HỜI HỢT THIÊNG LIÊNG

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao không tìm hiểu?”.

Catherine Marshall nhận xét, “Về một bài giảng, tôi không quan tâm đến việc thiếu hùng biện, nghệ thuật, hay thông điệp được truyền đi một cách kém cỏi. Chỉ cần Thiên Chúa là một thực tại đối với người giảng, người ấy đã học cách ‘ở lại trong Chúa Kitô!’. Nhiều bài giảng tuân theo các quy tắc tốt nhất, nhưng lại sáo rỗng; cách nào đó, trái tim người giảng không ở trong thông điệp họ trao. Có một sự ‘hời hợt thiêng liêng’ nào đó nơi người giảng những bài giảng như thế!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận xét của Catherine Marshall rất sát với sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày mà Giáo Hội đang hướng về: Bạn và tôi phải là chứng nhân trung thành của Chúa Kitô, bằng cách cho người khác thấy Thiên Chúa là một thực tại mà bản thân chúng ta xác tín, qua việc học cách ‘ở lại trong Chúa Kitô!’. Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu bất bình với những kẻ nghe Ngài, các thầy giảng lề luật; Ngài gọi họ là “giả hình”. Ngài trách cứ sự mù loà tâm linh của họ; đúng hơn, Ngài lên án sự ‘hời hợt thiêng liêng’ nơi họ!

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao không tìm hiểu?”. Về những chuyện dưới đất, người đương thời Chúa Giêsu có thể đặt điều này với điều kia theo cách gần như không thể sai lầm; tuy nhiên, một khi lĩnh vực tâm linh được đề cập, thì xem ra, họ mù mờ. Thật đáng buồn! Tại sao? Có thể họ không để tâm đến sự hiện diện của Chúa Giêsu; hoặc tìm cách suy xét về ý nghĩa thực sự lời nói và việc làm của Ngài. Họ chỉ hời hợt lý thú với những phép lạ bên ngoài, mà chẳng quan tâm việc thấu hiểu ý nghĩa sâu xa bên trong của chúng. Quan trọng hơn, họ không màng đến ‘một Ai đó’ còn hơn Salômon, hơn cả Giôna đang ở giữa họ! Và như thế, ‘hời hợt thiêng liêng’ ngăn cản ‘tiến bộ thiêng liêng’ nơi họ. Thấy các dấu chỉ không phải là vấn đề bạn nhận ra hình dạng của một nhà tạm hay một cây thánh giá trong một đám mây, nhưng là suy xét để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.

Ai sống một đời sống cầu nguyện, người ấy sẽ hòa hợp nhiều hơn với sự hiện diện của Chúa. Vì thế, nơi mà người khác thấy sự trùng hợp, họ thấy sự quan phòng; nơi mà ai đó thấy sự trùng khớp, họ thấy Thiên Chúa đang hiện diện. Điều này mang lại cho họ một cảm giác an bình sâu sắc; bởi lẽ, họ biết, Thiên Chúa chịu trách nhiệm về mọi sự và họ không cần phải tự mình tìm câu trả lời cho mọi thứ. Thế giới không nằm trên vai họ, nó ở trên vai Chúa! Vì vậy, thay vì phàn nàn, họ vui tươi; thay vì lo lắng, họ phó thác. Họ sống hồn nhiên như những người con!

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô kêu gọi các tín hữu tránh xa thái độ ‘hời hợt thiêng liêng’ bằng cách trở về với những gì căn bản nhất, “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa”. Các nền tảng đức tin này liên kết các thành viên với nhau, cả Do Thái và dân ngoại; “Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài”, Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ. Mối liên kết này vừa là liên kết với Ngôi Vị Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa là liên kết các thành viên với nhau – tất cả cùng chia sẻ một sự sống thần linh. Vì thế, Kitô hữu không thể sống một cách sống hời hợt!

Anh Chị em,

“Về thời đại này, sao không tìm hiểu?”. Ngay giữa thời đại này, một thời đại đầy biến động với dịch bệnh, với cuộc chiến Ukraine vốn đang ảnh hưởng toàn cầu, Thiên Chúa đang hiện diện, Chúa Giêsu đang hiện diện! Dấu chỉ hiện diện của Ngài có thể rất tinh tế, chẳng ồn ào, và không gây ấn tượng; dẫu thế, rất thực tế! Ngài hiện diện trong Thánh Thể, trong Lời, trong sự thinh lặng của những trái tim cầu nguyện; Ngài hiện diện nơi những con người thiện nguyện, hoặc trong những cuộc gặp gỡ tình cờ mà chúng ta có được trong ngày sống. Ngài có thể hiện diện nơi những người mà chúng ta thấy phiền phức và cả trong những biến cố lớn nhỏ. Chung quanh chúng ta, trong gia đình chúng ta… Ngài đang có mặt. Những gì chúng ta cần là một đôi tai để nghe, một đôi mắt để thấy! Tắt một lời, hãy tránh cho mình, một thái độ ‘hời hợt thiêng liêng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, với thế gian, con sợ nhất phải tiếng ‘hời hợt’; với Chúa, con chỉ ước ‘mãi luôn nồng nàn’. Đừng bao giờ để con, dù chỉ một lần, bị thiên thần quở, đứa ‘hời hợt thiêng liêng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts