“Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”.
Một nhà thơ cổ đã viết, “Thiên thần của Niềm Tin đi vào phòng tôi, vừa cất tiếng hát, vừa thổi sáo; những vị khách khác lần lượt ra đi. Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được sự hoà bình như vậy? Nhưng Thiên thần của Niềm Tin nhẹ nhàng nói, “Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể sống cùng tôi, Niềm Tin!””.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay cho biết, không phải một Thiên thần, nhưng chính Thiên Chúa vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ vào lòng chúng ta! Các bài đọc hôm nay xoay quanh việc lắng nghe các sứ điệp của Chúa. Isaia ước ao dân Chúa nghe tiếng Ngài qua các giới răn; Chúa Giêsu ước ao sứ điệp của Gioan và sự xuất hiện của Ngài được đón nhận!
Bài đọc Isaia tiết lộ những ‘giai điệu yêu thương’ của Thiên Chúa, “Ta là Chúa, Đấng phán dạy ngươi những điều hữu ích. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, công chính của ngươi sẽ như sóng biển”. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy làm tiếc vì Ngài ‘cất giọng’ mà xem ra, không ai thèm nghe! Ngài sánh họ như lũ trẻ ngoài chợ, phàn nàn với các bạn cùng chơi, “Chúng tôi thổi sáo, sao các anh không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các anh không khóc lên!”. Họ gán cho Gioan, một người bị quỷ ám; Chúa Giêsu, một bợm nhậu.
Với chúng ta, nếu không muốn nghe những gì Thiên Chúa nói ngang qua những con người và những tình huống trong cuộc sống, chúng ta sẽ dễ dàng hợp lý hoá để từ chối sứ điệp vì sự yếu đuối của người mang sứ điệp; và trong quá trình này, chúng ta từ chối Tin Mừng! Điều này thực ra, khá phi logic! Có người nói, “Một linh mục đã hét vào tôi khi tôi đi xưng tội; vì vậy, tôi không đến nhà thờ nữa”; khác nào việc một người từ chối dân chủ vì sự tham nhũng của một quan chức được bầu chọn một cách dân chủ!
Chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa bản chất sứ điệp yêu thương của Vương Quốc mà Chúa Giêsu đã để lại và cách thức sứ điệp đó được lưu truyền hằng thiên niên kỷ. Phaolô nói, chúng ta, Kitô hữu, mang sứ điệp Phúc Âm trong những bình đất sét, dễ vỡ, thường hay rò rỉ. Điều đó không quan trọng, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng, Thiên Chúa có thể ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho chúng ta ngang qua các phương tiện và các tác nhân ‘rất bất ngờ’. Có lẽ đúng khi nói, một số các thánh vĩ đại nhất có những điểm yếu nghiêm trọng nhất; thế nhưng, trên thực tế, nhiều người trong các ngài đã làm thánh ‘vì’ những yếu đuối của họ, và ‘nhờ’ những yếu đuối của họ!
Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, ai theo Chúa, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”; nghĩa là, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Chúa nếu thực sự biết nghe và thực hành sứ điệp yêu thương Chúa Giêsu mang đến. Rất ít người trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không cần phải ‘lọc nó’ qua lịch sử của người nói hoặc qua phong cách của người thuyết giảng. Là một người chia sẻ Lời Chúa, tôi có thể nói, khi tôi viết cho 20 người, sẽ có 20 thông điệp khác nhau được nghe. Và điều đó không có gì sai, với điều kiện, là mỗi người thực sự cố gắng lắng nghe những gì Thiên Chúa ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho mình.
Anh Chị em,
Thiên Chúa ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho chúng ta ngay giữa những tháng ngày đầy biến động này. Quả thật, qua cơn đại dịch, con người mới khiêm tốn đấm ngực để thú nhận sự bất lực của mình. Rõ ràng, không ai dù tài giỏi hay quyền lực đến đâu lại cho mình có thể vượt qua sự chết chóc do dịch bệnh. Chính Thiên Chúa đang điều hành lịch sử vũ trụ theo chương trình và kế hoạch của Ngài. Như thế, dẫu vạn vật có đổi thay, thì chỉ có một điều, là lòng thương xót của Ngài vẫn muôn đời bền vững. Chúa Giêsu vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho chúng ta mỗi ngày, trên các bàn thờ, qua Lời Ngài, qua các Bí tích, trong những người anh em, nhất là những ai đang khốn khổ. Chúng ta cần con mắt đức tin để nhận ra sự hiện diện của Ngài; Ngài sẽ cho chúng ta sống trong bình an để hoàn thành mục đích cao cả của mình ngay giữa những biến động, với điều kiện, làm sao chúng ta nghe được ‘những giai điệu yêu thương’ của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con nghe được điều Chúa muốn nói vào ngày bình an, cũng như ngày khốn khó. Con tin rằng, qua các biến cố, Chúa vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho linh hồn con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)