Thứ Tư (Mt 8, 28-34)
Chúa Giêsu đến với người dân miền Giêrasa, nhưng họ đã khước từ Người. Chúa đã thực hiện dấu lạ chữa lành hai người bị quỷ ám và cho quỷ nhập vào đàn heo. Chúa giải thoát hai con người khỏi quyền lực ma quỷ và giải phóng dân làng khỏi nỗi sợ hãi trên con đường mà trước đây “không ai dám qua đường ấy”, nhưng họ đã xin Người rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế có lẽ vì sợ phải gánh chịu thêm những thiệt hại vật chất do sự hiện diện của Chúa. Họ vẫn biết uy quyền trổi vượt của Người, nhưng lại tiếc đàn heo, sợ mất mát của cải vật chất. Họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và như thế, họ đánh mất nhiều điều lớn lao hơn nữa.
Và ta thấy việc trừ quỷ này thật ‘đắt đỏ’: để chữa lành cho hai người, mất toi cả đàn heo! Phản ứng của dân thành cũng thật quyết liệt: xin Người rời khỏi vùng đất của họ, bởi vì biết đâu Người chẳng chữa thêm vài người bị quỷ ám nữa, và họ lại có thể phải mất thêm vài đàn heo khác! Bậc thang giá trị của họ thật rõ ràng: đàn heo quý hơn sinh mạng con người. Hình như nhiều lúc chúng mình cũng cư xử y như dân thành Gadara đó thôi! Coi trọng vật chất hơn con người, quyền lợi của mình hơn cả sự sống của người khác. Có thể không đến nỗi “đốt nhà hàng xóm chỉ để luộc chín một quả trứng” như phát biểu của một nhà văn, thế nhưng, chúng mình cũng thật ích kỷ khi chấp nhận tình trạng ai chết mặc ai, miễn là quyền lợi, tài sản tôi không xuy xuyển chút nào!
Phép lạ vừa được kể lại cho chúng ta có thể bị chúng ta coi như hơi kỳ quặc. Lúc ấy Chúa Giêsu muốn giải thoát cho hai người bị quỷ ám. Hai người này đã khuấy động đời sống dân làng vì không ai dám lại gần họ và qua lại lối ấy.
Thật là ý tưởng ngộ nghĩnh khi cho bọn quỷ nhập vào bầy heo và khiến chúng lao xuống biển! Chẳng lẽ Chúa Giêsu không có thể làm cách khác sao? Tại sao Chúa đã không đơn giản ra lệnh cho các thần ô uế buộc chúng phải cút đi ngay? Khi cho quỷ nhập vào bầy heo. Người đã làm cho dân chúng nơi đó phải sợ hãi. Những người chủ bầy heo hẳn đã phát điên lên khi nhìn đoàn vật chết chìm dưới biển. Kết cục là họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
Ma quỉ dường như muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su và có thể nói, ma quỉ muốn đề nghị với Người ứng xử theo nguyên tắc “nước giếng không phạm nước sông: “Hỡi con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?” Nhưng Chúa Giêsu là sự sống chiến thắng sự chết, vừa được diễn ta bằng biến cố Người vượt qua biển hồ, chiến thắng sóng to gió lớn, vốn là biểu tượng của sự chết. Chúa Giêsu đi tới đâu sự chết bị đánh tan đến đó, giống như ánh sáng đánh tan bóng tối. Chúa Giêsu còn là Ngôi Lời sáng tạo (Ga 1, 3).
Ta hãy nhìn ngắm hình ảnh rất ngoạn mục : đạo binh qủi, đàn heo, từ sườn núi lao xuống biển và chết hết. Đó chính là nơi chốn và năng động của ma quỉ : thú tính, bạo lực và sự chết ; chứ không phải là nhân tính, hiền lành và sự sống.
Chúa đến giải thoát con người khỏi thần ô uế, khỏi thú tính, khỏi bạo lực và sự chết. Nhưng ở một quan điểm khác, Ngài đến quấy nhiễu trật tự vốn là như thế của con người, của chúng ta, của cuộc đời tôi ; Ngài buộc tôi phải trả giá quá lớn, đến cả “bầy heo” ! Vì thế, người ta kinh ngạc, nhưng cũng thấy sợ hãi, mệt mỏi, phiền hà và mất mát ; nên họ mời Ngài đi nơi khác.
Theo Sáng Thế chương 1, Lời Thiên Chúa không chỉ sáng tạo từ hư vô, nhưng còn là đưa trật tự vào cõi hỗn mang, phá tan cái tình trạng hàm hồ bằng cách tách ánh sáng khỏi bóng tối, sự sống khỏi sự chết, nhân tính khỏi thú tính. Thật vậy, khi Ngài nói: “Đi đi!” Chúng (ma quỉ) liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo (thú tính).
Con người thường dễ có khuynh hướng như thế, thà khước từ Chúa hơn là khước từ vật chất; thà chấp nhận sống dưới sự cai trị của tội lỗi, miễn là được sung túc, tiện nghi, giàu có. Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa. Có nhiều lúc, con người thấy Chúa đáng sợ và không muốn Chúa đến gần mình, nhất là khi Người đòi họ phải từ bỏ, hay khi Người muốn trục xuất một tên quỷ dữ lâu nay đang trú ẩn trong họ.
Chúa có ý dạy ta điều này: để giải thoát con người khỏi sự dữ, đôi khi Chúa đòi người ta phải trả giá một chút cho ơn giải thoát ấy. Chắc chắn những người dân làng ấy mong cho hai người bị quỷ ám kia được cứu thoát. Nhưng muốn cho điều ấy xảy ra, mà họ đã không sẵn sàng chịu tốn công tốn của một chút.
Những gì xảy ra thời Đức Giêsu khi xưa, thì trong xã hội hôm nay cũng đã, đang và sẽ xảy đến với chúng ta. Thật vậy, vẫn còn đó những cám dỗ về tiền tài, danh vọng và xác thịt do ma quỷ gây nên. Vẫn còn đó những thửa đất và môi trường thuận lợi cho ma quỷ hoành hành. Những thửa đất đó là: ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, bất nhân nơi nhân tâm của con người.
Bên cạnh đó, hình ảnh chốn chạy của những người chăn heo vẫn còn tái diễn nơi những người thiếu trách nhiệm, sống vô kỷ luật và tán tận lương tâm. Và, vẫn còn đó hình ảnh những người sẵn sàng tin Chúa, nhưng không chấp nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời như dân thành khi xưa đã mời Chúa ra khỏi nơi ở của họ.
Những thứ mà con người hôm nay hay lựa chọn thay cho những giá trị Tin Mừng là: tiền bạc bất chính, danh vọng hư ảo, hận thù ghét ghen, ma men tối ngày, ma đề triền miên, ma xác thịt , quỷ dâm loạn … Mỗi lần chúng ta lựa chọn các điều xấu xa như thế, ấy là lúc hình ảnh những người trong thành ra đón Chúa nhưng lại không thích Chúa ở lại trong thành của họ vì biết bao điều khuất tất họ đang làm lại tái diễn cách sống động nơi chúng ta.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mời gọi chúng ta rằng “đừng sợ”. Đừng sợ Chúa Kitô, nhưng “hãy mở, hãy mở rộng cửa cho Người, […] vì Người chẳng bao giờ lấy mất cái gì của chúng ta. Người sẽ đem lại cho chúng ta muôn nghìn điều quý giá hơn bao giờ hết”.
Huệ Minh