MỘT CUỘC ĐẾN CỦA ÂN SỦNG

“Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Niềm vui được múc nước tận nguồn ơn cứu độ, chính là niềm vui kín múc ân sủng tuôn trào từ Chúa Giêsu; đúng hơn, từ trái tim bị đâm thủng của Ngài. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trào tràn niềm vui của những con người đến với Ngài như dòng suối tuôn trào, ‘một cuộc đến của ân sủng’. Thánh Vịnh đáp ca reo lên, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ”.

Cùng với các tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô cũng reo lên trong bài đọc thứ nhất, “Anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để tôi mưu ích cho anh em”. Ngài xác tín, chính sự giàu có của Thiên Chúa, mầu nhiệm yêu thương và lòng thương xót của Người ẩn chứa trong Chúa Giêsu Kitô, nay, được mặc khải, “Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Đức Kitô”. Đức Kitô đến, ‘một cuộc đến của ân sủng’; Ngài là suối nguồn tình yêu ẩn tàng, nay ban tặng cho tất cả những ai mong đợi.

Thú vị biết bao, vì lẽ thường, ai khát, người ấy mới đi tìm suối; với Chúa Giêsu, ngược lại, Ngài khát con người. Tin Mừng hôm nay đã vẽ lại ‘một cuộc đến của ân sủng’ đầy bất ngờ; Đấng là nguồn suối lại khát khao con người đến độ say mê nó.

Trước hết, với biến cố nhập thể, Chúa Giêsu đã đến lần thứ nhất; ngày kia, Ngài sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Cuộc đến này có thể không xảy ra trong nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm, nhưng nó sẽ nhất định xảy ra; sẽ có một khoảnh khắc khi thế giới kết thúc, trật tự mới được thiết lập; và cụ thể hơn, đó cũng là giờ chết của mỗi người.

Ngoài hai lần đến đó, Chúa Giêsu đang đến ‘n’ lần thứ ba, những lần đến này được thực hiện liên lỉ, hằng giây hằng phút; những cuộc đến đó được gọi là ‘một cuộc đến của ân sủng’. ‘Những cuộc tái lâm’ này đang diễn ra mỗi ngày trên các bàn thờ; diễn ra trong cuộc sống thực tế đời thường của mỗi người. Ân sủng Giêsu, suối nguồn Giêsu đang đến với chúng ta mỗi ngày như dòng suối đi tìm con người đang khát; dòng suối ấy lượn lờ, va đập, gõ vào trái tim chúng ta hằng giây hằng phút. Ngài mong chờ chúng ta mở ngay cửa cho Ngài ùa vào; bằng không, chúng ta sẽ mất cơ hội gặp gỡ Ngài, tắm gội trong Ngài. Ở đây, ngạc nhiên thay, cuộc đón tiếp lại đổi vai; không phải chúng ta đón lấy Giêsu; nhưng chính Ngài, dòng suối ấy lại đón lấy chúng ta, ôm ấp, và rửa sạch chúng ta.

Vậy làm thế nào để chúng ta chuẩn bị cho những cuộc đến của ân sủng tái lâm thứ ba của Con Thiên Chúa? Trước hết, chúng ta cần nuôi dưỡng thói quen cầu nguyện, thói quen sống nội tâm; thói quen nói chuyện, tâm sự, thỏ thẻ, tỉ tê vui buồn… còn gọi là tĩnh thức như Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay. Bất kể chúng ta làm gì mỗi ngày, tâm trí và trái tim của chúng ta luôn hướng về Chúa. Cầu nguyện bấy giờ, trở nên như hơi thở; chúng ta làm và thực hiện việc nhiệm hiệp này mà không hề nghĩ đến nó. Dẫu chúng ta là ai, thuộc đấng bậc nào, cầu nguyện vẫn phải là trung tâm của đời sống mỗi người; và đó là chuyển đổi, “Hạnh phúc là hướng nhìn về Chúa, buồn bã là hướng nhìn về mình”. Quá dễ dàng, trong mọi thời khắc, ai ai cũng làm được.

Giữa hàng chục câu nói của vị chân phước thời thượng Carlo Acutis, một người trẻ đang gây sốt cho thế giới, có một câu đáng suy nghĩ, “Kết hiệp với Chúa là chương trình sống của tôi”. Ôi, diệu vợi! Đó là sống tình bằng hữu với Chúa Giêsu. Carlo Acutis đã sống tình bạn này trong tất cả các mối tương giao. Thế nhưng, một điều quan trọng với Acutis, sống tình bạn với Chúa Giêsu phải hiểu là sự hoán cải của cả một đời người; cụ thể qua việc đón Chúa Giêsu mỗi ngày, ‘một cuộc đến của ân sủng’, để cùng Ngài, tắm gội ân sủng của Thiên Chúa và lắng nghe tiếng nói của Người.

Anh Chị em,

Cuộc đến của ân sủng không chỉ qua những điều lớn lao, siêu nhiên; qua những con người thế giá, vọng tộc; nhưng cuộc đến ấy còn đến với chúng ta qua những lời nói của con cái, qua lụt lội tai ương, qua những điều tôi không thích; qua những lời kêu đói, kêu lạnh của tha nhân ngay hôm nay.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết, ‘một cuộc đến của ân sủng’ chỉ có ý nghĩa khi con biết hoán cải tâm hồn để sống đẹp lòng Chúa; đồng thời, con cũng trở nên suối ân sủng cho anh chị em con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts