YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI, HAI TRONG MỘT

Những ngày đầu tháng mười một, tháng cầu cho những người đã qua đời, là thời gian thích hợp để mọi tín hữu tập trung nhiều hơn vào nội tâm của mình, tự hỏi những câu hỏi căn bản của cuộc sống đời này và tìm kiếm câu trả lời từ Chúa Kitô. Đôi khi chúng ta quên mất mục đích sống của mình. Điều quan trọng bây giờ là phải quay trở lại, đặt mọi thứ về đúng nơi của chúng. Đây là lý do tại sao câu trả lời của Chúa Giêsu cho vị kinh sư là điều cần thiết đối với chúng ta. Đời sống Kitô hữu chỉ có một điều: “Điều răn đứng đầu là: …Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12:29-31). Yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu thương người lân cận và tình yêu dành cho người lân cận không thể tách rời khỏi tình yêu dành cho Thiên Chúa.

  1. Thiên Chúa là nguồn sức mạnh cho mọi hành động yêu thương

Chúng ta thường bị cám dỗ tách rời hai điều này. Thật vậy, chúng ta thường bị cám dỗ tin rằng chúng ta có thể yêu thương mà không cần đến Thiên Chúa, rằng chỉ cần tử tế, quảng đại với người khác là đủ, v.v. Chúng ta muốn sống một thứ tình yêu không có Thiên Chúa, tách rời khỏi Ngài. Đó là lý do tại sao có những Kitô hữu không dành thời gian để cầu nguyện, để suy niệm lời Chúa, dự lễ ngày Chúa nhật, xưng tội… Chúng ta tự bào chữa cho mình bằng cách nói rằng chúng ta đang làm những việc tốt lành, rằng chúng ta rất quảng đại, phục vụ hàng xóm của mình, tham gia những chuyến thăm từ thiện.

Nhưng liệu nếu chúng ta không múc lấy sức mạnh từ nguồn mạch là chính Thiên Chúa thì chúng ta có thể phục vụ người lân cận bằng cả trái tim, yêu thương họ như chính mình và như Chúa yêu họ không? Liệu lòng quảng đại của chúng ta có còn sức lực không khi những người được chúng ta giúp đỡ tỏ ra vô ơn? Liệu chúng ta có còn sức mạnh để yêu thương và phục vụ những người ghét chúng ta, những kẻ hủy hoại con cái, cha mẹ, gia đình và xã hội của chúng ta không? Liệu chúng ta còn có thể cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta, thật lòng mong cho họ có được những điều tốt đẹp nhất không? Nếu chúng ta không gắn kết với Thiên Chúa, nếu lời Ngài không đổi mới và tăng sức cho chúng ta mỗi ngày, làm sao chúng ta có thể mở lòng ra làm điều tốt lành cho những người chống đối chúng ta, thậm chí không xứng đáng vì đã làm hại chúng ta?

Nguồn mạch duy nhất của tình yêu và sự sống đích thực là Thiên Chúa, như bài đọc thứ nhất nhắc nhở: “Nghe đây, hỡi Israel! Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng” (Đnl 6:4-6). Chính Ngài là Đấng tiếp thêm sức mạnh cho những người vợ / chồng có thể chịu đựng và tiếp tục yêu thương, phục vụ người bạn đời chưa đủ tận tụy chung thủy, quan tâm đến hạnh phúc của gia đình, của con cái, vì: “Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; Thiên Chúa con thờ là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 18:3). Chính nơi Thiên Chúa, những người lao động tìm thấy sức mạnh để làm tốt công việc của mình dù lương chưa cao, dù tất cả những đồng nghiệp khác đều nản lòng. Người chủ xí nghiệp nào thấm nhuần Lời Chúa: “Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Ngài ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6: 8-9) thì sẽ trân trọng công sức công nhân viên của mình, đối xử công bằng với họ. Nếu chúng ta rời xa Thiên Chúa thì có nguy cơ tiền bạc, quyền lực, và thú vui ích kỷ trở thành nguồn cơn khiến chúng ta áp bức, bắt những người khác làm nô lệ phục vụ chúng ta. Chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn sức mạnh vô tận để hiến thân vì người khác: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho những người mình yêu” (Ga 15:13). Đấng tuyên bố như vậy đã tự mình tiến về Cuộc Khổ Nạn của Ngài và, vì vâng phục Chúa Cha, Ngài đã hiến mạng sống mình trên Thập Giá cho tất cả mọi người: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2:6-11). Chỉ khi nào tiếp xúc trực tiếp với tình yêu của Chúa Kitô, hiệp thông với cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, thì người ta mới kín múc được khả năng yêu thương như Chúa Kitô để sống yêu thương, hiến thân và phục vụ đến mức độ bác ái tột cùng: “Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” ( Ga 13:1).

Vì vậy, chúng ta hãy đi tìm gặp Thiên Chúa, xây đắp mối tương quan bền chặt với Thiên Chúa. Ngài cần phải là đá tảng cho cuộc sống chúng ta tựa vào. Suy ngẫm Lời Ngài mỗi ngày, coi đó là kim chỉ nam, giúp chúng ta có được sức mạnh để yêu thương và phục vụ mọi người như Chúa Giêsu.

  1. Yêu những người khác vì Chúa cũng yêu họ như yêu chúng ta

Yêu Chúa và yêu người khác! Không thể tách rời hai điếu đó. Chúng ta không thể yêu Chúa nhưng lại ghét người khác, cãi vã với họ, từ chối biểu lộ tình thân với họ. Tin yêu Thiên Chúa phải dẫn đến sự sống kết hiệp với Ngài. Điều này không thể chỉ đơn giản là đọc những bài kinh có sẵn hoặc “đi xem lễ” ngày Chủ nhật chỉ “cho phải phép”. Phải xem đến những hành động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là sống theo lời Ngài, là áp dụng các điều răn của Ngài vào cuộc sống của chúng ta, và điều đó có nghĩa là sống tôn trọng người khác. Đây là quy luật vàng của mọi đời sống Kitô hữu. Chính Chúa Giêsu công bố quy luật đó: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12: 29-30).

 Nhưng chúng ta hiểu điều răn này của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có biết yêu mến Thiên Chúa nơi người khác không, vì: “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12:31). Trong xã hội ngày nay của chúng ta, nơi sự tiêu dùng và hưởng thụ là chuẩn mực, nơi người ta coi “sở hữu mọi thứ” là một đẳng cấp, nơi người ta cố đạt được thành công, thu nhập tiền của càng nhiều càng tốt bằng bất cứ cách nào, hoặc theo đuổi mọi thú vui cá nhân mà không cần quan tâm đến người nào khác, ngay cả sẵn sàng quên đi một vài trách nhiệm cộng đồng đơn giản. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đọc lại cuộc đời mình dưới ánh sáng của tình yêu đích thực mà chúng ta cần phải dành cho Thiên Chúa và cho người khác. Thiên Chúa sẽ thay đổi chúng ta trong tình yêu chúng ta dành cho nhau. Chúng ta có thể yêu người lân cận hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có yêu Chúa hay không. Mối tương quan của chúng ta với người lân cận có thể được đổi mới hoặc biến đổi nhờ tình yêu của Thiên Chúa.

Khi chúng ta nhìn vào những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, cách nhìn của chúng ta về bản thân và những người chung quanh được đổi mới. Lời Chúa cho thấy rằng chúng ta đã nhiều lần quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng mỗi lần như vậy Thiên Chúa lại đề nghị chúng ta quay lại trong tình yêu của Ngài. Thiên Chúa không yêu thương chỉ với những lời nói có cánh mà không có hành động kèm theo. Con Thiên Chúa trở thành con người, hiến mạng sống cho chúng ta trong cái chết và sự phục sinh, đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho nhân loại, trở nên vị tư tế chuyển cầu cho những ai đáp lại lời mời gọi của Ngài. Bài đọc thứ hai hôm nay khẳng định: “Còn Chúa Giêsu, chính vì Ngài hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Ngài tồn tại mãi mãi. Do đó, Ngài có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Ngài mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Hípri 7: 24-25). Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu, và chúng ta hãy nhìn vào người lân cận của chúng ta dưới ánh sáng tình yêu này của Thiên Chúa.

Vì vậy, khi chúng ta nhìn vào người đang ở trước mặt chúng ta, ví dụ người hàng xóm của chúng ta, chúng ta có thấy đó là người mà Con Thiên Chúa đã hiến mạng sống vì người đó không? Dù cá nhân chúng ta nghĩ gì về người đó, nhưng nếu chúng ta nghĩ đến cái giá lớn lao mà Chúa Giêsu đã trả để cứu người ấy, chúng ta sẽ có khả năng xem lại sự phán xét thiếu căn cứ của mình.

 Đây là mối liên kết giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu những người lân cận. Làm sao chúng ta có thể không yêu những người mà Chúa yêu, mà Chúa biết người ấy rõ hơn chúng ta biết? Nhà điêu khắc Michelangelo được cho là đã nhìn thấy bức tượng Pietà trong khối đá cẩm thạch sần sùi. Thiên Chúa còn thấy rõ ràng hơn vẻ xinh đẹp trong những người mà chúng ta coi như những tảng đá thô kệch. Chúng ta chỉ có được đôi mắt của Ngài khi chúng ta được tình yêu của Ngài biến đổi. Khi không yêu thương người lân cận, chúng ta như nói với Chúa Kitô hy sinh chết trên thập giá rằng người ấy không đáng để Chúa cứu độ.

 Người ta không cần phải là một Kitô hữu mới có thể yêu thương. Tất nhiên rồi, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa, qua con người cụ thể của Chúa Giêsu, giúp chúng ta nhận ra những con người quá bất toàn chung quanh chúng ta, không có gì đáng yêu, ngay cả kẻ thù của ta, đều do Chúa dựng nên, mà vì yêu thương Ngài đã chết cho họ, không khác gì Ngài đã chết cho chúng ta. Chính tình yêu vô cùng tận này đã thay đổi mối tương quan của chúng ta với Chúa và với những người chung quanh! Và tình yêu đó biến đổi các mối tương quan của chúng ta đến mức chúng ta muốn chia sẻ sự biến đổi này của mình nhờ Chúa Kitô: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Hípri 7: 26).

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts