Làm cho sống

“Thiên Chúa, Đấng làm cho sống”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc hôm nay cùng nói đến một chủ đề: Thiên Chúa, Đấng làm cho sống. Qua miệng ngôn sứ Amos, Thiên Chúa chỉ cho dân điều đẹp mắt Người, “Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ rồi các ngươi sẽ được sống”; qua tường thuật Tin Mừng, hai người bị quỷ ám miền Giêrasa được Chúa Giêsu phục hồi sự sống.

Lời của ngôn sứ Amos thật mạnh mẽ khi ông tố cáo lối sống phù phiếm của dân Chúa, một lối sống mà họ tưởng là đẹp lòng Người. Ông vạch trần việc dân Chúa chạy theo một nền phụng tự hình thức vốn đem lại một sự yên tâm giả tạo, đang khi đời sống tâm linh của họ thực ra đã chết. “Hãy tìm sự lành, đừng tìm sự dữ, để các ngươi được sống”; “Ta khinh ghét và chê bỏ những ngày lễ trọng của các ngươi. Ta không thèm ngửi mùi hương trong các kỳ hội của các ngươi. Ta cũng không nhìn đến các lễ khấn tốt đẹp của các ngươi; hãy mang đi cho xa Ta giọng hát, lời ca của các ngươi, Ta sẽ không nghe tiếng đàn ca của các ngươi”. Amos kết luận, “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn”, nghĩa là ‘Ta lợm tởm lối sống đạo chết chóc vụ hình thức của các ngươi, Ta muốn một lối sống đạo đúng nghĩa’.

Cũng thế, Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu, Đấng phục hồi sự sống. Ngài trả lại phẩm giá, nhân vị và tương quan cho hai người bị quỷ ám sống mà như đã chết đang lây lất giữa mồ mả hoang tàn. Giữa nghĩa trang đìu hiu đó, Ngài cũng trả lại sự sống cho con đường vốn đã chết vì hoang vắng khi chẳng ai buồn qua lại vì sự quấy phá của quỷ. Cả ba thánh sử nhất lãm ghi lại phép lạ này nhưng ở Matthêu, có đến hai người bị quỷ ám đang khi Luca và Marcô chỉ có một; tuy nhiên, điều quan trọng được cả ba tác giả nhấn mạnh ở đây là Giêrasa, một địa danh của dân ngoại vốn tượng trưng cho “vương quốc của Satan”. Phép lạ này chứng tỏ quyền năng của Chúa Giêsu được thực hiện ngay trên đất dân ngoại; Ngài không chỉ cứu sống hai người quỷ ám nhưng còn muốn cả dân ngoại được sống.

Anh Chị em,

Cám dỗ chạy theo một nền phượng tự đạo đức vụ hình thức của Israel thời Amos cũng rất có thể là cám dỗ của chúng ta hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần mạnh mẽ nói đến nền phượng tự thổi bong bóng này, một nền phượng tự như được trời cho những cái bên ngoài, để che những cái sơ sài bên trong. Ngài nói, “Chúng ta dễ rơi vào một Giáo Hội của những sự kiện chứ không phải một Giáo Hội có khả năng tăng trưởng trong giản dị, trong thinh lặng, trong ngợi khen, trong bí tích thánh thể, trong cộng đoàn huynh đệ, chân thành và sản sinh những hoa trái mà không ồn ào, không khua chiêng đánh trống”.

Cũng thế, trong cuộc sống hôm nay, luôn luôn có những con đường chết chóc; ở đó, có thể Satan cũng đang thống trị, điều khiển bằng cách quấy phá, can thiệp khiến con người thuộc mọi đấng bậc đôi lúc tưởng mình đang sống, đang làm điều này điều kia cho Giáo Hội, xã hội nhưng thực ra đã chết. Chết vì bầu khí danh vọng trùm lên bầu khí đạo đức, bầu khí duy vật che khuất bầu khí tri thức mỗi khi con người không cưỡng nổi cám dỗ đặt mình trong những cuộc đua quyền bính danh vọng và tiền tài, đạo cũng như đời. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống, Ngài muốn phục hồi sự sống của chính Ngài, sự sống Kitô nơi chúng ta.

Cha Anthony de Mello nói, “Tôn giáo không phải là vấn đề các nghi thức hay nghiên cứu học viện; nó cũng không là một vài hình thức thờ phượng hay một số việc lành. Tôn giáo nói đến việc nhổ tận căn những vẩn đục khỏi tâm hồn, nó là con đường dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sáng lễ chiều kinh, nhưng đôi lúc cảm thấy mình không hơn chi người vô thần. Xin Chúa cũng hãy hồi sinh con”, Amen.

 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Chia sẻ Bài này:

Related posts