MỘT SỰ DỊCH CHUYỂN VỀ PHÍA THIÊN CHÚA

 “Phúc thay các ngươi là những kẻ nghèo khó”;

“Khốn thay các ngươi là những người giàu có”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến một tình trạng, một điều kiện của tâm hồn; một cái gì đó ở trạng thái tỉnh, khi Chúa Giêsu đưa ra các mối phúc, mối hoạ, trong đó một linh hồn đang trải qua. Thế nhưng, phụng vụ Lời Chúa hôm nay còn nói đến một sự dịch chuyển, dịch chuyển từ thấp lên cao, từ đất lên trời, từ đời tạm đến đời đời như là một sự dịch chuyển về phía Thiên Chúa.

Đặc biệt với bài Tin Mừng, khi Luca chia ‘tám mối’ thành hai, ‘bốn phúc, bốn hoạ’ đang khi Matthêu, lại có đến ‘chín mối’ nhưng được gộp lại còn tám, chúng ta thường gọi là Bát Phúc.

Với ‘bốn phúc, bốn hoạ’, chúng ta được mời gọi tự hỏi, vậy thì tôi đang ở đâu; tôi được chúc phúc hay bị chúc dữ; tôi có chỗ trong danh sách “phúc thay” không; sao tôi dám ảo tưởng mình có thể chen chân vào đó; hay tôi đang ở trong danh sách “khốn thay”?. Bởi lẽ, dù không giàu nhưng ít nhiều, tôi cũng có của cải; không cao lương mỹ vị nhưng ngày nào tôi cũng đủ no; không phải thường xuyên vui như đám cưới nhưng tôi luôn cười nhiều hơn khóc và ít nhiều, tôi cũng được người đời xưng tụng. Dưới con mắt thế gian, tôi là người hạnh phúc, nhưng có chắc như vậy không; phúc của tôi có phải là phúc thật không; hay tôi tưởng là hạnh phúc đang khi tôi bất hạnh? Và nếu tôi không hạnh phúc, thì đúng rồi, Chúa Giêsu có lý, “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có; khốn cho các ngươi là những kẻ đang no nê; khốn cho các ngươi là những kẻ đang vui cười; khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng”. Vậy thì làm sao để dịch chuyển từ “hoạ” sang “phúc”?

Trong bài đọc thứ nhất, khi nhìn xuống đất thấp với những gì đang có đó, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách dịch chuyển. Ngài chỉ ra cái chóng qua, tạm bợ ở đời này, nơi mà mỗi người đang đi qua như một lữ khách; cùng lúc, ngài bày cho chúng ta phương thế, “Thời gian vắn vỏi, ai vui mừng, hãy như chẳng mừng vui; ai mua sắm hãy như không có gì; kẻ hưởng dùng đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi”. Ngài nhắn nhủ chúng ta đừng quá gắn bó với của cải đời này để không bị ràng buộc hầu có thể thanh thoát dịch chuyển đến những của cải bền vững hơn, niềm vui lớn lao hơn; và như vậy, dịch chuyển hướng về phía Thiên Chúa, một dịch chuyển mang tính đời đời.

Trong Tin Mừng, nhiều lần, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức dịch chuyển, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác, Người sẽ ban cho sau”; “Hãy dùng tiền của mà mua lấy Nước Trời, mua lấy bạn hữu”; “Hãy sắm cho mình những kho báu trên trời, nơi trộm cắp không vãng lai và mối mọt không làm hư hao”. Như thế, các mối phúc của Chúa Giêsu vượt xa những gì có ý nghĩa tức thời; chúng cho phép chúng ta sống trên một cấp độ hoàn toàn mới của đức tin, hy vọng và tình yêu; chúng cho thấy những giá trị đời đời, mời gọi con người dịch chuyển từ hèn hạ đến cao thượng, từ đất thấp lên trời cao, từ con người đến Thiên Chúa.

Trong tập hồi ký Titanic & Những Điều Vĩ Đại Chưa Kể, thuyền phó Charles Lightoller tiết lộ một trong những bí mật giấu kín nửa đời người. John Astor IV, một nhà kinh doanh, nhà phát minh và nhà văn nổi tiếng, cũng là một trong những người giàu nhất thế giới bấy giờ. Sau khi đưa vợ đang mang thai 5 tháng lên thuyền cứu hộ; một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà, ông hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần ra xa, “Anh yêu hai mẹ con em!”. Thuyền phó ra lệnh, “Astor lên thuyền!”; nhưng ông kiên quyết, “Tôi thích cách nói cơ bản nhất bảo vệ phái yếu, Ladies first!”. Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một phụ nữ. Vài ngày sau, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; bảo vệ nhân cách.

Anh Chị em,

Dịch chuyển về phía Thiên Chúa là quên mình, là trở nên cao thượng, vị tha; đó là những con người biết dành cho mình một kho báu trên trời. Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” Titanic thành những biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.

Hôm nay, được lắng nghe những lời này, chúng ta thật có phúc nếu mỗi người biết dịch chuyển trong ân sủng và sự chỉ bảo của Chúa Thánh Thần; vì ở bất cứ cương vị nào, bậc sống nào, sống thánh đến bao nhiêu… thì lời mời gọi dịch chuyển vẫn còn đó.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con được chúc phúc; nhờ ơn Chúa, mỗi ngày, con được phúc nhiều hơn, khi con biết mở tai, mở tâm và mở tay để sống lòng thương xót của Thiên Chúa với anh chị em mình”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts