“Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ, Tin Mừng hôm nay cho thấy đâu là sức mạnh đích thực của công cuộc truyền giáo, sức mạnh đó phát xuất từ đâu? Câu trả lời là, từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là trung tâm quy chiếu ưu tiên hàng đầu cho sứ vụ truyền giáo. Thánh Marcô hôm nay cho biết, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ đến với Ngài; từ đó, sai các ông đi, Ngài là ‘điểm quy tụ cũng là điểm xuất phát’.
Thật là ý tứ khi Marcô kể ra một loạt động từ mà Chúa Giêsu là chủ ngữ, “Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ”, “Sai từng hai người đi”, “Ban cho các ông quyền trên các thần ô uế”, “Truyền các ông đi đường đừng mang gì”. Công việc của nhóm mười hai dường như toả ra từ một trung tâm; đúng hơn, một con người, chính Chúa Giêsu. Sự quy chiếu này tái khẳng định sự hiện diện và hành động của Chúa Giêsu trên tất cả các hoạt động truyền giáo của các tông đồ. Sự thật này chứng tỏ rằng, các tông đồ không có gì riêng để tuyên bố, cũng không có một khả năng nào để biểu lộ từ tài trí của mình; họ chỉ nói và hành động như ‘những đặc phái viên’, những sứ giả của Chúa Giêsu, được sai đi để nói Lời của Ngài, ‘điểm quy tụ cũng là điểm xuất phát’.
Điều đáng nói là chính Chúa Giêsu đã ‘triệu tập’ nhóm mười hai, Ngài đã đưa các ông đến với Ngài; theo một nghĩa nào đó, việc nhóm họp này được gọi là một cuộc gặp gỡ riêng tư giữa Ngài với họ. Thế nhưng, nếu có một cái nhìn sâu sắc hơn, chúng ta thấy trong việc triệu tập này, trên thực tế không chỉ quy tụ một cuộc họp; đúng hơn, Chúa Giêsu đã lôi kéo chính họ đến với Ngài, “Đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới” như tác giả thư Do Thái hôm nay đề cập; Ngài mời gọi họ đến với con người-Thiên Chúa của Ngài, ‘điểm quy tụ’. Trong hành động này, các tông đồ đã đích thân gặp gỡ một Thiên Chúa làm người, họ nhận được ân sủng và quyền năng của Ngài; để từ đó, được biến đổi, biết mình được thương xót; chính họ sẽ thốt lên, “Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay,
Chúa Giêsu “sai từng hai người đi”, điều này cũng đáng kể, Ngài là ‘điểm xuất phát’. Ngài biết yếu đuối của mỗi người, Ngài biết một người chiến đấu sẽ dễ thất bại; với sự hỗ trợ của một đồng đội, môn đệ sẽ được củng cố rất nhiều. Điều này cho thấy sứ mệnh của Ngài không phải là việc cá nhân, nhưng là một sứ vụ mang tính cộng đồng; mỗi người là một mảnh trong sứ mệnh. Để hoàn thành sứ mệnh đó, chúng ta cần sự yêu thương và hỗ trợ của người khác; xông vào chiến trận thì hai luôn luôn tốt hơn một; cũng thế, hai cái đầu, theo sự thường, sẽ tốt hơn.
Tin Mừng còn nói, “Ngài ban cho các ông quyền trên các thần ô uế”. Đây không chỉ là một số sức mạnh siêu nhiên để đuổi quỷ; nó rộng hơn nhiều. Đó là sức mạnh của bác ái Kitô; lòng nhân ái hay tình yêu thương sẽ chiến thắng quỷ dữ. Vị tha, hy sinh, khiêm tốn, đức tin, chân lý… là một trong những vũ khí mạnh nhất trong chiến trận; quỷ dữ không biết phải đối phó làm sao với những vũ khí này. Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc sống Kitô của mình, một cuộc sống có Chúa Kitô là ‘điểm quy tụ cũng là điểm xuất phát’; và chính Ngài sẽ làm tất cả những gì còn lại.
Khi còn là tổng thống, Thomas Jefferson và một nhóm kỵ sĩ đã đi khắp đất nước trên lưng ngựa. Ngày kia, họ đến một dòng sông; nước chảy xiết, cây cầu đã bị cuốn trôi. Mọi người buộc phải vượt sông trên lưng ngựa, họ giành mạng sống trước dòng nước chảy xiết. Ở đó, một người lính bộ binh không thuộc nhóm họ đứng sang một bên và quan sát. Nhiều kỵ binh lao xuống và sang bờ bên kia, người lính bộ binh hỏi liệu Jefferson có thể giúp anh ta qua sông; Jefferson đồng ý, không do dự. Người đàn ông leo lên ngựa, và hai người vượt qua sông. Một kỵ sĩ đến hỏi anh, “Nói cho tôi biết, tại sao anh chọn tổng thống?”. Người đàn ông bị sốc, anh thừa nhận không biết tổng thống đã giúp anh. Anh nói, “Tất cả những gì tôi biết là trên khuôn mặt của phần lớn các bạn viết ‘Không’; và trên khuôn mặt một số khác viết ‘Có’. Khuôn mặt của ông ấy viết ‘Có’”.
Anh Chị em,
Hơn cả Thomas Jefferson, Chúa Giêsu không chỉ là ‘điểm quy tụ cũng là điểm xuất phát’, tập hợp và sai chúng ta đi; Ngài không chỉ giúp chúng ta vượt sông nhưng còn cùng chúng ta chiến đấu. Tuyệt vời hơn, Ngài còn là điểm trở về! Trên hành trình chiến đấu ở chốn dương gian của mỗi người, cũng như mỗi người khi lìa xa cõi tạm này, Chúa Giêsu luôn luôn tỏ ra ‘Có’; Ngài luôn có mặt. “Trong Ngài, chúng ta sống, cử động và hiện hữu”. Chỉ ngần ấy cũng đủ cho chúng ta sống trong niềm vui. Hãy đến với Ngài, múc lấy nguồn sức mạnh; Ngài đang đợi chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, xin ban cho con tình yêu, lòng can đảm và sức mạnh để con ra đi cho vinh quang Chúa; xin cho con biết, con được chính Chúa, ‘điểm quy tụ cũng là điểm xuất phát’, nơi con ra đi và nhất là, trở về mỗi ngày”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)