CON CÀNG KHỐN KHỔ, NGÀI CÀNG GẦN CON

“Thiên Chúa là tình yêu, Người yêu thương chúng ta trước”;

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

Đọc lại hạnh của bất cứ vị thánh nào, chẳng hạn Thánh Augustinô hôm nay, chúng ta thấy có cái gì đó hao hao với cuộc đời mình. Ở đó, ánh sáng xen bóng tối, chín chắn đan ngông cuồng, mạnh mẽ chen yếu nhược, nồng nàn quyện dửng dưng, thánh thiện pha tội lỗi, thiên thần lẫn ác quỷ… Vậy mà, với Thiên Chúa, không cuộc đời nào là bỏ đi, chẳng linh hồn nào không đáng cứu chuộc. Thiên Chúa hằng đi tìm con người, vì Người là tình yêu, Người yêu thương chúng ta trước; ai trở về với Người, Người sẽ vác trên vai, vì “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Augustinô, con người được yêu; đúng hơn, một linh hồn được cứu. Như bao con người, chàng khát vọng, một khát vọng cháy bỏng, khát Chân Thiện Mỹ; Augustinô lao mình đi tìm. Là một giáo sư tu từ học chuyên về hùng biện, mười chín tuổi, chàng mê say các triết thuyết tại thành phố của các triết gia, Milan; ở đó, đã một thời, con người tài hoa này chạy theo lạc giáo; cũng tại chốn phồn hoa ấy, Augustinô vùi mình vào những cuộc vui thâu đêm để rồi, mệt mỏi trong vô vọng, thừa mứa trong chán chường và trống rỗng trong hư vô. Chàng trai trẻ cảm thấy luống công vì chẳng tìm được gì. Augustinô viết, “Con trở thành điều bí ẩn quá lớn đối với chính con; con tự hỏi lòng mình, ‘Tại sao mi buồn, và tại sao mi làm ta buồn?’, nhưng nó không trả lời. Rồi khi con nói, ‘Hãy cậy trông vào Chúa’, nó cũng giả vờ không nghe; vậy mà, ‘Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con’”, vì Ngài luôn đi bước trước.

Mười tám năm trường rong ruổi chạy tìm hạnh phúc, Augustinô khác nào chú nai khờ khạo một sáng kia, vụt chạy tìm hương cỏ lạ, chạy mãi đến chiều… và khi trời tối, sa xuống lũng sâu; trong cơn hấp hối, nai chợt nhận ra mùi dạ thảo trong túi xạ hương trước yếm ngực mình, nhưng đã muộn. Với chú nai kia, đã muộn; với Augustinô thì không, bởi lẽ, chàng đã kịp chộp được sợi thừng thương xót từ trời cao thòng xuống khi Thiên Chúa sai Thánh Ambrôsiô, một người cha, một người thầy kịp chỉ cho cậu đường về; bên cạnh đó là sự kiên trì cầu nguyện bảo ban của người mẹ đạo đức, Mônica. Augustinô viết, “Chính lúc đó, tay Ngài đã giựt con khỏi bùn nhơ và rửa sạch, nhưng con không hay biết. Phần con, con cảm nhận, con càng khốn khổ, Ngài càng gần con”. Nhìn lại quảng đời đã đi, Augustinô tâm sự, “Lạy Chúa, con thật xấu hổ khi mải tìm Chúa nơi các tạo vật, đang lúc Chúa, Đấng Tạo Thành, là ánh sáng, là hương thơm, là vẻ đẹp rạng ngời đang ở trong con. Con thật mù loà, điếc lác khác nào chiên lạc bao lần xa đàn khiến Chúa phải vất vả đi tìm”. Augustinô trải nghiệm, khi con người vừa cất bước đi tìm Chúa, thì đã từ lâu, Người đã cất công kiếm nó; khi nó vừa đặt chân xuống dòng suối tìm lên ngọn nguồn thì chính dòng nước yêu thương đã ôm chầm dưới chân nó.

Một khi đã ý thức được tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu luôn đi bước trước của Đấng rạng ngời có tên là Chân Thiện Mỹ, Augustinô bỏ hết mọi sự và buông mình để được cuốn hút về Người, một sự cuốn hút còn mãnh liệt hơn, nồng nàn hơn gấp bội những gì đã cuốn hút người trai trẻ lúc thiếu thời. Augustinô hối tiếc vì đã hoang phí thời gian, “Thật quá trễ để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ xa xưa, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết. Chúa gọi con, Chúa la to, thét gào vào sự ngơ khờ của con; Ngài lấp lánh, rực chiếu vào sự mù loà chệch choạc của con; Ngài thở hương thơm, con hít lấy và con khao khát Ngài. Con nếm thử, và nay, con đói, con khát. Ngài chạm con và con bị thiêu đốt bởi khát khao bình an của Ngài”. Để rồi, Augustinô kết luận, “Lãng quên Thiên Chúa, có nghĩa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa, có nghĩa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa, có nghĩa là sống”. Thật may, “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con”.

Anh Chị em,

Lòng người thật tráo trở nhưng lòng trời mãi bao la. Hãy xin ơn trở về vì biết rằng, có một Đấng đang đợi mình; hãy biến sai lầm nên thống hối, biến khổ đau thành hy lễ, biến hành động nên ân phúc và biến tiếc xót thành nguồn vui với xác tín, “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết gieo mình vào tay Chúa để được Chúa xót thương, băng bó, chữa lành và nâng lên”.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts