“Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật khó tin, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến thiên đàng. Sách Khải Huyền nói đến thiên đàng đã đành, nhưng quang cảnh đền thờ của trình thuật Tin Mừng cũng nói đến thiên đàng; hay ít nữa, có một con người đã ‘chạm ngưỡng thiên đàng’ mà chỉ một mình Chúa Giêsu phát hiện.
Những gì sách Khải Huyền mô tả thực sự là quang cảnh của chốn bồng lai, “Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi bốn ngàn người mang tên Con Chiên; và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ”; Gioan còn nghe cả tiếng réo rắt của nhạc đàn hoà với tiếng du dương của nhạc nước, quyện nhịp với những lời sốt mến ngợi khen, “Tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy; họ hát bài ca vãn mới trước toà”; “Họ là của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và Con Chiên”. Niềm hân hoan của những con người thuộc trọn về Thiên Chúa phớn phở trong Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài”.
Ngỡ ngàng hơn, Tin Mừng hôm nay bất chợt cho thấy Chúa Giêsu cũng ‘khá tò mò’ dẫu Ngài là một con người kín đáo và tế nhị; thế nhưng, đó là sự thật, “Bà goá nghèo khó này đã bỏ nhiều hơn hết”. Ai đời nào, vào đền thờ, vừa giảng dạy, Ngài lại vừa chăm chút nhìn thiên hạ bỏ tiền vào hòm. Thật thú vị, Chúa Giêsu đã thấy nhiều hơn những người khác; Ngài nhìn thấy những trái tim, những trái tim nhuốm nặng bụi trần, nhưng cùng lúc, cả một trái tim ‘chạm ngưỡng thiên đàng’.
Trước hết, Ngài nhìn thấy những trái tim cõi tục; ở đó, vì ham muốn, con người có xu hướng bị của cải quyến rũ; với những bận tâm, con người bị của cải nô lệ hoá. Chúa Giêsu nhìn thấy trái tim của những người giàu cố sức vắt kiệt nhưng chỉ có thể bủn xỉn rỉ ra ‘một vài giọt’ từ sự an toàn của họ, một cử chỉ không đau đớn cũng không mấy khó khăn. Làm được điều đó, họ nghĩ, họ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Thiên Chúa; họ ấm lòng và tự mãn; số khác, thậm chí dương dương tự đắc vì đã cống hiến nhiều. Thế nhưng, nhưng hành động của họ không thực sự có ý nghĩa tự hiến; họ dâng cúng như một thói quen mà lòng vẫn ơ hờ; sự cho đi của họ, vì thế, thiếu tình yêu.
Vậy mà cũng ở đó, Chúa Giêsu còn nhìn thấy một trái tim khác, trái tim của một bà goá nghèo; trái tim của bà giờ đây đã bớt phụ thuộc vào gia đình hoặc bạn bè để tuỳ thuộc nhiều hơn vào Thiên Chúa; bà đã cho đi thật nhiều, cho đi cái để nuôi sống; cái để nuôi sống có thể là cơm bánh, cũng có thể là máu, là cái làm nên sự sống; nói khác đi, bà cho đi chính sự sống. Bà đã cho đi bản thân với một trái tim buông bỏ để tòng thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng bà tin tưởng vì bà biết, chính Người sẽ tiếp tục chăm sóc bà. Bà không trông mong gì hơn là được thuộc về Thiên Chúa và đó là ‘chạm ngưỡng thiên đàng’, hoặc sâu hơn, được ở trong Thiên Chúa, và đó chính là thiên đàng; chính Thiên Chúa sẽ là sự giàu có của bà. Vì thế, sự cho đi của bà thật thanh thản và đằm thắm, một sự cho đi không tuyệt vọng nhưng tràn đầy hy vọng; một niềm hy vọng nơi một con người hiểu biết một cách sâu sắc rằng, Thiên Chúa yêu thương bà khôn xiết! Và như thế, đích thị bà là dòng dõi tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa, bà đã ‘chạm ngưỡng thiên đàng’ và hơn thế nữa.
Trên đồi Calvario, anh trộm lành đã bị đóng đinh xuyên cả hai tay và một cái đinh đóng chặt đôi chân khiến anh không tài nào nhấc tay hay chân về phía cứu rỗi; anh chỉ mới ‘chạm ngưỡng thiên đàng’. Thế nhưng, trái tim anh rộng mở và Chúa Giêsu đã kịp ném vào đó cho anh một quà tặng của Chúa Trời; một tấm hộ chiếu đưa anh vào thiên đàng.
Anh Chị em,
Mỗi lần đến với Thánh Lễ, chúng ta ‘chạm ngưỡng thiên đàng’; mỗi lần rước Chúa Thánh Thể, chúng ta hưởng trọn thiên đàng; Carlo Acutis quả có lý khi nói, “Thánh Thể là đường lên thiên đàng của tôi”. Thế nhưng, cùng với bánh rượu trên đĩa thánh hôm nay, chúng ta sẽ đặt vào đó những gì? Của dư thừa hay những gì chúng ta đang cần để nuôi sống? Thời giờ, tài năng, những hy sinh… đó có phải là những gì Thiên Chúa đang chờ đợi và những gì tha nhân đang mỏi mong?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết, thiên đàng không ở đâu xa nhưng ở ngay đây, khi con tập chú vào một mình Chúa để biết yêu thương, để dám cho đi; khi con thuộc trọn về Ngài mỗi ngày, và như thế, không chỉ ‘chạm ngưỡng thiên đàng’, con đã ở trong thiên đàng, ngay hôm nay”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)