Thứ Sáu :
Lc 17,26-37
A. Hạt giống…
Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về “Ngày của Con Người” tức là ngày quang lâm. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ hơn điều đó :
– Trước hết Ngài dùng 2 chuyện Cựu Ước về ông Nôê và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình : người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (“ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất”). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng đã nói ở trên là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.
– Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu : a/ Người đang ở trên sân thượng thì đừng xuống nhà để lấy đồ đạc ; người đang ở ngoài ruộng cũng đừng trở về nhà (để lấy đồ đạc) : vì khi đó của cải vật chất không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng lúc đó là “sự sống”. Trong câu này chữ “sự sống” có 2 nghĩa : sự sống dựa trên “đồ đạc” chỉ là một giá trị phù du, không đáng tiếc rẻ ; sự sống đáng trân trọng chính là sự sống với Chúa. Kẻ khôn ngoan là kẻ đám bỏ sự sống phù du kia để đổi lấy sự sống vĩnh cửu. b/ Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người nằm chung một giường, hai người đàn bà cùng xay một cối bột, hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau : kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).
Kết thúc bài nói chuyện là một câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Các ông vẫn còn lẩn quẩn trong những thắc mắc về thời gian và nơi chốn ! Do đó Chúa Giêsu trả lời như thể không trả lời “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” : Nghĩa là khỏi cần thắc mắc, vô ích. Hãy lo lúc nào cũng sẵn sàng.
B…. nẩy mầm.
1. Theo cách viết của Luca, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường : “ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (câu 26). Những người thời ông Lót cũng thế : “Ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (câu 28). Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt và cơn mưa diêm sinh. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.
2. “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà thì đừng xuống lấy” (câu 31) : Tới ngày chết, tất cả mọi đồ đạc của cải đều vô dụng. Khi đó chỉ còn mỗi một điều quan trọng thôi là phần rỗi đời đời.
3. “Hai người cùng nằm một giường… hai người cùng nhau xay bột… hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (các câu 34-36) : những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.
4. ‘Hãy mài sắc cảnh giác’ : (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài.
5. Tính trì-trệ (inertie) (còn gọi là ỳ-tính, noạ-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự trì trệ kiểu đó.
– Sự nguội lạnh, phai lạt : Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ từ bớt nóng, và trở thành lạnh ngắt. Sự Nhiệt thành của ta đối với nước Trời cũng vậy.
– Sự cạn kiệt : Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói : ‘Quì lâu, chầu mỏi’.
6. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).
7. Mục sư King nổi tiếng với giải Nobel hoà bình năm 1964 nhờ tài lãnh đạo của ông đối với cuộc đấu tranh bất bạo động cho quyền bình đẳng của người da đen. Ông đã ấu tranh cho họ trên xe buýt, nơi trường học, tại thùng phiếu… Và chính trong cuộc đấu tranh ngày 4-4-1968, ông đã bị bắn chết tại Memphis tiểu bang Tennessi.
Sự hy sinh tính mạng vì tình thương của mục sư King đã mang lại nhiều quyền cho người da đen. Phần tôi, tôi đã làm gì cho những người anh em bên cạnh tôi, khi xung quanh tôi còn bao người khốn khổ, bao người cần sự bênh vực nâng đỡ ?
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ tính ích kỷ và khép kín, khi còn chưa dám hy sinh tính mạng vì anh em con. (Hosanna)
[perfect_quotes num=”1″ random=”true”]