Đừng để con sợ ai

“Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Kính thưa Anh Chị em,

Khởi đầu một tuần sống mới khi chúng ta đang hướng về lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào Chúa Nhật tới, Lời Chúa nói với các môn đệ hôm nay cũng là lời Ngài muốn ngỏ với mỗi chúng ta, “Thầy nói với anh em những điều ấy để trong Thầy, anh em được bình an. Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Những lời này vừa mang tính cảnh báo, vừa mang tính trấn an. Sở dĩ, Chúa Giêsu có thể nói một cách đầy tự tin như vậy là vì Ngài biết, chính Thánh Thần, Đấng bảo trợ sẽ đến hoạt động trong các môn đệ để họ hoàn thành sứ vụ của Ngài; còn Ngài, Ngài sẽ ở với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế như đã hứa. Chính Thánh Thần sẽ đến mang theo sự khôn ngoan và lòng can đảm để họ có thể đương đầu với mọi sự. Ngài nói với họ, “Can đảm lên, đừng sợ”.

Chính Thánh Thần sẽ đốt lửa yêu mến trong tâm hồn các môn đệ; cũng chính Thánh Thần sẽ ban sự can đảm để các môn đệ chiến sợ hãi bằng sức mạnh của tình yêu. Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, loại trừ sợ hãi. Chính tình yêu đã dẫn Chúa Giêsu đến tận thập giá, đã làm cho thánh Phaolô và các tông đồ luôn bình thản trước bách hại. Chính tình yêu làm cho các thánh tử đạo vượt thắng mọi gian lao, ngay cả cái chết.

Chúa Giêsu biết, phương thuốc chữa trị sợ hãi chính là lòng can đảm; Ngài biết điều mà tục ngữ Đức nói đến, “Mất tiền mất của, mất ít; mất danh dự, mất nhiều; mất can đảm, mất hết”. Ngài cũng biết điều Angelo Patri nhận định, “Giáo dục là dạy cho con người biết sợ đúng lúc”. Có lần Ngài đã chỉ cho môn đệ phải sợ ai, phải sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn vào hoả ngục; sợ rằng tình yêu không còn như thuở ban đầu, rồi mất can đảm; bấy giờ, mất hết.

Chuyện kể khi Chúa Giêsu về trời, sứ thần Gabriel đón gặp Ngài và hỏi, “Lạy Chúa, sao Ngài lên sớm thế, chỉ mới ba năm, công trình Ngài tiếp tục thế nào dưới trần gian?”. Chúa Giêsu trả lời, “Ta có mười hai tông đồ, một nhóm môn đệ và vài phụ nữ”. Gabriel nói, “Lèo tèo quá, Ngài có quá chủ quan không? Nếu họ thất bại thì sao? Ngài có kế hoạch gì khác không?”; “Không, Ta không có dự trù nào khác, Ta tin tưởng họ; hơn nữa, đã có Thánh Thần”.

Thời Xuân Thu, Trần Hằng tuy bề ngoài xem ra trung tín, nhưng bên trong lại mưu đồ hoán nghịch. Ngày kia, Trần Hằng nổi loạn, phế vương, hại vua. Giết vua xong, Trần Hằng sai sáu dũng sĩ đến bắt Tử Uyên Thê, ép ông theo mình để lo việc nước. Tử Uyên Thê nhắn với Trần Hằng, “Ngươi muốn ta đồng hội đồng thuyền với ngươi, hẳn ngươi cho ta là trí chăng? Bầy tôi giết vua mà ta không cản được, ta chẳng phải là trí! Ngươi cho ta là nhân chăng? Thấy lợi mà phản nước, ta chẳng phải là nhân! Ngươi cho ta là dũng chăng? Đem binh đến hà hiếp ta, ta sợ mà theo ngươi, ta chẳng phải là dũng! Không có ba điều ấy, ta về phe ngươi, chỉ vô tích sự; ví bằng, ta có ba điều ấy, đời nào ta chịu theo ngươi mà ngươi phải mất công doạ dẫm hay dụ dỗ?”. Trần Hằng sau đó, bỏ qua Tử Uyên Thê, lòng đầy bái phục.

Anh Chị em,

Sợ hãi làm tê liệt, tình yêu làm thư thái; sợ hãi chỉ cầm tù, tình yêu mới giải phóng; sợ hãi gây thương tích, tình yêu mới chữa lành; sợ hãi gây chua chát, tình yêu đem ngọt ngào; sợ hãi luôn lẫn tránh, tình yêu mải mời gọi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con sợ ai, một chỉ sợ Chúa; cũng đừng để ai sợ con, vì con hiền hậu như Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts