KHÔNG GIAN THÁNH

“Trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần”.

Trong một tập sách nói về các Giáo Xứ, tác giả ví von so sánh các ‘nhà thờ sống’ và ‘nhà thờ chết’: Chi phí của các ‘nhà thờ sống’ luôn nhiều hơn thu nhập của họ; ‘nhà thờ chết’ không cần nhiều tiền! Các ‘nhà thờ sống’ có vấn đề về chỗ đậu xe; ‘nhà thờ chết’ có thừa không gian trống! Các ‘nhà thờ sống’ có thể ồn ào vì một số trẻ em; ‘nhà thờ chết’ vắng lặng như một nghĩa trang! Các ‘nhà thờ sống’ tiếp tục thay đổi cách thức hoạt động, họ luôn cần những ‘không gian thánh’; ‘nhà thờ chết’ không cần đổi thay!

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ những ‘không gian thánh’ của các Giáo Xứ góp phần làm nên một Hội Thánh sống động, nhưng quan trọng hơn, đó còn là những con người, cũng là những ‘không gian thánh!’. Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ hai thánh Simon và Giuđa, tên của các ngài nằm cuối danh sách 12 tông đồ, chỉ trước Giuđa Iscariot, kẻ phản bội. Tân Ước cho biết rất ít về hai ngài; thế nhưng, kinh ngạc thay, họ là những ‘không gian thánh’ đầu tiên làm nên toà nhà Hội Thánh.

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến các tông đồ như là nền móng của ngôi nhà Thiên Chúa; trong đó, Chúa Kitô là đá tảng góc tường. Trong Ngài, mỗi chúng ta là thành phần của toà nhà; mỗi người là một ‘không gian thánh’ làm nên ngôi nhà Hội Thánh; ở đó, có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, “Cả anh em nữa, anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần”.  

Trong các trụ cột tiên khởi làm nên toà nhà này, có “Simon nhiệt tâm”, phân biệt với Simon Phêrô, vị thủ lãnh; và “Giuđa con Giacôbê”, hay “Giuđa Tađêô”, phân biệt với Giuđa Iscariot, kẻ phản bội. Simon được biết đến như một người nhiệt thành, có lẽ vì ông thuộc nhóm cực đoan, chống lại Rôma. Còn Giuđa, thường được biết đến như vị tông đồ cuối cùng mà các tín hữu sơ khai cầu cứu; việc cầu nguyện với Giuđa Tađêô nhắc nhở mọi người về kẻ phản bội tuyệt vọng cùng tên với ngài. Và nếu đúng như vậy, thì trong sự quan phòng của Chúa, Giuđa Tađêô trở thành vị tông đồ cuối cùng được cầu xin, trở nên niềm hy vọng sau hết cho nhiều người; và chúng ta không ngạc nhiên khi truyền thống gọi Giuđa Tađêô là Thánh Bảo Trợ cho những người thực sự vô vọng. Dẫu sao thì Simon và Giuđa cũng là những Giám mục đầu tiên được chọn để đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất; Thánh Vịnh đáp ca ghi nhận công nghiệp của hai thánh tông đồ, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, như các tông đồ, mỗi người được kêu gọi ra đi loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi đấng bậc, chúng ta sẽ loan báo theo cách thức phù hợp với sứ vụ Chúa Kitô đã trao phó một cách đặc thù. Dẫu hình thức có khác nhau nhưng tất cả đều được kêu gọi để tạo nên một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của những con người chúng ta phục vụ. Và nếu trung thành với sứ mệnh, chúng ta tin chắc, Thiên Chúa đang sống giữa chúng ta qua Thần Khí của Đấng Phục Sinh; chính nhờ Ngài, chúng ta cũng là những ‘không gian thánh’, nơi cuốn hút và quy tụ mọi người đến với Chúa; tác động tông đồ của chúng ta cũng được cảm nhận trong cuộc sống của vô vàn anh chị em cho đến tận cùng thế giới.

Anh Chị em,

Để Hội Thánh có thể trở thành một ‘Không Gian Thánh’ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không chọn hạng khôn ngoan, giàu có, hay những người thuộc tầng lớp quý tộc; Ngài chọn những ngư dân, thu thuế, những con người bình thường mà Ngài sẽ giáo dục. Phải chăng, vì sợ rằng, họ sẽ dụ dỗ một số người bằng sự khôn ngoan của chính họ, mua chuộc những người khác bằng của cải riêng họ, hoặc cuốn hút những người khác bằng những ân huệ nhờ vào quyền lực và sự hào hiệp của họ. Không! Ngài đã chọn gọi những con người yếu hèn như thế để chứng tỏ rằng, chính quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần đang điều khiển Hội Thánh, chứ không một ai khác. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân được gọi để trở nên một ‘không gian thánh’ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dùng con như một công cụ nhiệt tâm và trung thành, cho con trở nên một ‘không gian thánh’; ở đó, bất cứ ai cũng có thể gặp Chúa, đặc biệt, những ai đang tuyệt vọng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts