Tin mừng Lc 17: 26-37
Ta đang sống trên trần thế, đang hoạt động, đang làm việc, đang vui chơi, đang nghỉ ngơi,… Những gì được gọi là “đang” ấy sẽ có ngày chấm dứt, kết thúc tất cả. Đó là ngày cánh chung.
Ta đã được Chúa Giêsu cảnh báo về các tiên tri giả, điều này được Thánh Mátthêu ghi lại: “Vậy, nếu người ta bảo anh em: ‘Này, Người ở trong hoang địa’, anh em chớ ra đó; ‘Kìa, Người ở trong phòng kín’, anh em cũng đừng tin. Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Mt 24:26-28).
Chúa Giêsu dùng những sự tích trong Cựu Ước để cảnh báo tính bất ngờ của một biến cố rất lớn lao và chắc chắn sẽ xảy đến, đó là biến cố cánh chung, biến cố của ngày Chúa lại đến, “ngày Con Người được mạc khải” (c. 30). Lúc đó Chúa Kitô cũng chính là Ngôi Lời (Logos) ngự đến cách chung cuộc để cho ý nghĩa của mọi tạo vật được tỏ hiện, đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người trong nhân loại đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: đó là được cứu độ hay không được cứu độ.
Khi nói về những thực tại cánh chung, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh vốn quen thuộc với người Do thái, nhưng tựu trung chính cái bất ngờ vượt khỏi mọi phạm trù và trí tưởng tượng của con người vẫn là những nét chính của thực tại cánh chung ấy. Tất cả những hình ảnh và thí dụ được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng thực tại cánh chung, ngày tận thế, ngày của Chúa, vốn là một thực tại mà không ai biết trước được. Bằng nhiều hình ảnh và cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh luôn khẳng định tính bất ngờ của ngày thế mạt; do tính bất ngờ này, các Kitô hữu luôn được mời gọi để sống tỉnh thức.
Thật ra, ngày của Chúa hay thời cánh chung đã thực sự khởi đầu với chính cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực sự đi vào trong ngày ấy, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài và trở thành nhân chứng của Ngài trong lịch sử. Chúa Giêsu đã đến để đổi mới mọi sự như thánh Gioan Tông đồ đã viết trong sách Khải huyền, hoặc như thánh Phaolô đã viết trong thư 2Cr: “Ai ở trong Chúa Kitô cũng đều trở thành một tạo vật mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi”. Chúa Kitô Phục sinh đang có mặt và tác động trong lịch sử loài người; chính Ngài đang phơi bày sức mạnh của tội lỗi là hận thù, ích kỷ, bạo động, và khơi dậy cũng như nâng đỡ những sức mạnh của chân lý, công bằng, liên đới, yêu thương. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó sẽ cảm thấy mình là tạo vật mới có sức thắng vượt quyền lực của sự dữ và tăm tối.
Chúa Giêsu mô tả ngày chấm dứt cuộc sống trần thế của cuộc sống con người bằng câu chuyện thời ông Noe với trận lụt hồng thủy, hoặc câu chuyện lửa đỏ diêm sinh thiêu rụi tất cả thành Sôđôma vào thời ông Lót trong Cựu Ước…thật bất ngờ, ghê gớm và đáng sợ vào ngày Chúa tái lâm để xét xử con người trên trái đất.
Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê,khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.”Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy.Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời,thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán,họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28).
Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại. Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường. Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủbởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng. Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo.Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè. Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới. Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35), nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau.Có người được đem đi, có người bị bỏ lại. Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)? Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối?
Sự việc xảy ra thật bất ngờ đến độ người ta đang vui chơi, ăn uống, cưới vợ gả chồng,…thì lũ lụt xảy đến, mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống.
Sự việc thật bất ngờ khi mà hai người đàn bà đang xay cùng một cối bột, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hoặc hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.
Những điều đó sẽ xảy ra trong ngày Chúa quang lâm, hầu cảnh giác con người hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Và số phận của con người tùy thuộc vào chính cuộc sống của họ trên trần gian : kẻ lành được chọn, kẻ dữ sẽ bị loại trong ngày quang lâm.
Ngày cánh chung sẽ đến, nhưng bao giờ xảy đến không ai biết. Nhưng Chúa cho sự việc xảy ra như thế nhằm đốc thúc con người đừng quá chăm lo cho cuộc sống hiện tại, đừng quá chểnh mảng, lơ là trong công việc chuẩn bị cho ngày cánh chung, mà cần phải biết chăm lo cho cuộc sống mai sau bằng thái độ chuẩn bị và sẵn sàng.
Ngày cánh chung sẽ đến với từng người, không ai có thể sống mà không thoát khỏi cái chết. Chúa nhắc nhở mọi người: “khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ ra với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”.
Do đó, mỗi người đừng chăm bẵm, cho cuộc sống hiện tại mà đi tìm vinh quang, bổng lộc của trần thế, đừng lơ là mà hãy biết chăm lo cho cuộc sống đời sau, để cách sống ta được thể hiện qua số phận được định đoạt trong ngày cánh chung, ta được Thiên Chúa tuyển chọn hay sa thải là do cách sống của mình: “Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời”
Hôm nay, Chúa cũng nhắc nhở ta đừng quá bám víu vào thế gian, hoặc vun quén cho sự sống thế tục của mình, nhưng phải lo đến cuộc sống đời đời của mình bằng việc sống đẹp lòng Chúa hơn.
Số phận của chúng ta được định đoạt trong ngày phán xét : được chọn hay bị loại. Tất cả tùy thuộc vào thái độ sống hiện tại của chúng ta : tin hay từ chối đức tin, yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân hay khước từ tình yêu với Chúa và với tha nhân.
Chúa Giêsu không muốn đe dọa ta về ngày tận cùng của thế giới, mà Người chỉ muốn nhắc nhở như Đức Thánh Cha Benedictô 16 nhắc lại. Đề ứng phó ngày cánh chung chỉ có hai bửu bối duy nhất và quan trọng nhất, đó là tinh thần sẵn sàng đón nhận với tâm tình cầu nguyện.
Xin Chúa cho ta biết chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày cánh chung. Xin Chúa thúc đẩy chúng ta sống tâm tình tỉnh thức và sẵn sàng. Xin Chúa giúp ta biết sống xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa để bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu mai sau.
Huệ Minh