SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ GIÁNG SINH 2020, LỄ ĐÊM (Lc 2, 1-14)
Thưa quý vị và các bạn, Mầu Nhiệm Làm Người của Con Thiên Chúa là một sự ngỡ ngàng, một sự đảo lộn, một sự huyền nhiệm mà vô cùng khó diễn bày, một sự lung linh, một sự thanh thoát cao siêu, một sự rung động trước bao kỳ công của vũ trụ, nghĩa là không còn lời lẽ nào của nhân loại co thể diễn bày cho đúng.
Vâng, thưa quý vị, nếu người chưa tin, hay kể cả người Dothai, họ cũng không tin rằng Đấng Cứu Thế đã đến với họ, bởi vì, như cha ông họ mong đợi một Đấng Messia, mà trong Thánh Kinh ngàn đời đã tiên báo, Thiên Chúa sẽ giải thoát dân của Ngài khỏi ách nô lệ, xiềng xích. Có nghĩa là chính Thiên Chúa sẽ sai Con của Ngài đến với thế gian, đó là : EMMANUEL, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng nhân loại.
Vâng, một huyền nhiệm ngỡ ngàng, một ân ban cao độ, một quà tặng cao siêu vô giá, một tình thường lạ lùng, vâng, và chỉ có Thiên Chúa mới làm được như vậy.
Và,Thiên Chúa làm như vậy để làm gì? Thưa quý vị
Vâng, Ngôn sứ Isaia sẽ cho chúng ta biết lý do, một vị ngôn sứ trước chúng ta hơn 2700, trước Đấng Cứu Thế khoảng 700 năm sẽ cho chúng ta biết điều ấy.
Khởi đi từ Bài đọc I , (Is 9, 1-6) “… Dân đang mò trong tối tăm, bỗng thấy ánh thiều quang xuất hiện… trẻ sinh cho ta đấy, Danh Ngài kêu rất oai… Vua Bình An..”, để làm gì, thưa để “giải thoát” chúng ta dưới ách sự ác. Vâng, hình ảnh mà ngôn sứ Isaia loan báo từ ngàn xưa là một hình ảnh dân bị nô lệ, bị hành hạ đến đẫm máu lưng, một sự đau khổ như vậy, ai có thể cứu họ, và điều gì quý hơn điều họ được giải thoát khỏi sự đau khổ đó.
Như vậy, điều mà Thiên Chúa Hứa, dường như xa vời quá, chậm chạp quá, lâu quá, đến mấy trăm năm thì làm sao họ còn.
Vậy, thì hình ảnh đó là gì, thưa quý vị ? Thưa, hình ảnh đó, không đơn thuần theo nghĩa đen, mà là theo nghĩa huyền nhiệm siêu nhiên. Một sự giải thoát khỏi ách ma quỷ, tội lỗi, thế gian mà luôn luôn hiện hữu, thì việc thực thi Lời Hứa của Thiên Chúa là “ban ơn cứu độ” cho thế nhân thì không bao giờ chậm trễ, lâu dài, và vô vọng, bởi vì, Đêm nay, Đêm Huyền Nhiệm, Đêm Cực Thánh, Đêm mà mọi tạo vật sũng sờ, ngỡ ngàng đến lú lẫn, Đêm mà Trời Đất giao hòa” xe chữ đầm”. Đêm mà mọi tinh tú chiếu sáng hơn, lung linh hơn, mầu nhiệm hơn, đêm mà nhưng tâm hồn trẻ rạo rực tình yêu đôi lứa, đêm mà những người có niềm Tin đang khao khát, chờ mong, đêm mà mọi sự Thánh thiêng dường như mở ra hết không còn che giấu nữa.
Vâng, đó là “Đêm Con Một Thiên Chúa giáng trần”.
Và kỳ diệu hơn, hấp dẫn hơn, huyền nhiệm hơn, đó là kỳ công Người giáng trần trong một hoàn cảnh “độc đáo”, có một không hai.
Vâng và thánh sử Luca là một thầy thuốc và văn sĩ, vì thế, Tin Mừng theo thánh Luca là Tin Mừng duy nhất ghi lại hoàn cảnh giáng sinh chi tiết của Đấng Cứu Thế. Có thể nói, là một đặc trưng riêng của thánh sử Luca, cũng như chỉ có thánh Mat-thêu mới ghi lại gia phả của Đấng Cứu Thế, dù thánh Cả Giu-se là Dưỡng Phụ, nhưng Chúa Giê-su “phải mang” dòng tộc vua Đavit, vì thánh Giu-se thuộc dòng tộc vua Đavit.
Như vậy, Lễ Giáng Sinh là Lễ của “TÌNH YÊU”, chứ không phải là ngày Valentine là ngày lễ của tình yêu nam nữ. Một tình yêu lạ lùng xuất phát từ Thiên Chúa qua Ngôi Lời Nhập Thể.
Vâng và xin mời quý vị chiêm ngắm, suy niệm một tình yêu ấy qua trang tin Mừng (Lc 2,1 -14)nhé, vâng, quang cảnh ấy là một Hang Đá huyền nhiệm.
“ Thời ấy, hoàng đế Au-gut-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ry-a .Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-za-ret, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê là thành vua Đa-vit , vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vit .Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật .Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng .Nhưng, sứ thần bảo họ :”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng của toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vit. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu nầy mà nhận ra Người : Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” .Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
“VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN CÁC TẦNG TRỜI,
BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG ”.
Đó là Lời Chúa.
Lạy Chúa Ki-tô ngợi khen Chúa.
Vâng, và như vậy một hình ảnh hang đá hiện ra, và Ngôi Lời Nhập Thể đã giáng sinh, một mầu nhiệm quá dỗi kỳ diệu, mà loài người cùng muôn vật không thể nói nên lời.
Vì thế, Đêm Giáng Sinh, Đêm mà muôn tạo vật ngóng chớ, mong đợi, nhưng lại thờ ơ, lạnh lùng, không cất nên lời, im hơi lặng tiếng.
Đêm, mà thay vì đón rước, tung hô, tôn thờ một Hài Nhi là chính Đấng Tạo Thành hạ mình, xuống thể để cứu độ nhân loại, thì họ lại ngoẳnh mặt làm ngơ, câm điếc, mù lòa, què quặt, và lú lận, trong men say của rượu bia, của chè chén, chối từ không tiếp rước kẻ khó nghèo.
Tại sao vậy? Thưa , quý vị.Thưa, bởi vì, Đấng họ mong đợi phải là được sinh ra trong cung điện nguy nga, con của một người quyền thế, ít là đức vua và hoàng hậu của họ tại một cung điện, lâu đài nào đó.Họ không tin rằng, Một Vị Cứu Tinh, một Đấng Thiên Sai, một Đấng Messia theo ý họ, phải uy nghi hùng dũng, xuất hiện một cách phi thường.
Nhưng, quả thật, Hài Nhi Giê-su xuất hiện còn phi thường gấp muôn lần họ tưởng tượng. Bởi vì sao, thưa quý vị ? Thưa, bởi vì, Thiên Chúa không theo đường lối của thế gian, một đường lối, mà hoàn toàn ngược với thế gian, và như vậy, đường lối ấy chính là Đường Lối Thánh giá, là Đường đau khồ, Đường Cứu Độ.
Ngôi Hai xuống thế làm Người mở đầu bằng một sự khó nghèo, một con đường hy sinh rốt ráo, bởi vì, chỉ có nghèo khó mà trung tín với Thiên Chúa mới chính là ”Con Đường “ Cứu Độ. Con Đường Cứu Độ là hành trình Thập giá, nhưng khởi sự là “MÁNG CỎ”, nơi thể hiện sự nghèo khó khởi sự, nơi khai sáng một mầu nhiệm lạ lùng.
Như vậy, hang đá, máng cỏ, nơi Con Thiên Chúa Giáng Sinh, đồng thời là nơi khai sinh ra một mầu nhiệm khó nghèo để Cứu Độ nhân loại. Đón mừng Lễ Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa cách đây 2020 năm, vừa bằng sự hữu hình là chính mầu nhiệm Nhập thể và Nhập Thế của Chúa Giê-su, đồng thời, tôn thờ mầu nhiệm hữu hình của Người sinh ra trong hang đá khó nghèo, nhưng, quan trọng hơn là Người đã “khai sinh” ra một hồng ân của sự khó nghèo, khởi sự là ”hang đá”. Điều mà, người Dothai cho là điên rồ, người Hy-lạp cho là khờ khạo. Hai dân tộc nầy, tiêu biểu cho nền văn minh và khôn ngoan của nhân loại lúc bấy giờ.
Như vậy, Thiên Chúa khước từ sự khôn ngoan của thế gian mà khai sinh ra một hành động bởi sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Theo đó, chúng ta thấy, Chúa Giê- su Giáng Sinh nơi hang đá Bê-lem, trong một cảnh cơ hàn, giá rét, nhưng, thật ra, Người sinh ra một mầu nhiệm Cứu Độ, mà đỉnh cao là THÁNH GIÁ.
Người chọn cho mình Thánh Mẫu Maria và Dưỡng Phụ Giu-se, là phương diện hữu thể, điều tự nhiên mà nhân loại nhìn thấy được. Nhưng, về siêu nhiên, thì điu ấy sinh ra một mầu nhiệm mà muôn đời ao ước, đó là “Mầu Nhiệm Tình Yêu”.
Tình yêu đích thực, hay là bản chất của tình yêu, đó là hy sinh, tự hiến, hay là hy tế, hy lễ. Mầu Nhiệm Giáng Sinh không phải chỉ là “ một Hài Sinh “ ra đời, bọc trong tã, một quang cảnh đơn sơ, mộc mạc, nghèo nàn, mà là ẩn chứa bên trong một mầu nhiệm cao cả. “Em Bé “ ấy, Hài Nhi ấy sinh ra cho chúng ta một sự cao vời khôn ví, đó là “ TÌNH YÊU”, mà không bạc vàng thế gian nào mua được./. Amen
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng,
Chúa đã đến thế gian, đã giáng sinh trong hang đá,
một quang cảnh rất lạ,
một ý định ngược dòng,
nhưng là một sự khôn ngoan tuyệt đối từ Thiên Chúa,
bởi vì, mầu nhiệm hang đá mở đầu cho ,
một mầu nhiệm vinh quang là Thánh giá,
mà không một giá nào của trần gian mua được.
từ đó, hang đá không phải là sự nghèo khó của Thiên Quốc,
mà là “sinh ra “ một kho tàng Nước Trời là ơn Cứu Độ./. Amen
Lễ Đêm GS 2020
Phê-rô Trần Đình Phan Tiến