CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI

“Người này là lợi khí Ta đã chọn”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong lịch sử lâu dài của Hội Thánh, không cuộc trở lại nào có kết quả lớn hơn cuộc trở lại của Thánh Phaolô. Trước khi trở lại, Phaolô không có thiện cảm với Hội Thánh; ông ra sức bắt bớ Hội Thánh; rất có thể, ông đã ném đá vào đầu phó tế Têphanô đến chết. Nhưng Phaolô đã thay đổi; đúng hơn, Chúa đã thay đổi Phaolô vào một ngày cụ thể. Cũng vào ngày đó, Kitô giáo thay đổi; khi đường lối của Kitô giáo thay đổi, thế giới cũng thay đổi. Thật khó để nhấn mạnh quá mức ảnh hưởng của ngày lễ hôm nay, lễ kính một con người, một vị thánh đã ‘có thể thay đổi thế giới’.

Để hiểu tầm quan trọng của một sự kiện lớn nhỏ, hãy xét xem mọi thứ sẽ như thế nào nếu sự kiện đó đã không bao giờ xảy ra. Đây là tiền đề đằng sau bộ phim “It’s a Wonderful Life”, “Đó Là Một Cuộc Sống Tuyệt Vời” của đạo diễn Frank Capra; Capra so sánh cuộc sống thực tế với một kịch bản giả định “nếu như thế, điều gì sẽ xảy ra?”. Điều gì sẽ xảy ra nếu Phaolô vẫn là một biệt phái nhiệt thành? Nếu Phaolô chưa bao giờ trở lại? Chưa bao giờ viết một lá thư? Chưa bao giờ xuống tàu cho một hành trình truyền giáo? Điều đó có thể giả định một cách thuyết phục rằng, bản thân thế giới, không chỉ riêng Giáo Hội, có lẽ sẽ trông rất khác nếu không nói là ‘khá xa lạ’ so với ngày nay. Có lẽ, Kitô giáo sẽ vẫn giới hạn ở Palestine trong nhiều thế kỷ nữa, trước khi lan ra Âu Châu rộng lớn; có thể, Kitô giáo đã rẽ phải thay vì rẽ trái, và tất cả Trung Hoa, Ấn Độ sẽ theo văn hoá Công giáo như Âu Châu ngày nay. Không thể nói được! Nhưng những tác động quy mô toàn cầu do việc Phaolô cải đạo cho thấy ý nghĩa của việc trở lại nơi một con người vốn đã ‘có thể thay đổi thế giới’! Tại sao? Bởi lẽ, Phaolô là một con người quá say mê Đức Kitô, “đã là lợi khí” được chính Ngài chọn.

Các chi tiết về cuộc trở lại của Phaolô được nhiều người biết đến, dẫu Công Vụ Tông Đồ không nói rõ, nhưng các nghệ sĩ thích lấy lại hình ảnh Phaolô bị ném khỏi yên ngựa trên đường đến Đamas. Đang khi còn sững sờ trên nền đất, Phaolô nghe tiếng Chúa Giêsu, “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”, chứ không nghe, ‘Sao ngươi bắt bớ những người theo Ta?’. Rõ ràng, Chúa Giêsu và Hội Thánh là một; bắt bớ Hội Thánh là bắt bớ Chúa Kitô; Ngài là đầu và Hội Thánh là thân mình. Phaolô không trở lại để yêu mến Chúa Giêsu và nói rằng Hội Thánh chỉ là một công trình tình cờ của con người đã ngăn cản ông khỏi Chúa. Tất nhiên là không! Phaolô tin điều đúng đắn mà các Kitô hữu đã tin trong nhiều thế kỷ, và vẫn tin cho đến ngày nay. Yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Hội Thánh và ngược lại; không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại coi thường thực tế lịch sử về cách thức Người thông chia sự sống thần linh cho chúng ta. Hội Thánh không chỉ là phương tiện chuyên chở mặc khải của Thiên Chúa, nhưng Hội Thánh thực sự là một phần trong sự mặc khải của Người; và nhất là với Chúa Giêsu, Hội Thánh vẫn ‘có thể thay đổi thế giới’.

Một Kitô hữu không biết mình đi đâu, với ai, làm gì… khác nào cô bé Alice trong câu chuyện cổ tích “Alice Ở Xứ Thần Tiên”. Trong cuộc trò chuyện giữa cô bé và con mèo Cheshire, Alice hỏi, “Bạn vui lòng cho tôi biết, tôi nên đi con đường nào từ đây?”; “Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nơi bạn muốn đến”, con mèo nói. Alice bảo, “Tôi không quan tâm lắm”; “Vậy thì bạn hãy đi theo con đường nào không quan trọng!”, con mèo trả lời.

Anh Chị em,

Hoàn toàn khác với câu chuyện của Alice lẻ loi trong xứ sở diệu kỳ, câu chuyện hoán cải của Phaolô tiết lộ rằng, Kitô hữu là người dò dẫm tìm đường dẫn đến Thiên Chúa; đến với Chúa, chúng ta không đi một mình nhưng đi với tư cách thành viên của Hội Thánh vì chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô ngay khi được rửa tội. Cũng thế, khi đến với chúng ta, Chúa Giêsu không đến một mình; Ngài đến với Mẹ Maria, các thiên thần, các thánh của Ngài; Ngài đến với các giám mục, linh mục, các bí tích, giáo lý, kinh nguyện và lời ca tiếng hát. Chúa Giêsu đến với Hội Thánh vì Ngài và Hội Thánh là một; cũng bằng cách đó, Phaolô đã đến với Thiên Chúa. Cũng bằng cách đó, ngày nay, chúng ta đến với Chúa Cha; và như Phaolô, con người say mê Chúa Giêsu, thì với Chúa Giêsu, chính chúng ta cũng ‘có thể thay đổi thế giới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hôm nay, kết thúc tuần cầu nguyện cho các Giáo Hội Kitô hiệp nhất, xin cho con có một tâm hồn hoán cải như Phaolô để có thể hiệp nhất với Chúa, với anh em, với linh hồn con; cho con đáp lại Chúa cách trọn vẹn, sâu sắc hơn; nhờ đó, với Chúa Giêsu và Hiền Thê của Ngài, con cũng có thể hoán cải, hiệp nhất và cũng ‘có thể thay đổi thế giới’. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts