“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”, chân lý ngàn đời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, một lần nữa, thể hiện đậm nét tính cách của Thiên Chúa qua các bài đọc hôm nay. Trước lòng từ bi đó, người ta có thể đặt câu hỏi, như vậy “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’. Câu hỏi này sai; bởi lẽ, Thiên Chúa khác con người; công bằng của Thiên Chúa là xót thương.
Ngôn sứ Mika cho thấy điều đó, “Chúa thương xót chúng tôi, dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”. Thiên Chúa yêu dân Người, và dân ngoại có thể hỏi, như thế “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Tin Mừng hôm nay, ‘kiệt tác’ của Luca, nói đến một người cha vô cùng từ bi khi chia gia tài cho các con dù ông biết, con thứ sẽ ra đi; và vô cùng nhân hậu khi ông đón nó trở về vì ông hằng hy vọng. Bởi lẽ, với ông, nó ‘chưa bao giờ không phải là con’; và không ai có thể lấy đi sự thật đó, kể cả ma quỷ! Người con cả không chấp nhận điều đó và tự hỏi, như vậy “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Có công bằng không khi người cha giết con bê đã vỗ béo và tổ chức một bữa tiệc linh đình để chào đón đứa con ngỗ ngược trở về? Có công bằng không khi con cả, một đời trung thành, mà cũng một người cha đó, dường như không bao giờ cho anh một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn? Thật dễ dàng để chúng ta sống theo cách mà mọi thứ trở nên “công bằng”, đang khi sự rộng lượng của Thiên Chúa vượt xa những gì được coi là công bằng. Như vậy, nếu muốn thông phần vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, chúng ta còn phải ‘học cách vui mừng’ khi thương xót quá độ như Người nữa; như thế “Có công bằng không?”, ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Hành động xót thương của người cha dành cho đứa con hư đốn chính là điều nó đang thật sự cần. Nó cần biết cha nó vẫn yêu nó và ông quá đỗi vui mừng khi nó trở về, bất kể quá khứ nó thế nào. Vì vậy, nó cần chứng kiến ‘tầm lớn lao’ của lòng thương xót nơi cha để bảo đảm cho nó rằng, cha nó yêu nó; nó cần thêm những ‘an ủi chưa từng có’ này để có thể thuyết phục nó rằng, nó đã lựa chọn đúng đắn khi trở về. Người con cả, bao năm chung thủy nhưng sự bất mãn của anh đến từ một sự thật tiềm ẩn rằng, bản thân anh đang thiếu một lòng thương xót ở ‘tầm lớn lao’ như trái tim cha anh đang có. Anh không yêu đứa em đến mức như cha và do đó, không thấy cần đưa ra một lời an ủi nào cho em để đứa em hiểu rằng, nó đã được tha thứ, đáng được chào đón và thật đúng khi chọn lựa trở về. Ai khao khát nhận được lòng thương xót, người ấy sẵn sàng tặng trao nó cho kẻ cần nó nhất; ân sủng không phải là công bằng, đó là sự hào phóng đến mức gây sốc.
Rembrandt đã để lại tuyệt phẩm của mình là bức “Cuộc Trở Về Của Đứa Con Hoang Đàng”. Nhìn kỹ bức tranh, các nhà phân tích thấy được sự tinh tế của nhà danh hoạ. Trên đôi vai gầy guộc của người con là bàn tay trái cứng cáp của người cha, các ngón xoè ra ôm vai và lưng nó; nhất là ngón cái, nói lên sự cương nghị như thầm bảo, “Can đảm lên, đã có cha, đừng sợ gì!”. Tay phải của ông lại khác hẳn, đó là bàn tay của một người mẹ; nhỏ nhắn, thon thả; các ngón khép lại rất thanh lịch, dịu dàng đặt nhẹ lên vai và lưng của đứa con như nâng niu, như vỗ về. Ngoài ra, một điều thú vị khác, bàn tay nhu mì đầy tình mẹ đó lại ở cùng phía chân trần thương tích của đứa con, đang khi bàn tay nam tính lại ở phía chân có mang dép; điều đó muốn nói lên rằng, bàn tay mẹ sẽ xoa dịu phần yếu đuối; và bàn tay cha lại khuyến khích chút nỗ lực còn lại dù ít ỏi ‘ước muốn sống một đời sống mới’ của nó. Và độc đáo nhất, nhìn thật kỹ, chúng ta thấy đây là ‘một cuộc sinh lại’, chiếc đầu của đứa con hoang đàng ‘nhớp nháp’ khác nào chiếc đầu của một thai nhi mới lọt lòng.
Anh Chị em,
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”. Chúng ta không thể cảm nghiệm được điều đó, nếu chưa trải nghiệm ít nữa một lần bản thân mình lỗi lầm mà được thứ tha. Vâng, chúng ta quá lỗi lầm; không là con thứ, lắm lần chúng ta là con cả; không là đứa con hư hỏng trên đây, chúng ta cũng là những đứa con chỉ muốn em mình đi cho khuất mắt. Sự hư đốn của con người không phá đi chức vị làm con Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc nó; sự hư đốn của con người cũng không huỷ hoại tình huynh đệ giữa những con người. Cả hai đứa con hôm nay đều ở ngoài nhà cha; con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi; con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào. Sám hối là ‘sự trở về’ của con thứ, là ‘sự trở vào’ của con cả; sám hối là không còn đặt ra những câu hỏi như vậy “Có công bằng không?”; ‘câu trả lời đúng, đó là một câu hỏi sai’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa quá thương xót con, xin giúp con biết tặng trao lòng thương xót cho những người đáng xót thương nhất; nhờ đó, con sẽ không bao giờ dám đặt ra những câu hỏi sai lầm”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)