“Ngoài cửa cũng không còn chỗ, vì người ta đông quá!”.
Năm 1794, Lazzaro Spallanzani, nhà sinh vật học người Ý, đã phát hiện ra rằng, loài dơi có khả năng tự phát sóng âm có tần số cao để điều chỉnh hướng bay, chứ không bằng thị giác. Sóng phản xạ thu hồi giúp chúng định hình khoảng cách và kích thước của vật cản; từ đó, dơi chọn cho mình những hướng bay phù hợp. Đây là ý tưởng nền tảng của ngành siêu âm.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật lý thú, nếu trong tự nhiên, loài dơi có khả năng định hướng mà không dựa vào thị giác; thì trong đời sống siêu nhiên, vẫn có những định hướng Thiên Chúa cho xảy ra nơi những ai khao khát Ngài. Điều này được gọi là sự ‘dun dủi bên trong của Thánh Thần’; nhờ đó, mỗi người có thể định hướng đời mình. Và Giêsu, là hướng đúng đắn nhất, ngắn nhất, để chúng ta bay tới!
Tin Mừng hôm nay kể lại cảnh chen chúc khi người ta vây quanh Chúa Giêsu, “Ngoài cửa cũng không còn chỗ” đến nỗi một người bất toại phải được thòng xuống từ mái nhà mới có thể tiếp cận Ngài. Và dẫu đây chỉ là một chi tiết đơn sơ thường ngày nhưng nó lại mang một ý nghĩa thiêng liêng vô cùng sâu sắc. Rằng, ai đến với Chúa Giêsu, người ấy đã nhận trước cho mình một loại hình ân sủng của Ngài; ân sủng này có tên là sự ‘dun dủi bên trong của Thánh Thần!’.
Và chúng ta có thể đặt câu hỏi. Thực tế là vậy, tại sao Chúa Giêsu không thấy tình thế khó xử để có một giải pháp nào đó? Tại sao Ngài không di chuyển đến một khu vực rộng hơn, nơi mọi người có thể thấy và nghe Ngài? Thật khó để trả lời hai câu hỏi đó, nhưng có một điều chúng ta có thể đoan chắc là, ngay cả khi không thể thấy hoặc nghe Chúa Giêsu, những con người này vẫn được đền đáp xứng với lòng tin của họ. Và như thế, Lời Chúa hôm nay bất ngờ tiết lộ cho chúng ta một nguyên tắc tâm linh tối quan trọng; rằng, ai khao khát ở gần Chúa, linh hồn người ấy đã được dun dủi bởi Thánh Thần. Và quan trọng hơn, có khả năng ‘tự sức biến đổi bên trong!’.
Về điều này, chúng ta cũng có những trải nghiệm tương tự. Chúng ta khao khát được thấy, được nghe Chúa nói với mình, nhưng dường như điều đó không thể. Có lẽ Chúa đã đến, nhưng Ngài đến trong im ắng khiến chúng ta không biết Ngài ở đâu. Trong trường hợp này, đừng bao giờ nản lòng, vì đây là một trải nghiệm cần thiết. Thực tế của vấn đề là, khát khao Chúa, tự nó, đã là một ân phúc, một quà tặng; và điều đó có khả năng ‘tự sức biến đổi bên trong’ linh hồn mỗi người.
Anh Chị em,
“Ngoài cửa cũng không còn chỗ!”. Với ai khao khát Chúa, đây là sự xa xôi ‘trong đức tin’, một xa xôi ‘đầy’ ‘tự sức biến đổi bên trong’. Bởi lẽ, ‘Đấng xa xôi’, thường chỉ nói trong im ắng và chỉ những ai khát khao Ngài, mới có thể nghe thấy Ngài. Phải, trong cuộc đời, có thể có những lúc Thiên Chúa dường như ở rất xa và chúng ta không tài nào gặp Ngài. Khi điều này xảy đến, hãy nhận biết, đây là cách thức Ngài mời chúng ta đến gần Ngài hơn; và đây cũng là cách thức Ngài thì thầm, hấp dẫn, quyến rũ và thu hút sự chú ý nhiều hơn của mỗi người. Giêrêmia đã từng nói, “Chúa đã quyến rũ con; và con đã bị Ngài quyến rũ!”. Hoặc nếu đây thực sự là một ‘cuộc chiến’ dù chỉ thi thoảng, bạn cứ bình tĩnh hướng sự chú ý đến Ngài. Hãy để cho nỗi khát khao Ngài lớn lên! Ước mong ở gần Chúa thực sự vẫn có thể tạo ra những “sóng âm” cần thiết vốn sẽ nhận lại những “phản xạ” tuyệt vời, là hoa trái trong đời sống thiêng liêng vốn đôi khi sẽ lớn hơn, nhiều hơn, so với việc chúng ta được nghe tiếng Ngài cách rõ ràng. Hoa trái ấy là linh hồn được ơn ‘tự sức biến đổi bên trong’ để bay thẳng tới Giêsu, mỏ mọi ơn phước, mà không sợ một vật cản nào.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con chỉ khát khao một mình Chúa, cho đến khi con ở trong Chúa, Chúa ở trong con; và bấy giờ, con tự hỏi, ân sủng Chúa sẽ biến đổi bên trong con đến mức nào!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)