Hôm nay chúng ta cửa hành ngày đầu tiên của Tam Nhật Thánh, ngày Chúa chết. Có người hỏi : Thánh sao được khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên Chúa, ngày đại tang của Giáo hội kia mà? Thưa, vì qua cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót bao la đối với nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Ngày này là ngàychiến thắng của Thập Giá, chính từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta người mẹ tuyệt hảo nhất của chính Chúa là : Đức Maria, tha thứ cho những kẻ giết Chúa và lòng tin cậy vào Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta đã nghe thấy những điều nói trên trong Bài Thương Khó Đức Chúa Giêsu theo thánh Gioan, hiện diện trên đồi Calvariô có Mẹ Người là Đức Maria, cùng với một số phụ nữ thánh thiện khác. Đây là một trình thuật giầu tính biểu tượng, mọi cử chỉ, lời nói, hành động đều có ý nghĩa. Ngay cả sự thinh lặng và chay tịnh của Giáo hội hôm nay cũng giúp chúng ta sống bầu khí cầu nguyện, ý thức rõ về hồng ân mà chúng ta đang cử hành.
Trước mầu nhiệm cao cả này, chúng ta được mời gọi để nhìn lên phía trước. Niềm tin của chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa, không phải là tôn thờ một Thiên Chúa trừu tượng xa vời chúng ta không biết, nhưng là liên đới với một Ngôi Vị sống động là Chúa Giêsu, con Thiên Chúa làm người, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đấng Vô Hình đã nhập thể làm người trong thế giới hữu hình, đã sống trọn thân phận con người cho đến chết và chết trên thập tự. Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết cứu chuộc, một cái chết mang lại sự sống cho loài người. Cái chết ấy chính là của lễ cao cả dâng lên Chúa Cha, được Chúa Cha ưng nhận đã trở nên giá chuộc cho nhiều người. Những người đứng bên Thánh Giá đã chứng kiến và sống, đồng thời truyền lại cho chúng ta, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của cái chết này.
Chúng ta hay đem lòng ngưỡng mộ và biết ơn. Chúng ta biết cái giá của tình yêu : “Không có tình yêu lớn lao hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Kinh nguyện Kitô giáo không chỉ là cầu xin, mà trên hết vẫn là để ngưỡng mộ với lòng biết ơn.
Chúa Giêsu, đối với chúng ta, là mẫu gương cho chúng ta học đòi bắt chước, nghĩa là được tái hiện trong ta. Chúng ta phải là những người yêu thương đến thí mạng sống mình và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha trong mọi hoàn cảnh.
Điều này trái ngược với bầu không khí thờ ơ của xã hội hôm nay; chính vì thế chúng ta phải là những chứng nhân dũng cảm hơn bao giờ hết, vì tất cả là hồng ân. Như Mêlitô thành Sarđi nói : “Người làm cho chúng ta từ nô lệ sang tự do, từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự chết cho đến sự sống. Người là Lễ Vượt Qua cứu độ chúng ta”.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc thế gian. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ