chúng ta, ở lại với chúng ta, để thay đổi cuộc đời chúng ta, và nhờ đó thay đổi thế giới xung quanh mà chúng ta đang sống. Thiên Chúa là Đấng toàn năng nhưng Ngài lại cần một chút niềm tin tưởng của chúng ta; tuy là Đấng giàu có nhưng Ngài lại cần một chút lòng quảng đại của chúng ta, và dù là Thiên Chúa Tình Yêu, Người lại đến để xin tình yêu hèn mọn của chúng ta. Nhưng liệu chúng ta có quảng đại, có đủ tin tưởng và tình yêu để cho Chúa không?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm, sự đơn sơ và nhất là lòng yêu mến để có thể thưa tiếng “xin vâng” với Chúa. Ước gì lễ Giáng Sinh mà chúng ta sắp mừng, là lễ của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, và cũng là lễ của “Chúng ta ở cùng Thiên Chúa”! Amen.

 Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Chia sẻ Bài này:

Related posts