“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Thần trí tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu câu hỏi xa xưa, “Cái nào có trước, con gà hay quả trứng?” mà chỉ mình Thiên Chúa mới có câu trả lời về cách thức Người tạo dựng thế giới và muôn loài trong đó, thì một câu hỏi lý thú khác với kinh Magnificat là, “Cái nào có trước, linh hồn tôi ngợi khen Chúa hay thần trí tôi hoan hỷ trong Chúa?”. Có lẽ chưa bao giờ đặt cho mình câu hỏi đó, một câu hỏi sẽ dẫn chúng ta đi sâu vào tâm tình ‘ngợi khen và hoan hỷ’ của người con trước một Thiên Chúa luôn yêu thương.
Câu đầu tiên của Magnificat xác định hai hành động xảy ra nơi Đức Mẹ, Mẹ ‘ngợi khen và hoan hỷ’. Hãy suy nghĩ về hai trải nghiệm nội tâm này. Sẽ dễ hiểu hơn khi nói, ‘Có phải vì đã công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa nên Mẹ tràn đầy niềm vui? Hay Mẹ tràn đầy niềm vui vì đã công bố sự vĩ đại của Người?’. Phần nào đó, câu trả lời sẽ là cả hai; nhưng rõ ràng, thứ tự trong Magnificat ngụ ý Đức Mẹ công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa trước, và kết quả là Mẹ ngập tràn niềm vui.
Đây không chỉ là một suy tư triết học hay một suy tư thuần lý; đúng hơn, một điều gì đó rất thực tế vốn sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hàng ngày của mình. Thông thường trong cuộc sống, chúng ta đợi cho có ‘bằng chứng’ trước, rồi mới ngợi khen và cảm tạ; trường hợp bà Anna trong bài đọc thứ nhất hôm nay là một điển hình, bà tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho bà cậu bé Samuel; bà nói, “Chúa đã cho tôi được như tôi xin”. Cũng thế, chúng ta thường chờ cho đến khi Thiên Chúa ‘chạm đến’, đáp lời; hoặc ít nhiều, trải nghiệm nỗi hân hoan của mình, sau đó, mới nghĩ đến việc đáp trả Người với lòng biết ơn. Điều này là tốt, nhưng tại sao lại phải đợi đến lúc đó mới ‘ngợi khen và hoan hỷ’ để cao rao sự vĩ đại và tình yêu của Người?
Công bố vĩ nghiệp của Thiên Chúa là một hành động thường xuyên của tình yêu cần được thực hiện mỗi ngày trong mọi hoàn cảnh, không thành vấn đề điều gì xảy ra. Chúng ta công bố sự vĩ đại của Người, trước hết, vì Người là Thiên Chúa; là Thiên Chúa, Người xứng đáng với tất cả những lời ngợi khen; nguyên chỉ chân lý đó cũng đáng cho chúng ta ‘ngợi khen và hoan hỷ’. Lời đáp ca hôm nay nói lên tâm tình thường xuyên đó, “Lòng tôi nhảy mừng trong Chúa cứu độ tôi”.
Vậy mà, kỳ diệu thay! Một thú vị đến bất ngờ là ai công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa khi an lành hay cả lúc khó khăn thì trong cả hai trường hợp, họ thường có một trải nghiệm vui mừng trong tâm hồn. Đó cũng là điều thường xuyên xảy ra nơi Đức Mẹ, vì lẽ, Mẹ thường xuyên sống trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nên Mẹ thường xuyên ca khen vĩ nghiệp Người; bằng chứng là Mẹ đã kiên cường ‘đứng thẳng’ dưới chân thập giá. Vì thế, trong bối cảnh gặp gỡ người chị họ, hai người mẹ vui mừng, hai đứa con nhảy mừng… thì Magnificat chỉ là sự vỡ oà tất yếu của một niềm vui ‘ngợi khen và hoan hỷ’ vốn đã ắp đầy từ bao ngày nơi tâm hồn Đức Mẹ mà chúng ta tưởng như lần đầu tiên Mẹ công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa và thần trí Mẹ nhảy mừng.
Một trong những giai thoại của kiệt tác ‘Bữa Tối Cuối Cùng’, của Leonardo Da Vinci, nói đến đôi tay trống trơn của Chúa Giêsu. Sau ba năm lao động miệt mài, trước khi ra mắt bức hoạ, ông xin một người bạn rất uy tín góp ý. Bạn ông khen ngợi hết lời; tuy nhiên, người ấy nói, “Chiếc cốc trong tay Chúa Giêsu tuyệt đẹp”. Thất vọng vô cùng, Da Vinci quyết định vẽ lại Chúa Giêsu với một đôi tay trống trơn. Kinh ngạc, bạn ông yêu cầu một lời giải thích; danh hoạ Da Vinci nói, “Đôi tay trống trơn như muốn nói rằng, không gì có thể phân tâm việc chiêm ngắm Chúa Giêsu; phải tập trung vào Ngài; đôi tay trống trơn đang chúc phúc, đồng thời, mời gọi con người cao rao vĩ nghiệp của Thiên Chúa cả khi không còn gì để mất”.
Anh Chị em,
Thời bà Anna, không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi Samuel chào đời; cũng không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi Đức Mẹ đầu thai. Cũng thế, hôm nay, trước bao biến cố mà chúng ta mù tịt, rối bời, chúng ta vẫn xác tín một điều là, Thiên Chúa đang tiếp tục công cuộc cứu độ của Người; Người cứu độ qua những gì tầm thường nhất, nhỏ bé nhất. Việc của chúng ta là tin nhận Người yêu thương, quyền năng và cứu độ. Vì thế, ‘ngợi khen và hoan hỷ’ mãi trong Người là tâm tình đúng đắn nhất của một người con; ngợi khen vĩ nghiệp Người cả khi tay trống trơn, cả khi hơi thở tàn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì đời con thuộc trọn về Chúa, để dù ngày con an vui hay ngày con u sầu, con vẫn liên lỉ ‘ngợi khen và hoan hỷ’ Danh Người như Đức Mẹ, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)