Thứ Bảy tuần XII
Ac 2:2,10-14,18-19; Tv 74:1-2,3-5,5-7,20-21; Mt 8:5-17
Sách giáo lý công giáo định nghĩa “Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban.”
Cuộc đời của người Ki-tô hữu là một hành trình của đức tin.
Người có đức tin là người có tấm lòng quảng đại. Trong bài đọc một, Ông Abraham ân cần và nồng hậu tiếp khách: “Đức Chúa hiện ra với ông Abraham tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Abraham nhìn thấy ba người.
Theo trình thuật Thánh Kinh kể lại, vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!”. Vâng chỉ những người có đức tin mạnh mẽ như Tổ phụ Abraham thì mới giầu lòng quảng đại với mọi người, cho dẫu là người không quen không biết.
Người có Đức Tin là người yêu thương tha nhân. Viên đại đội trưởng trong Tin mừng hôm nay, dù ông là một người ngoại giáo, Tin mừng không kể ông đã bao nhiêu lần nghe Chúa Giêsu rao giảng, đã bao nhiêu lần ông chứng kiến những phép lạ, nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng đức tin của ông thật là hoàn hảo, đến độ Chúa Giêsu cũng phải khen rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế”. Và có lẽ vì niềm tin vào Chúa Giêsu, nên ông có một đời sống yêu thương tha nhân, vì vậy khi một người đầy tớ trong gia đình ông bị đau nặng, lòng ông cũng thương cảm, cũng đau xót, và ông coi như con cái ruột thịt trong nhà, để rồi ông sẵn sàng hạ mình xuống trước mặt Chúa Giêsu để mà cầu cứu.
Và rồi ta thấy viên sĩ quan đại đội trưởng trong trình thuật Tin mừng hôm nay quả là một mẫu gương cho đời sống đức tin của chúng ta. Ông là người có lòng tin mạnh mẽ, thông minh thực tế, và là một con người khiêm tốn, có lòng nhân ái. Thực vậy, Ông có lòng tin mạnh mẽ bởi vì thời của ông, các pháp sư, thầy thuốc cao tay chữa bệnh thì cũng phải gặp bệnh nhân làm phù phép hoặc khám chữa…, nhưng ở đây ông tin rằng chỉ cần Đức Giê-su nói lời chữa lành thôi thì đầy tớ ông được khỏi bệnh rồi. Ông thông minh thực tế vì ông dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân trong việc dùng quyền lực để ra lệnh, và ông tin Đức Giê-su có lời quyền năng chinh phục được tất cả – cả bệnh tật cũng phải ‘tuân lời’ Người.
Viên sĩ quan là người khiêm tốn, vì ông là người thuộc thế lực thống trị Rô-ma nhưng đã không ngần ngại cầu xin Đức Giê-su một người thuộc đất nước bị trị. Và bởi vì biết phong tục người Do-thái không vào nhà người ngoại đạo, để tránh cho Đức Giê-su khỏi sự dị nghị hoặc khó xử, ông đã hết sức tế nhị và khiêm tốn khi thưa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (c.8)
Qua bí tích rửa tội, người Ki-tô hữu đã nhận hồng ân đức tin từ giáo hội; và cả cuộc đời người Ki-tô, đức tin ấy được chăm bẵm dưỡng nuôi bằng sự dạy dỗ, bằng các bí tích. Nhưng có lẽ việc thực hành và tuyên xưng đức tin cách sống động và xác tín như viên đại đội trưởng ngoại giáo trong trình thuật Tin mừng hôm nay ở nơi chúng ta thật hiếm hoi.
Bởi vì ngày nay, rất nhiều người nếu không nói là đa số người tín hữu Ki-tô giữ đạo hình thức; dự lễ đọc kinh chỉ là việc làm cho có, còn Lời Chúa thì chẳng muốn nghe, chẳng muốn thi hành; ai sống Lời Chúa thì bị coi là dại dột; Thánh Thể Chúa nhiều khi họ cũng chẳng muốn nhận. Tuy nhiên, Chúa là Đấng từ bi và nhân ái, Lời quyền năng của Người vẫn luôn phát huy sức mạnh và hành động cho những ai thành tâm tìm kiếm và tin tưởng cầu khẩn Người.
Ở các trình thuật của Tin mừng, thường thì Chúa Giê-su đòi hỏi người muốn được chữa lành phải có lòng tin; nhưng trình thuật Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy, người ta có thể lãnh nhận ân ban của Thiên Chúa nhờ lòng tin của người khác mà được chữa lành như: tên đầy tớ của viên đại đội trưởng (nhờ đức tin của chủ được Chúa chữa từ xa), mẹ vợ thánh Phê-rô (nhờ đức tin của thánh Phê-rô được Chúa đến tận nhà để chữa bệnh), và những người đau ốm bệnh tật (được người ta đưa đến cho Chúa). Vì thế, chúng ta được tràn đầy niềm hy vọng, vui mừng và cậy trông lòng thương xót Chúa, để kiên trì trong lời cầu nguyện không những cho chính mình mà còn bày tỏ tâm tình liên đới đối với tha nhân, cho tất cả những ai cần đến lòng thương xót của Chúa, trong niềm tin tưởng Chúa sẽ nhận lời chúng ta khiêm tốn khẩn cầu.
Mặt khác, chúng ta biết Thiên Chúa của chúng ta – Đức Giê-su Ki-tô quan tâm đến việc chữa trị bệnh tật tâm hồn chúng ta hơn là bệnh tật thân xác. Do đó chúng ta hãy thành tâm xin Chúa Chữa lành những thương tích, bệnh tật, khiếm khuyết trong tâm hồn của chính mình, và biết cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn ăn năn sám hối trở về với Chúa. Đồng thời noi gương nhạc mẫu của thánh Phê-rô, vừa được Chúa chữa lành đã chỗi dậy nhiệt thành phục vụ Người, đời sống người Ki-tô hữu chúng ta phải biết nhiệt tâm làm việc tông đồ, phục vụ cho nước Chúa.
Lời cầu khẩn và tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng ngoại giáo trong trình thuật Tin mừng hôm nay vẫn luôn còn tồn tại mãi trong phụng vụ của Giáo hội. Xin cho con biết đến với Chúa trong niềm tin tưởng, xác tín và khiêm tốn khi con dâng lời cầu nguyện. Nhất là xin cho con biết lắng nghe và gẫm suy Lời Chúa, để lời Chúa phát huy sức mạnh chữa lành, thánh hóa đời sống và biến con nên khí cụ tình thương phục vụ nước Chúa.
Qua lời Chúa hôm nay, là cơ hội để chúng ta nhìn lại đức tin của mình trong đời sống hằng ngày. Đôi khi chúng ta tự hào về đức tin của mình, của cộng đoàn, bằng những cuộc lễ rước long trọng, sôi động và đông đảo, và tốn kém. Thế nhưng chúng ta lại không thương xót anh em bị bỏ rơi bệnh tật, không dấn thân phục vụ công tác tông đồ, và không quảng đại với những người đang đói kém. Vì thế người kitô hữu hãy chứng thực mình có đức tin tốt qua chính cái tâm tôt của mình trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Huệ Minh