DẤU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật trùng hợp, bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến ‘một dấu’ khá lạ, dấu trên trán; Tin Mừng cũng nói đến ‘một dấu’ rất lạ, dấu trên trời; một dấu nơi người, một dấu nơi Chúa. Thú vị thay! Cả hai đều là ‘dấu của lòng thương xót’.

Sách Sáng Thế kể chuyện Thiên Chúa đoái nhận lễ dâng tốt lành của Abel và chối nhận lễ dâng, có lẽ ít tốt lành, của Cain; Cain đâm ra ghen tức, sa sầm nét mặt. Thấy trước điều đó, Người thương tình cảnh báo Cain, “Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó”. Cain bỏ ngoài tai, vẫn dẫn em ra đồng; ở đó, y giết em mình. Lại một lần nữa như Ađam, Cain đã không vâng lời Thiên Chúa; lẽ ra Cain phải chết. Chúa nguyền rủa Cain, đuổi ông khỏi địa đàng, lang thang trên mặt đất. Cain thưa, “Ai gặp tôi, sẽ giết tôi”; Chúa bảo, “Không đâu!”, và “Chúa ghi trên trán Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn”. Phải chăng, đó là ‘dấu của lòng thương xót’?

Marcô hôm nay cho thấy một chi tiết khá lạ lẫm nơi Chúa Giêsu, Ngài ‘thở dài não nuột’ trước sự cứng lòng của biệt phái khi họ đòi một dấu lạ từ trời, ngụ ý thách thức Ngài. Trong Matthêu và Luca, Ngài nói rõ, “Sẽ không cho thế hệ một dấu nào ngoài dấu lạ Giôna”; dấu Giôna là dấu thập giá, dấu của vùi chôn trong huyệt ba ngày. Phải chăng, đó cũng là ‘dấu của lòng thương xót’? 

Chúa Giêsu ‘thở dài não nuột’, đó cũng là một ‘dấu của lòng thương xót’, một ngôn ngữ yêu thương. Chi tiết này cho thấy nỗi đau đớn sâu sắc nơi Chúa Giêsu, một nỗi đau đớn tinh thần; nỗi đau của người bị người khác từ chối tình yêu. Ngài nhận ra rằng, họ đang từ chối ân sủng mà Ngài ước mong ban cho họ; đây là điều làm Ngài tổn thương. Không phải vì Ngài nhạy cảm; đúng hơn, Ngài đau vì thương xót vô bờ. Thật bất ngờ! Hiếm khi chúng ta nghĩ đến tình yêu Ngài dành cho các biệt phái ngoài việc gay gắt lên án họ; nhưng hôm nay, Ngài ‘thở dài não nuột’, ‘dấu của lòng thương xót’ cũng là nỗ lực để lôi kéo họ, nhắc họ đừng thờ ơ và khước từ ân sủng.

Cuối cùng, để cứu bằng được những người biệt phái và cả nhân loại đáng thương, Chúa Giêsu ban cho chúng ta một dấu lạ từ đất thấp vói lên trời cao, đó là thập giá; trên đó, Con Thiên Chúa bị treo lơ lửng giữa trời và đất, đó là ‘dấu của lòng thương xót’ vĩ đại nhất; bởi lẽ, nó chứa đựng chính ‘tác giả của dấu lạ. Dấu lạ này muôn đời tồn tại; ở đâu có Kitô hữu, ở đó có hình bóng thập giá và thánh giá thật trong đời. Dấu này chỉ có thể đọc được nhờ đức tin; vì chỉ đức tin mới mở ra được mầu nhiệm của nó. Chúa Giêsu hôm nay đang tự hạ để ở lại với chúng ta bằng mọi giá; Ngài tự hạ dưới dấu lạ của bánh và rượu, các bí tích, và cả dưới hình dạng của những con người khốn khổ và thánh giá của họ.

Trên giường bệnh, nhà thơ Đức, Heinrich Heine đã nói những lời cuối cùng, “Chúa sẽ tha thứ cho tôi… Đó là công việc của Ngài”; khi Thomas Hooker hấp hối, một người bạn nói, “Thầy ơi, thầy sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình”; Hooker khiêm tốn trả lời, “Tôi sẽ nhận được lòng thương xót Chúa; với tôi, sự ra đi để về với Ngài là ‘dấu của lòng thương xót’”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa đã biến sự chết cũng như thập giá, một dụng cụ độc ác tàn nhẫn của thành dụng cụ diễn tả tình yêu bao dung, tha thứ; một dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời; một dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô và của những ai theo Ngài. Đó chính là cách thức Thiên Chúa cứu con người với ‘dấu của lòng thương xót’. Qua bao thế hệ, tội lỗi của con người cứ tiếp diễn, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn chảy tràn lan trên thế gian này.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu con yếu hèn bất xứng, mỗi ngày, Chúa vẫn ban cho con biết bao ‘dấu của lòng thương xót’; lòng thương xót Chúa vượt quá tội lỗi của con. Xin cho con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa hầu con sống thánh hơn mỗi ngày”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts