Thứ Hai (Mt 7, 1-5)
Để sống công chính theo Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ đừng xét đoán ai. Xét đoán người khác, ta sẽ bị người khác xét đoán lại, đó là lẽ tự nhiên, nhưng ở đây cái hại lớn hơn là ta sẽ bị Thiên Chúa xét đoán. Xét đoán người khác thường gây ra sự bất công. Người ta dễ tin và dễ thấy khuyết điểm của người khác hơn khuyết điểm của mình. Vì lẽ đó, xét đoán người khác một cách sai trái là phạm vào luật bác ái và công bằng. Mỗi người cần tự xét mình, “hãy gỡ cái xà ra khỏi mắt mình, rồi mới lấy cái rác ra khỏi mắt người khác”.
Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Chữ xét đoán ở đây hiểu nghĩa là chỉ trích phê bình đạp đổ, là lên án bất công nhục nhã nghiêm khắc. Những người lên án như thế là nhóm người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu, thường là ra vẻ đạo đức, hay lên án người khác và cho rằng chỉ có mình mới tốt còn mọi anh em khác là tội nhân đáng bị khai trừ. Đó là thái độ lên án và đáng bị lên án trước.
Chúa nói: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (c.1) nghĩa là đừng xét đoán vu khống, đừng chụp mũ trong sự bất công, phá đổ anh em mình. Như vậy, Chúa cho xét đoán phê bình để sửa chữa, để thăng tiến, để xây dựng, chứ không phải để đạp đổ. Phê bình với tình yêu để cảm hóa, chứ không xỉ nhục, rồi nhìn họ với cặp mắt khinh thường. Cần và rất cần cho người khác biết rằng họ đang ở trong tình trạng sai lạc với con đường của Chúa. Cần phải thức tỉnh và sửa sai. Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau là để bù đắp xây dựng cho nhau. Phần sửa sai cho nhau để thăng tiến, đó là phần của mọi người. Còn việc lên án là phần của Chúa.
Chúa nói “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (c.1). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không xét đoán ai, thì ngày sau Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta dù chúng ta bê bối cách mấy. Ăn miếng trả miếng là thói thường. Chúng ta cư xử với người làm sao thì người ta đối xử với chúng ta như vậy. Tuy nhiên cách chúng ta đối xử với anh em, cũng được Thiên Chúa thẩm xét vì lý do anh em là con cái Thiên Chúa và Chúa đã từng nói “Ai làm cho một trong anh em hèn mọn, là làm cho chính Ngài” (Mt 25,31tt).
“Chúng ta là những tội nhân” (Đức Thánh Cha Phanxicô), ý thức như thế không những giúp ta tránh thái độ thỏa hiệp với tội lỗi, mà còn ngăn ta khỏi cơn cám dỗ phê phán người khác: tôi có là gì, có đáng gì mà dám lên án người anh em của tôi? Thực tế cho ta kinh nghiệm về những người thực sự đạo đức: họ cẩn trọng khi nói về một người khác. Điều này không đồng nghĩa với việc họ ngây ngô không biết đúng sai, phải trái, nhưng ngược lại, cho thấy sự thận trọng trong suy nghĩ theo gương Đức Giêsu Kitô.
Là con người, chúng ta không tránh khỏi lỗi lầm, nhưng hãy dùng tình người mà nâng đỡ nhau và tin tưởng vào tình thương, ơn biển đổi nơi Thiên Chúa. Hãy dành thời gian bên Giêsu để nhìn lại nội tâm con người mình hầu nhận ra và gỡ bỏ “cây đà” đang án ngữ trong mắt ta, đang che khuất ánh nhìn yêu thương mà Thiên Chúa đặt nơi ta. Hãy khiêm nhường và trao dâng cho Thiên Chúa quyền xét xử người khác.
Trang Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ cho ta về một cố tật của con người: tính thích phê phán, quy tội và lên án người khác.Theo khoa tâm lý học, điều xấu mà ta dễ nhận ra và lên án nơi người khác chính là điều xấu căn cốt mà ta mang trong mình. Chúa Giêsu không dạy ta phải bịt mắt mình lại trước cái xấu, nhưng việc ta cần làm trước tiên là liệu xem “tầm nhìn” của mình có “thông thoáng” không trước khi nhận định một điều gì về người khác.
Chúa Giêsu đã không nói: “Trong mắt bạn ngươi không hề có cái rác như ngươi nói!”. Nhưng Người nói: “Hãy lấy cái đà trong mắt ngươi ra trước đã!”. “Người bạn kia của con có tội của họ, phải, điều đó không sai, nhưng con hãy xem lại mình đi, tội của con còn ngàn lần lớn hơn, nặng hơn tội của họ”.
Ta thấy Chúa Giêsu nói ra lời nào cũng được xem như là một bài học, một huấn dụ có giá trị, vì những điều Ngài nói thường nhắm vào nội tâm con người. Nhờ bản tính Thiên Chúa, nên Ngài có thể nhìn thấu lòng dạ con người. Lý do Chúa Giêsu dạy không nên xét đoán một mặt Ngài muốn giúp các môn đệ không nên xoi mói, bắt bẻ hành động của người khác nhưng biết dành thời gian đi vào thâm sâu cõi lòng mình. Hãy lấy cái xà trong mắt mình trước khi giúp người khác lấy cái rác trong mắt họ.
Hơn nữa, khi một ai đó cho mình có quyền dạy người khác, xét đoán lương tâm người khác là đã tự cho rằng mình đạo đức hơn. Đó là thái độ tự mãn, tự kiêu, trước mặt Thiên Chúa là một tính xấu không nên có. Chúa Giêsu không cấm nhận xét phải trái về hành vi của người khác, nhưng nếu chỉ dựa vào những gì bề ngoài mắt phàm thấy được mà qui kết tội người khác là ta vi phạm thẩm quyền Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có đủ khả năng và thẩm quyền để xét đoán một người là có tội hay không.
Con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.
Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Zakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải; Mađalêna dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.
Bình thường, ta thấy ta gieo nhân nào thì gặt quả đó, chúng ta mong nhận được kết quả tốt thì trước tiên phải hành động tốt vì : “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 4, 2). Ngài biết mỗi khi ta phạm sai lầm thì vị luật sư sẽ lên tiếng bao biện hòng che đậy, không muốn để ai biết về lỗi lầm đó, nếu chẳng may bị lộ thì rất mong nhận được sự thông cảm của người khác. Ngược lại, thay vì thông cảm, bỏ qua, chúng ta lại hay để ý đến những sai sót của người khác và thậm chí muốn nói cho nhiều người về lỗi lầm của họ càng nhanh càng tốt.
Trước lời dạy của Chúa Giêsu :“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7, 3). Điều này cho thấy, ta rất nhạy bén trước lỗi nhỏ nơi người khác nhưng cái lỗi to trong ta lại không thấy. Thái độ cần có khi đứng trước sai sót của tha nhân là thông cảm và nâng đỡ để họ biết đứng lên và tiếp tục tiến bước. Nhưng còn khôn ngoan hơn nữa, nếu từ vấp ngã của người khác ta biết nhìn lại mình để nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa. Nhờ đó ta sẽ được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Còn nếu chẳng may vì phận sự mà phải xét xử, hãy rộng lượng và đối xét theo hướng dẫn của Đức Khôn ngoan. Hãy nhớ lời cảnh cáo : “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”
Chúa Giêsu quả quyết: “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” Ta hãy ghi khắc lời dạy này của Chúa, xác tín Chúa sẽ dùng chính cái đấu ta đong với người khác mà áp dụng cho mình. Từ hôm nay, ta hãy dần dần từ bỏ thói xấu này, thay đổi cái nhìn về người khác, để không bị Chúa xét đoán, cũng như để sống công bằng hơn với anh chị em chung quanh ta.
Huệ Minh