MỘT SỰ BIẾN ĐỔI TỰ BÊN TRONG CỦA ÂN SỦNG

“Rượu mới phải đổ vào bầu da mới”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ bất ngờ khi nói, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời chúng ta về nhà một người thu thuế, nhà ông Lêvi; Lêvi đang mở tiệc khoản đãi thầy trò Chúa Giêsu, đông đảo đồng nghiệp và những người quen biết. Có lẽ không ai hiểu tại sao mình được mời ngoài chủ nhà và vị khách quý của ông, Chúa Giêsu. Ở đó, có rượu, thịt và có cả một bí mật vốn cũng là lý do của bữa tiệc mà chúng ta sẽ tìm hiểu.

So với các biệt phái, phong cách của Chúa Giêsu thật khác người. Đang khi ‘các thánh trên đất’, tự coi mình là công chính, không giao du với hạng thu thuế và tội lỗi thì Chúa Giêsu lại lân la với họ đến nỗi chịu tiếng mang lời là tay ăn nhậu chuyên la cà. Hôm nay, tại nhà Lêvi, một lần nữa, ‘các thánh’ không thể cầm mình, họ đặt vấn đề, “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống” nhởn nhơ? Ở đây, chẳng phải ‘các ngài’ lo cho phần rỗi người khác; đúng hơn, họ lên án. Chúa Giêsu phân minh, “Các phù rể có thể ăn chay đang khi tân lang còn ở với họ không?”; “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới”. Ngài nói đến sự cần thiết của một sự biến đổi tự bên trong của ân sủng, để mỗi người có thể nhìn mọi sự một cách mới mẻ dưới mắt kính lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu thấy trong tâm hồn các biệt phái một cái gì đó cũ kỹ, hẹp hòi; thư Côlôssê gọi họ là những “con người cũ”. Tâm hồn họ tựa những bầu da cũ với bản tính cũ, não trạng cũ vốn bám chặt vào sự cổ hủ của lề luật cũ. Chúa Giêsu không ngần ngại phơi trần những ẩn khuất tâm hồn họ; điều mà cũng chính Phaolô đã nói đến trong thư Côrintô hôm nay, “Thiên Chúa sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày ý định của tâm hồn”; “Người sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người”.

Khi dùng hình ảnh bầu da mới, Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt tâm can từng gang tấc, muốn nói đến sự cần thiết của một tư duy mới, suy nghĩ mới, não trạng mới vốn phải được biến đổi trong “con người mới”, “một tạo vật mới trong Chúa Kitô”. Tất cả như là chuẩn bị cho việc đón nhận rượu mới của Thiên Chúa, cũng là ân sủng mới mẻ của Người. Chính sự mới mẻ này đã biến đổi con người cũ Lêvi thành một con người mới, “Matthêu”, có nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa”; sự mới mẻ nội tại này đã làm cho niềm vui bên trong không thể tiếp tục giấu kín, nó phải bộc lộ và hậu kết là tiệc mừng. Đó là bí mật của bữa tiệc, lý do để ăn mừng. Điều tương tự cũng đã xảy ra với một đồng nghiệp của Matthêu, Giakêu thu thuế, ông cũng mở tiệc mừng; tại nhà Giakêu, Chúa Giêsu đã tuyên bố, “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ”. Đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Người công chính được Chúa thương cứu độ”. Đây là niềm vui của những người được Thiên Chúa cứu độ, bầu da mới là tâm hồn được cứu độ, được Thánh Thần biến đổi; Matthêu, Giakêu là những tạo vật mới trong Chúa Kitô. Họ thực là những người công chính, những người đã chết nay sống lại, đã mất nay được tìm thấy; đó là những tạo vật mới được biến đổi tự bên trong bởi ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sứ điệp Chúa Giêsu gửi đến người biệt phái và cho cả chúng ta hôm nay thật rõ ràng: Ai muốn lãnh nhận ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, người ấy phải để Thánh Thần biến đổi con người cũ của mình từ bên trong; từ đó, họ trở nên những tạo vật mới có khả năng chấp nhận những quy ước mới của ân sủng. Họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa ở một cấp độ hoàn toàn mới, không còn dính trết vào định kiến nệ luật cũ kỹ của mình. Từ đó, Thiên Chúa mới có thể tự do thực hiện những điều kỳ diệu và quyền năng của Người nơi chúng ta, những điều kỳ diệu vốn vượt quá bất cứ những gì mỗi người có thể tự mình làm nên. Được như thế, chúng ta đã trở thành một “bình rượu” mới phù hợp để Thiên Chúa đổ đầy ân sủng của Người vào; rượu mới là Thánh Thần đang nắm giữ và sở hữu cuộc sống của mỗi người. Và chỉ khi đó, con người được gọi là công chính đúng nghĩa. Matthêu, Giakêu và những ai đã được hoán cải tự bên trong là những người công chính; các biệt phái thì không.

Ngày kia, có một cụ già, già đến nỗi cụ không còn nhớ đến tuổi tác, cũng không biết đến tuổi xuân của mình. Cụ chẳng hy vọng, cũng không buồn thất vọng; cụ không biết cười, chẳng biết khóc. Trên đời nầy, không gì làm cụ ngạc nhiên, cũng chẳng có gì làm cụ phật lòng; cụ không biết no, chẳng biết đói. Cụ bất cần, sống lập dị như một con thú ở bìa rừng. Cho đến một sáng mùa xuân, một em bé chạy lại căn lều của cụ. Cụ chưa kịp xua đuổi, em bé đã ôm lấy cụ và hôn hồi lâu. Cụ bàng hoàng, tưởng mình đang mơ… vì một thiên thần từ trời đang đậu xuống. Lần đầu tiên trong đời, cụ xúc động. Mắt cụ sáng lên, lần đầu tiên tâm hồn chai lỳ của cụ thức giấc. Bỗng cụ trở nên lạc quan, hạnh phúc và yêu đời.

Anh Chị em,

Chỉ một nụ cười, một chiếc hôn, em bé đã biến đổi tâm hồn cụ; phương chi một cú hích của Thánh Thần tự bên trong linh hồn. Một lần đón nhận, ngàn lần ân phúc. Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sẽ làm nên một cuộc tạo thành mới, Ngài sẽ biến đổi chúng ta từ bên trong bằng chính ân sủng của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con ngoan nguỳ mở lòng hưởng lấy những ngọn gió mới của Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu thì thổi, xin Ngài thổi phăng những gì mờ ám, mụ mị trong con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts