“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống!”.
C. Ryle nói, “Đến như một tên cướp trên thập giá mà còn được cứu, thì không ai có thể cho phép mình tuyệt vọng. Và cũng chỉ bởi một người làm được điều đó, thì không ai có thể giả định cứu độ thay Ngài. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, Đấng ‘biến đổi và làm cho phong phú hơn!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, Đấng ‘biến đổi và làm cho phong phú hơn!’”. Ý tưởng của J. C. Ryle được xác nhận qua Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu trả lời cho người Sađuccêôvề việc sống lại. Qua đó, Ngài tiết lộ, tình yêu không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’.
Kịch bản lố lăng mà những người Sađuccêô đưa ra để gài bẫy Chúa Giêsu là một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em có chung một người vợ; câu hỏi đặt ra là, “Đến ngày sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ ai?”. Đặt vấn đề như thế, họ tìm cách dèm pha những ai đặt niềm tin vào một thế giới bên kia sau khi chết; họ thách thức Chúa Giêsu rằng, bất kỳ niềm tin nào vào một loại thế giới sau thế giới này thì điều đó trông có vẻ nực cười! Với sự điềm tỉnh, Chúa Giêsu trả lời, “Con cái đời này, cưới vợ lấy chồng, con cái đời sau thì không!”; nói cách khác, hôn nhân chỉ thuộc thời đại này, nó không thuộc thời đại phục sinh.
Từ câu trả lời, Chúa Giêsu cho biết, sau cuộc sống đời này, là một cuộc sống khác, chất lượng hơn, thiêng liêng hơn. Đó là một cuộc sống nói lên sự liên tục của một tình yêu nơi một Thiên Chúa đời đời. Tình yêu – dù của Thiên Chúa hay của loài người – thì không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’. Chúa Giêsu cho biết, sau cuộc sống đời này, chúng ta sẽ sống một cuộc sống bất tử; vì lẽ, “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”. Ngài là bạn các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp khi họ còn sống; và tình bạn này không thể chấm dứt bởi cái chết. Họ gọi Thiên Chúa là Đá Tảng ngàn năm bền vững như Thánh Vịnh đáp ca xác thực, “Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!”. Nghĩa là các tổ phụ đã chết hàng trăm năm trước vẫn sống; rõ ràng, tình yêu Thiên Chúa dành cho các ngài không chết, nó chỉ ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’.
Cũng vậy, Chúa Kitô Phục Sinh cũng ở trong sự liên tục với một Giêsu đã chết và đã sống lại. “Đức Kitô, hôm qua cũng như hôm nay, chỉ là một”. Tuy nhiên, Giêsu đó cũng phải trải qua một sự biến đổi từ cõi chết để vươn tới cõi sống vĩnh cửu. Sau phục sinh, Ngài hiện diện với những người khác theo một cách khác; Ngài tiếp tục gọi họ bằng tên. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta được lôi kéo đến gần Ngài; và khi lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, Ngài cũng lôi kéo chúng ta đến gần nhau. Cũng thế, sau khi chúng ta chết, Thiên Chúa vẫn ở trong mối quan hệ cá nhân với chúng ta; bằng cách đó, chúng ta có thể yên tâm rằng, những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta sẽ không bị cái chết phá hủy nhưng đó là một cuộc sống được ‘biến đổi và trở nên phong phú hơn!’. Điều này thật ý nghĩa khi chúng ta sống mầu nhiệm các thánh thông công trong tháng cầu cho các linh hồn.
Anh Chị em,
“Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”, mỗi ngày chúng ta sống với Chúa Kitô Phục Sinh. Vậy, cuộc sống của bạn đang hướng về đất hay hướng về trời? Hướng xuống thế gian hay hướng lên thiên đàng? Người Sađuccêô không thể hình dung về thiên đàng ngoài những gì họ có thể nhìn thấy bằng mắt! Không phải chúng ta cũng giống như họ sao? Chúng ta không nhận ra những thực tại tâm linh bởi chúng ta tìm cách biến thiên đàng thành một hình ảnh dưới thế. Khác nào người Sađuccêô, không ít lần lòng trí chúng ta dựa trên một thiên đàng ở trần gian, và Chúa Giêsu cho biết, đó là một sai lầm. Ước gì bạn và tôi, chúng ta luôn sống như những con cái Chúa, không chỉ tin vào hạnh phúc Chúa hứa mai ngày, nhưng ngay hôm nay, khi chúng ta sống yêu thương, quảng đại; sống mầu nhiệm phục sinh thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang kéo dài một Giêsu, một Giêsu Phục Sinh đang sống và hằng sống.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhìn vào cách sống của con, chớ gì người ta biết có ‘một Ai Đó’ đang ‘biến đổi’ con và làm cho con ‘phong phú hơn!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)