“Chân thành”, nguyên ngữ Latin “Sincera”, có một lịch sử lâu đời. Ngày xưa, thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn, sứt sẹo, lỗ chỗ…, người Rôma lấy sáp ong miết vào rồi đánh cho bóng. Điều tương tự cũng xảy ra khi người ta lấy phấn sáp xoa vào mặt để che những vết chân chim. Những cột cẩm thạch nào không miết sáp, là dấu tuyền vẹn, được gọi là “Sine cera”. “Sine” là “không”; “cera” là “sáp”; “Sine cera” có nghĩa là không có sáp. Qua các thời đại, hai từ này ghép lại thành “Sincera”, tiếng Anh là “Sincere”, có nghĩa chân thực, chân thành.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến sự chân thực và gian dối; thánh thiện và xấu xa. Thư Thessalônica cho thấy sự tốt lành của Thánh Phaolô, một mục tử yêu thương lo cho đoàn chiên mình; Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu, Đấng thánh tuyệt đối, càng thương xót nôn nả hơn cho những người cứng lòng.
Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phaolô chân thành bộc bạch tấm lòng yêu thương không giả dối, chẳng hình thức cho tín hữu Thessalônica. Như một người cha thánh thiện, Phaolô khuyên dạy tín hữu bằng cách không ngại nêu lên những đức tính của mình, “Chúng tôi đã không lười biếng, không ăn bám của ai, nhưng làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho ai”; thậm chí, ngài không ngại xin họ noi theo, “Để anh em bắt chước chúng tôi”; ngài cũng thẳng thắn lên án kẻ lười biếng, vô kỷ luật rất nặng lời, “Ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”.
Với bài Tin Mừng, nếu Bài Giảng Trên Núi có đến tám mối phúc thật khi Chúa Giêsu nói, “Phúc cho ai, phúc cho ai”; thì bài dạy dưới núi của Ngài cũng có bảy mối vô phúc khi Ngài bảo, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”. Hôm nay Ngài nói với hạng đạo đức giả, “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình; các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương người chết và mọi thứ nhơ nhớp. Cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là công chính, nhưng bên trong, đầy sự gian ác và giả hình”.
Một lần nữa, chúng ta chứng kiến một trong những điều lạ thường nhất của Tin Mừng khi Chúa Giêsu không thể cầm mình và trực tiếp lên án những lãnh đạo tôn giáo vụ hình thức. Ngài mô tả họ như ‘mồ mả tô vôi’. ‘Tô vôi’ theo nghĩa, họ sẽ sơn phết những gì có thể để bên ngoài tỏ ra là người thánh thiện, công chính; ‘mồ mả’ theo nghĩa, tội lỗi nhơ nhớp và sự chết đang ở trong họ. Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu có thể nghĩ ra một điều gì khác để lên án họ mạnh mẽ hơn.
Điều này chứng tỏ một chân lý: Chúa Giêsu là Đấng cực thánh, thánh thiện tuyệt đối. Ở đây, Ngài gọi đích danh sự xấu xa đúng tên của nó, Ngài không pha trộn Lời Ngài, cũng không đưa ra một lời khen không đúng hoặc giả vờ cho rằng mọi sự là tốt đẹp đang khi thực sự không phải như thế.
Lời Chúa mời gọi chúng ta chân thành tự vấn lương tâm. Dĩ nhiên chúng ta không được lên án người khác như Chúa Giêsu, nhưng dõi xem hành động của Ngài để áp dụng cho mình. Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào linh hồn mình để gọi đúng tên các tính hư nết xấu của bản thân; đồng thời, nhìn nhận tình trạng linh hồn vốn đang cần đến lòng thương xót Chúa hơn bao giờ hết. Thông thường, chúng ta không sẵn sàng để làm điều này và đây là vấn đề; hoặc chỉ vờ vịt khi cho rằng, mọi sự đều ổn và ngoảnh mặt với những “xương người chết và mọi thứ nhơ nhớp” đang lẩn quất trong linh hồn. Vì lẽ, điều này chẳng thích thú gì để nhìn thấy, chẳng dễ dàng gì để nhìn nhận.
Anh Chị em,
Nhìn vào linh hồn, gọi tên những gì mình thấy. Hy vọng, sẽ thấy những nhân đức ở đó; cùng lúc, có thể thấy một tội lỗi nào đó và hy vọng là không đến mức như những Pharisêu vốn “đủ mọi thứ nhơ nhớp”. Dẫu thế, nếu thành thực, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy một vài uế tạp cần tẩy sạch. Đừng đợi Chúa Giêsu vì quá xót thương và nóng lòng, Ngài phải đi đến chỗ vạch trần nó tô hô và nói những lời Ngài không muốn nhưng buộc phải nói, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”, nhưng đó vẫn là Tin Mừng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, “Khốn cho con”, thật xót xa! Xin giúp con nhận ra đó vẫn là Tin Mừng chỉ vì Chúa quá xót thương và nóng lòng đang muốn nói với con. Xin ban thêm ân sủng để con đủ sức tẩy sạch hoàn toàn hầu có thể yêu mến Chúa hơn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)