Trong thánh lễ sáng tại nhà nguyện thánh Marta, lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô là “hãy thi hành” và “củng cố” sự hiệp nhất trong thế giới hôm nay, trong khi nhiều những tổ chức quốc tế “cảm thấy không thể đạt được một đồng thuận” cho hòa bình.
Phải băng qua con đường của khiêm nhường, hiền lành và quảng đại, ta mới tìm thấy hoà bình trên thế giới, trong xã hội cũng như trong gia đình của mỗi chúng ta. Suy niệm về bài đọc thứ nhất trích thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô, Đức Thánh Cha nhắc nhớ cách thức thánh Phao-lô, khi sống cô đơn trong tù, đã nói với các Kitô hữu về sự hiệp nhất đích thực, trong khi ngài đề cập đến “phẩm tính của ơn gọi.”
Không dễ để tìm được đồng thuận hòa bình
Chính vị tông đồ đã cô đơn cho đến lúc chết tại “Tre Fontane,” – nghĩa là “ba con suối” – bởi các Kitô hữu quá bận rộn với những “đấu đá nội bộ.” Chúa Giêsu cũng như thế, trước cuộc khổ hình, trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã xin Chúa Cha ơn hiệp nhất cho tất cả chúng ta. Nhưng giờ đây, chúng ta đang quen dần, đang hít thở bầu không khí xung đột: hàng ngày trên tivi, trên báo chí, người ta nói về các vụ xung đột, về chiến tranh, không hoà bình, không hiệp nhất. Mặc dù họ thực hiện các hiệp ước để ngăn chặn bất kỳ hình thức xung đột nào, nhưng sau đó, họ lại bỏ qua các thoả thuận đó. Theo cách này, “việc vũ trang, chuẩn bị chiến tranh, việc huỷ diệt tiếp tục được tiến hành.”
Cũng vậy, ngày nay, chúng ta thấy rằng những tổ chức toàn cầu được tạo ra với ý hướng tốt hơn nhằm thăng tiến sự hiệp nhất con người, hoà bình. Họ cảm thấy không thể đi đến đồng thuận: rằng có một quyền phủ quyết ở đây, rằng mối bận tâm ở kia… Và họ cố gắng đi đến những thoả thuận về hoà bình. Nhưng trong nỗ lực ấy, những đứa trẻ không có gì ăn, không được đến trường, không được giáo dục. Các bệnh viện cũng không có vì chiến tranh phá huỷ mọi thứ. Chúng ta đang có khuynh hướng huỷ diệt, chiến tranh và chia rẽ. Đó chính là khuynh hướng mà ma quỷ, kẻ thù, kẻ phá huỷ nhân loại gieo vào lòng chúng ta. Trong đoạn thư này, thánh Phao-lô dạy chúng ta con đường hướng tới sự hiệp nhất. Ngài nói: sự hiệp nhất được bảo bọc, được gìn giữ – mà ta có thể nói là – với sợi dây hoà bình. Hoà bình dẫn tới sự hiệp nhất.
Mở lòng
Vì thế, đây là lời mời gọi hành xử xứng đáng với “ơn kêu gọi” ta đã lãnh nhận, “với tất cả sự khiêm nhường, hiền lành và quảng đại”.
Để thực hiện hòa bình, hiệp nhất giữa chúng ta, “hãy khiêm tốn, hiền hành và quảng đại.” Thực tế là chúng ta thường quen xúc phạm, quát tháo nhau hơn là hiền lành. Quên nó đi, nhưng hãy mở lòng. Nhưng ta có thể tạo ra hòa bình trên thế giới với ba điều nhỏ bé này không? Có chứ, đó là con đường. Nó có thể tiến tới hiệp nhất không? Có chứ, hành trình đó là: “khiêm tốn, hiền lành và quảng đại.” Và thánh Phao-lô rất thực tế. Ngài tiếp tục với một lời khuyên rất thực tế: “hãy nâng đỡ nhau trong tình yêu”. Hãy chịu đựng lẫn nhau. Điều này không phải là dễ dàng gì, bởi ta luôn phán xét, lên án, – vốn là điều dẫn đến chia rẽ, xa cách …
Hoà hợp ngay từ đầu
Điều này cũng xảy ra ngay cả giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Và “ma quỷ hạnh phúc” vì điều này. Nó là “khởi đầu của chiến tranh”. Lời khuyên là “hãy chịu đựng”, “bởi tất cả chúng ta đều gây ra những điều khó chịu, gây ra mất kiên nhẫn; bởi tất cả chúng ta – hãy nhớ rằng – chúng ta là tội nhân, tất cả chúng ta đều có những sai lầm của riêng mình”. Thánh Phaolô khuyên ta về ” việc duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hòa bình”, ” dưới sự linh hứng từ những lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly: “một thân thể và một tinh thần.” Và rồi, ngài tiếp tục cho ta thấy chân trời của hòa giải với Thiên Chúa; như Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy chân trời của hòa giải trong lời cầu nguyện: ‘Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha và con là một’. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Chúa Giêsu khuyến khích ta tìm cách hoà giải với đối phương “lúc dọc đường.” Đó là một “lời khuyên tốt,” bởi vì ” không khó để tìm cách hoà giải ngay khi cuộc xung đột bắt đầu”.
Lời khuyên của Chúa Giêsu: hãy tìm đồng thuận ngay từ đầu, hãy làm hòa ngay từ đầu: đây chính là khiêm nhường, hiền lành và quảng đại. Ta có thể xây dựng hòa bình trên toàn thế giới với những điều nhỏ nhặt này, vì những thái độ này là thái độ của Chúa Giêsu: khiêm tốn, hiền lành, tha thứ tất cả. Thế giới ngày nay cần hòa bình, chúng ta cần hòa bình, gia đình cần hòa bình, xã hội cần hòa bình. Hãy bắt đầu thực hành những điều đơn giản này ngay ở tại gia đình: sự quảng đại, hiền lành và khiêm nhường. Chúng ta tiến lên theo cách này: luôn luôn sống sự hiệp nhất, củng cố sự đoàn kết. Xin Chúa giúp chúng ta trong cuộc hành trình này.