HƠN THUA ĐỂ LÀM GÌ?

“Các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng,

ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật hấp dẫn, Lời Chúa hôm nay nói đến chuyện hơn thua. Satan hơn thua với Thiên Chúa; các môn đệ hơn thua với nhau; và Gioan hơn thua với người ngoài. Thế nhưng, hơn thua để làm gì?

Thú vị làm sao khi Thiên Chúa, ít là một lần, Người cũng ‘lỡ khoe’. Bài đọc thứ nhất kể chuyện, vào ngày con cái Chúa đến chầu; rủi thay, Satan cũng đến. Thiên Chúa đem ông Gióp ra khoe, “Chớ thì ngươi có lưu ý đến Gióp, tôi tớ Ta chăng? Trên trần gian, không ai giống như y là con người ngay thật, công chính, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh sự dữ”. Chộp lấy cơ hội, Satan hơn thua ngay với Người, “Hãy giơ tay Chúa lên một chút và chạm đến tất cả những gì nó đang có, ắt nó sẽ phỉ báng Chúa nhãn tiền”. Bị thách thức, Thiên Chúa ban phép, Satan toàn quyền trên Gióp, ngoại trừ mạng sống ông. Vậy là Satan lột sạch Gióp. May quá, “Gióp không hề hé môi xúc phạm Người”, nhưng Thiên Chúa cũng một phen hú vía; hẳn Người phải rút kinh nghiệm, dù Người biết, hơn thua để làm gì?

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến hơn thua, “Các môn đệ nghĩ ngợi, ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất”. Chúa Giêsu thấu biết lòng dạ các ông, Ngài cũng đem một em bé ra khoe, dạy cho họ bài học khiêm nhường và phục vụ, “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Ngạc nhiên thay, Luca kể tiếp, Gioan thấy một người lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, ông ngăn cản, đem sự việc trình Thầy. Tưởng Thầy đồng tình; ai dè, Ngài biết hơn thua để làm gì, nên nói ngược lại, “Chớ ngăn cản, ai không chống lại các con, tức là thuận với các con”. Ôi, một quy tắc vàng, một quy chuẩn vàng mang tính phổ quát, nhân bản, cao thượng, tuyệt khôn ngoan của bậc trượng phu quân tử. Quy chuẩn này đi ngược với thói thường của người đời, “Ai không theo tôi, là chống lại tôi”; “Ai không là bạn tôi, là kẻ thù tôi”; tệ hơn, “Ai làm bạn với kẻ thù tôi, cũng là kẻ thù của tôi”.

Một ngạn ngữ cổ nói, “Quyền lực làm suy đồi”; Thánh Grêgôriô thì nói, “Cả khi không có quyền lực trong tay, tâm trí con người vẫn hướng chiều về sự kiêu căng; thế thì, khi có quyền lực, họ còn tự cao tự đại đến đâu nữa”. Vậy thì ai là người quan trọng nhất trong Hội Thánh? Giáo hoàng, các giám mục, hồng y, chủ chăn các giáo xứ tiềm lực nhất, trưởng các hội đoàn…? Không! Đức Phanxicô nói, “Những người vĩ đại nhất trong Hội Thánh là những người tự cho mình là tôi tớ của mọi người, những người phục vụ mọi người, chứ không phải những người có chức tước. Cậy trông vào Thiên Chúa, khiêm tốn, phục vụ, chọn chỗ rốt hết, không tìm cách leo thang danh phận. Đó là con đường chống lại tinh thần thế tục”. Vì hơn thua để làm gì?

Hình ảnh Gióp và em bé hôm nay là hình ảnh của Chúa Giêsu; Gióp thắng, Thiên Chúa thắng, Chúa Giêsu thắng; nhưng hơn thua để làm gì? Cái thắng của Gióp là cái thắng trần trụi, khi chẳng còn gì cả ngoài Thiên Chúa, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, Người muốn sao nên vậy, xin chúc tụng danh Chúa”; cái thắng của Gióp là cái thắng biết cảm tạ Thiên Chúa cả khi không còn gì. Cũng thế, cái thắng của Chúa Giêsu là cái thắng trên thập giá; chính xác là khi Ngài nói, “Mọi sự đã hoàn tất”, và “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”, vậy thì hơn thua để làm gì? Gióp, em bé và Chúa Giêsu đại diện cho những ai cậy trông vào Thiên Chúa, tựa nương duy chỉ một mình Người như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay diễn tả, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu”; “Xin tỏ đức từ bi lạ lùng của Chúa, Đấng giải thoát con khỏi bọn đối phương”. Như vậy, Tin Mừng không phải là để hơn thua, cạnh tranh cho uy tín và sự công nhận; Tin Mừng cốt là để phục vụ, khiêm tốn, cậy trông; vì hơn thua để làm gì?

Anh Chị em,

Thế nhưng, có một cuộc hơn thua mà con người phải lưu ý; đó là hơn thua của linh hồn mỗi người với Thiên Chúa. Charles de Péguy viết:

“Ta đã thường chơi với con người, hỡi ngươi, đồ khờ.

Trong cuộc chơi này, ai thắng thì thua, ai thua thì thắng.

Vậy mà ngươi, tên khờ khạo,

Ta đã thường chơi với con người.

Ta chỉ muốn ngươi thua, hầu thắng; đang khi, ngươi, thật khờ, chỉ muốn thắng.

Thử hỏi, giả như ngươi thắng, làm sao Ta bồng ẵm ngươi, chữa cho ngươi lành?

Ta đã thường chơi với con người; hỡi con người, tên ngươi là khờ khạo”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết thua Chúa, cứu con khỏi cơn khát quyền lực, vốn có thể dẫn con đến u mê và vô lương tâm; vì với Chúa, hơn thua để làm gì? Xin cứu con khỏi thiên hình vạn trạng sự dữ mà quyền lực có thể dẫn con đến”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts