Không còn phải ngao ngán nghẹn ngào

Thứ Hai Tuần 16 Thường Niên A

“Hôm nay phải chi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những con người cứng lòng khiến Thiên Chúa phải thở dài; Người ước mong nó hoán cải. Qua ngôn sứ Mikha, Người nghẹn ngào ngao ngán, “Dân Ta ơi, dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi, hãy trả lời Ta đi”; qua Tin Mừng, Chúa Giêsu tê tái tức tưởi, “Sẽ không cho các ngươi dấu lạ nào trừ dấu lạ Giôna”.

Mikha, ngôn sứ được mệnh danh là vị ngôn sứ xã hội, một nông dân miền Morati cách thủ đô Giêrusalem không xa, ông thấy nhiều và chứng kiến nhiều; ông nói những lời đanh thép và cương quyết khi tố cáo những bất công xã hội thời bấy giờ và đấu tranh cho quyền con người. Bài đọc hôm nay nói lên những trách cứ nhưng đầy trìu mến của Thiên Chúa trước sự cứng lòng của dân Người, “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi, hãy trả lời Ta đi”. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Mikha đưa người ta đi đến cùng đích, đó chính là Thiên Chúa. Cuối bài đọc hôm nay, ông nói, “Hãy thực hiện công bình, quý mến lòng nhân lành và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa của ngươi”. Đó là một lời mời gọi hoán cải.

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự cứng lòng của giới biệt phái thời Chúa Giêsu. Họ đòi Ngài một dấu lạ ngoạn mục; tiếc thay, Ngài không thoả mãn một thứ dấu lạ mang tính biểu diễn. Ngài nói, “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giôna”; Ngài nói cho họ rằng, chính Ngài là dấu lạ, một dấu lạ mời gọi hoán cải.

Hình ảnh Giôna trong bụng cá tiền trưng cho hình ảnh Chúa Giêsu ba ngày trong huyệt mộ. Cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài là dấu lạ lớn nhất cho thế giới, cho mỗi người. Ấy thế, không hơn gì những biệt phái xưa, đôi khi, chúng ta cũng đòi Thiên Chúa làm điều này, điều kia và sự việc thường không xảy ra. Nhưng thường xuyên hơn, điều chúng ta trải nghiệm là sự im lặng từ Thiên Chúa; không ít lần, Người xem ra xa vắng hay ít ra, Người lãng tai và chúng ta trách cứ Người. Chính những lúc ấy, Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta theo cùng một cách; Ngài thầm thĩ nhắc nhở chúng ta về sự sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài nhắc chúng ta phải tin vào Lời Ngài cả khi chúng ta cảm thấy tăm tối tanh tưởi như chính bản thân mình đang ở trong bụng kình ngư hoặc đã chết trong mồ. Đừng đánh mất hy vọng. Thiên Chúa có mặt trong mọi biến cố; Người hoạt động, hiện diện cả khi Người dường như im lặng.

Hãy tin, Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua thánh lễ, mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Đến với thánh lễ là đến để chứng kiến dấu lạ Chúa làm cả khi chúng ta cảm thấy không còn gì để mất hoặc Thiên Chúa cứ câm nín; không, Người không câm nín, Người đang nói qua Lời của Chúa Con; đang ở với chúng ta trong hy tế của Chúa Con. Chỉ cần chúng ta phân biệt cho được giọng nói của Người, một giọng nói đang mời gọi mỗi người hoán cải.

Thánh Bonaventura nói, “Sự kỳ diệu của thánh lễ diệu kỳ hơn sao trên trời, hơn cát dưới biển; thánh lễ tái diễn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thánh giá xưa, cho nên thánh lễ là một sự kỳ diệu khôn lường trong thế giới này, một kho tàng chứa đầy mầu nhiệm cực kỳ huyền diệu. Trên trái đất không có gì có thể so sánh được; và trên thiên đàng cũng không có gì lớn lao hơn, kỳ diệu hơn thánh lễ”.

Anh Chị em,

Thánh lễ không chỉ là một lời mời gọi đến dự tiệc thánh, nhưng trước hết là một mời gọi hoán cải nhờ biết sám hối và tin vào Tin Mừng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa không luôn ban ngay điều con muốn, nhưng luôn ban cho con điều con cần; điều con cần hôm nay là ơn sám hối, Chúa không còn phải ngao ngán nghẹn ngào”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts